Hết thời nghề khai mỏ

Trong danh sách cổ phiếu cảnh báo nhà đầu tư do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố, trong chín mã cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch thì có đến sáu thuộc ngành khai thác khoáng sản. Đó là dấu hiệu cho thấy nghề đào tài nguyên để bán sắp hết thời.

Hồ chứa bùn thải titan bị vỡ ở Bình Thuận. Ảnh: Văn Nam

Bức tranh ảm đạm

Đã có một thời khai thác khoáng sản là nghề hái ra tiền, thậm chí đây còn là một trong những động lực phát triển của nền kinh tế, nhưng nay thời hoàng kim đó đã qua. Từ năm 2016 đến nay, chỉ số phát triển ngành công nghiệp khai khoáng giảm liên tục và ngay cả khi giá dầu đã hồi phục thì ngành công nghiệp này bảy tháng đầu năm nay vẫn giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Còn với các doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của họ đều có điểm chung là “thua lỗ” và “phá sản”. Kết quả này thể hiện rất rõ nét trên thị giá cổ phiếu ngành khoáng sản niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán, với cổ phiếu có giá từ vài trăm đến vài ngàn đồng chiếm số lượng áp đảo.

Công ty có cổ phiếu niêm yết trên các sàn chứng khoán đa phần đều là những doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn nhưng vẫn rất khó để tồn tại, còn với những doanh nghiệp nhỏ, tình trạng thậm chí còn bi đát hơn. Theo số liệu thống kê của một số tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Hà Giang..., là những địa phương có nhiều mỏ khoáng sản kim loại, trong 2-3 năm gần đây, hơn hai phần Ba số doanh nghiệp khai khoáng ở những địa phương này đã phải đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động.

Không khó để nhận ra các công ty khoáng sản đang đứng trên bờ vực phá sản hiện nay đều có một số đặc điểm chung: sản phẩm của họ là quặng thô hoặc quặng sơ chế; đầu ra cho sản phẩm là thị trường xuất khẩu mà hầu hết là xuất sang thị trường Trung Quốc; quy mô khai thác không lớn, nhất là với các mỏ khoáng sản kim loại, công nghệ khai thác lạc hậu. Chính vì vậy, ngay khi Chính phủ thay đổi chính sách đối với xuất khẩu khoáng sản thô, đường sống của các doanh nghiệp này cũng không còn.

Hiện nay, hầu như chỉ những công ty khai thác để phục vụ cho nhu cầu của thị trường nội địa, như than đá, vật liệu xây dựng... là còn tạm sống được, nhưng cũng không dễ dàng. Với than đá, cái thời chỉ cần cào bỏ lớp đất mặt là có thể đào than lên để bán đã lùi vào dĩ vãng. Muốn lấy được than giờ các công ty phải đào sâu vào lòng đất, nghĩa là phải đầu tư nhiều hơn nhưng lợi nhuận có được ít hơn. Còn ngành khai thác vật liệu xây dựng, như đá, sỏi, cát... dù thị trường trong nước không nhỏ, nhưng các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về môi trường mới là yếu tố chính chặn đường sống của nhiều doanh nghiệp.

Cái kết có chủ định

Trước tình trạng số lượng giấy phép khai thác khoáng sản tăng vọt, trong khi việc khai thác và chế biến bằng công nghệ cũ, lạc hậu, cộng với môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, năm 2012 Chính phủ ban hành Chỉ thị 02 nhằm siết chặt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò và khai khoáng. Có thể nói, đây chính là cột mốc báo trước thời kỳ ảm đạm cho ngành kinh doanh này.

Yêu cầu đặt ra trong Chỉ thị 02 rất rõ ràng, đó là “chế biến khoáng sản phải sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản chỉ được xem xét cấp phép khi đã có dự án đầu tư và được hội đồng thẩm định của các bộ Công Thương, Xây dựng và ủy ban nhân dân các địa phương thẩm định theo thẩm quyền... Đối với những khoáng sản chưa có công nghệ chế biến hiện đại, bảo đảm hiệu quả thì kiên quyết dừng lại chưa khai thác”.

Qua chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng xuất khẩu một loạt quặng thô và tinh quặng như sắt, titan, chì, kẽm, cromit, đồng, apatit... Với đá hoa trắng và đá granit, không xuất khẩu đá khối và tạm dừng việc cấp phép thăm dò, khai thác mới. Riêng đất hiếm, việc khai thác, chế biến, xuất khẩu phải được Thủ tướng chấp thuận.

Chỉ thị 02 còn đưa ra các yêu cầu siết chặt quản lý về môi trường và những nơi không đáp ứng được điều kiện này sẽ bị đóng cửa mỏ, doanh nghiệp buộc phải hoàn thổ cho phần đã khai thác.

Tuy nhiên, từ sau khi Chỉ thị 02 được ban hành, hoạt động xuất khẩu một số loại khoáng sản thô vẫn chưa bị cấm cửa hoàn toàn. Do một số tỉnh cầu cứu, Bộ Công Thương vẫn cho tạm xuất một số loại để giải tỏa tồn kho. Mới đây nhất, việc tạm cho phép xuất khẩu quặng sắt lại được bộ này gia hạn cho đến hết năm 2018.

Với một số khoáng sản phi kim loại như đá hoa trắng và đá granit, lệnh cấm xuất khẩu chỉ áp dụng với đá nguyên khối, nên Chỉ thị 02 vẫn chưa là dấu chấm hết cho các doanh nghiệp hoạt động khai thác các tài nguyên này.

Nhưng không chỉ có thế, sau khi Chỉ thị 02 được ban hành, các chính sách thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, quyền khai thác mỏ cùng hàng chục chi phí từ quá trình thăm dò, đánh giá, lập nghiên cứu khả thi đến xin phép khai thác... cũng được điều chỉnh tăng mạnh. Trong đó, chỉ riêng thuế tài nguyên đã hai lần được điều chỉnh kể từ sau năm 2012, với mức thuế suất tăng từ 50% đến trên 100%. Cùng lúc, thuế xuất khẩu, phí cấp quyền khai thác khoáng sản cũng tăng 3-4 lần. Tiếp đến là “chướng ngại” về môi trường. Các nhà đầu tư vào khai mỏ không chỉ phải đối mặt với những quy định về an toàn và bảo vệ môi trường khắt khe hơn từ cơ quan nhà nước, mà còn từ sự phản ứng của cộng đồng nơi họ khai thác - đây mới là trở ngại khó, thậm chí là không thể vượt qua.

Tất cả những yếu tố trên đã góp phần đưa các doanh nghiệp vốn lâu nay sống và làm giàu nhờ khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô đến đường cùng. Một cái kết, nếu xét về lợi ích tổng thể của quốc gia, là có lợi và lẽ ra nên được thực hiện sớm hơn.

Đức Hoàng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277064/het-thoi-nghe-khai-mo.html