Hết thời Mỹ dễ dàng phát hiện tàu ngầm Trung Quốc?

Với việc thử thành công hệ thống định vị Beidou cùng thiết bị tiếp sóng dưới biển khiến tàu ngầm Trung Quốc khó bị phát hiện hơn rất nhiều.

Thông tin này được tờ People’s Daily (Trung Quốc) hôm 1/2 dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết, cuộc thử nghiệm truyền tải dữ liệu dung lượng cao trong thời gian thực giữa các máy tiếp sóng dưới đại dương và hệ thống vệ tinh định vị Beidou đã hoàn thành thử nghiệm với kết quả ngoài mong đợi.

Phát biểu sau khi thử nghiệm thành công, ông Wang Fan, một trong số những nhà khoa học tham gia thử nghiệm cho biết: "Công nghệ này giúp tăng cường đáng kể sự an toàn, độc lập và độ tin cậy của việc truyền dữ liệu dưới đại dương".

Tàu ngầm Trung Quốc.

Theo nhà khoa học này, việc Trung Quốc sử dụng hệ thống Beidou sẽ giúp các tàu ngầm không còn phải phụ thuộc vào các vệ tinh nước ngoài để thực hiện các hoạt động liên lạc tương tự. "Hệ thống tiếp sóng kết hợp với hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu ở độ sâu 6.000 m đã hoạt động an toàn và hiệu quả trong hơn 1 tháng nay".

Giới quân sự Trung Quốc còn tự tin cho rằng, một khi hoàn thành thử nghiệm và những công nghệ này chính thức đi vào hoạt động, việc phát hiện được tàu ngầm Trung Quốc trên biển sẽ là nhiệm vụ cực khó khăn với lực lượng săn ngầm của Mỹ.

Được biết, ngay trước khi Trung Quốc có thử nghiệm cực ấn tượng này, tờ News.usni đã có phân tích chỉ ra điểm yếu khiến tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng bị phát hiện. Điểm yếu đầu tiên là hệ thống AIP của tàu ngầm thông thường Trung Quốc vẫn chưa thể hiện được bước đột phá.

Hiện nay tàu ngầm 039A của nước này vẫn sử dụng động cơ cũ mua của Thụy Điển, trong khi đó động cơ mà Thụy Điển sử dụng đã được cập nhật động cơ thế hệ 3. Điều này có nghĩa là hệ thống AIP của Trung Quốc ít nhất vẫn lạc hậu hơn phương Tây 2 thời đại, về phương diện tàu ngầm thông thường, khoảng cách giữa Trung Quốc với tàu ngầm hiện đại của các nước khác là rất rõ rệt.

Điểm yếu tiếp theo đồng thời bị coi là tử huyệt đó chính là nằm ở hệ thống chỉ huy và thông tin liên lạc. Các chuyên gia Mỹ không hiểu là Trung Quốc làm thế nào để liên lạc với tàu ngầm khi nó đang hành trình, bởi hải quân nước này hiện chưa có loại máy bay đặc chủng, tương tự như E-6 Mercury của Mỹ (chuyên chỉ huy và giữ liên kết với lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo).

Do đó, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc không thể nhận lệnh từ Bộ chỉ huy chiến lược và các số liệu tình báo từ vệ tinh hay các hệ thống chỉ huy-cảnh báo sớm, đồng thời không thể liên kết với các lực lượng răn đe hạt nhân, cùng các lực lượng khác của hải quân.

Thiếu khả năng chỉ huy và liên kết, các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc sẽ phải độc lập tác chiến, vừa không phát huy được hết sức mạnh tấn công của toàn bộ lực lượng, mà còn dễ bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, Trung Quốc tin rằng, với hệ thống tích hợp giữa Beidou và thiết bị đặc biệt dưới nước, nhược điểm trên sẽ không còn tồn tại và vị trí thực sự của tàu ngầm Trung Quốc trên biển sẽ là ẩn số với lực lượng tìm kiếm.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/het-thoi-my-de-dang-phat-hien-tau-ngam-trung-quoc-3374033/