Hết thời đòn hạt nhân Nga chỉ để phòng vệ

Lực lượng hạt nhân Nga đã được phép mở rộng phạm vi sử dụng và không chỉ giới hạn ở các trường hợp đáp trả đặc biệt khẩn cấp như trước kia.

Hồi tháng 6/2020, Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua các nguyên tắc cơ bản của chính sách răn đe hạt nhân quốc gia Liên bang Nga. Văn bản này xác định tất cả các trường hợp cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên văn bản học thuyết hạt nhân của Nga được đăng tải công khai trên trang web của điện Kremlin.

Trước đây, học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga được quy định rằng chỉ đáp trả khi nước Nga bị tấn công bằng phương tiện tương tự hoặc sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa do hành động quân sự nguy hiểm của đối phương, dẫn đến nguy cơ mất chủ quyền.

Nga thử nghiệm tên lửa ICBM.

Nga thử nghiệm tên lửa ICBM.

Nhưng đã có sự thay đổi lớn trong học thuyết hạt nhân mới của Nga. Khi học thuyết mới được công bố, bất kỳ tên lửa đạn đạo hay thậm chí là tên lửa hành trình nào của kẻ thù bay về phía Nga đều có thể bị xem là lý do để Moskva tiến hành tấn công hạt nhân trả đũa ngay lập tức.

"Nga có thể tiến hành cuộc tấn công hạt nhân trả đũa nếu một tên lửa đạn đạo được phóng theo hướng nhằm vào lãnh thổ. Không cần phải quan tâm xem đầu đạn hạt nhân được cài đặt trên tên lửa hay đó chỉ là đầu đạn thông thường.

Các tiêu chuẩn như vậy được chỉ rõ trong Chính sách nhà nước về răn đe hạt nhân. Đây là phản ứng đối với các bước đi leo thang của Hoa Kỳ trong lĩnh vực vũ khí. Học thuyết đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin phê chuẩn", Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo cho biết.

Trong số các mối đe dọa được nêu ra đã đề cập đến việc triển khai vũ khí bởi các quốc gia coi Nga là đối thủ, những phương tiện tác chiến được liệt kê bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, tên lửa đạn đạo, vũ khí giả.

Rõ ràng Nga đã quyết định thay đổi cách tiếp cận và đưa ra đòn đánh phủ đầu đối với kẻ thù tiềm năng, hành động trên có thể gây ra phản ứng mạnh hơn từ phía Mỹ và Liên minh quân sự NATO.

Giới chuyên gia không loại trừ rằng bước đi trên của Nga nhằm gây áp lực lên Mỹ, khi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) sắp hết hiệu lực và chưa có động thái nào cho thấy Washington sẽ đồng ý ra hạn.

Theo số liệu được công khai, hiện nay Nga đang sở hữu khoảng 7.000 đầu đạn hạt nhân, có thể triển khai trên ba nền tảng khác nhau. Trong số đó có 1.790 đầu đạn được cho là đã và đang được triển khai, trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, 2700 đầu đạn dự trữ và số còn lại là lượng đầu đạn đã được loại thải do hết hạn.

Mỹ gần như tương đương với tổng cộng 6780 đầu đạn hạt nhân với 1740 đầu đạn đã được triển khai, 2740 đầu đạn dự trữ và 2300 đầu đạn đã hết hạn. Và giống Nga, số vũ khí hạt nhân của Mỹ cũng được triển khai trên đa nền tảng khác nhau.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/het-thoi-don-hat-nhan-nga-chi-de-phong-ve-3413515/