Hết Tết!

Hết Tết, nhịp sống của mỗi người lại phải trở về với cái trật tự như vốn có của nó. Nhịp sống đời thường quen thuộc.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

1. Hết Tết, ngày đầu tiên lên trường, gã nhận được cuộc gọi điện thoại từ một người bạn thân. Bắt máy, câu đầu tiên bạn hỏi Tết này ở quê có vui không. Gã trả lời mà dường như không một chút suy nghĩ: “Tết này vẫn rất vui”.

Vui bởi một năm vất vả làm việc quần quật Tết mới có dịp nghỉ ngơi, quây quần đầm ấm bên gia đình nội ngoại. Vui bởi Tết cũng là dịp hiếm hoi để có thể gặp lại bè bạn mà hàn huyên về một thuở ấu thơ ngày nào dù vẫn còn những người bạn ở xa không thể trở về vì dịch bệnh. Vui bởi còn được gặp lại những cô cậu học trò cũ mà gã yêu quý.

Những cô cậu học trò “nhất quỷ nhì ma” một thời, giờ đứa nào đứa nấy đều chín chắn, thành đạt. Chúng râm ran ôn lại những chuyện ngày xưa cùng thầy, những câu chuyện tưởng chừng không bao giờ có hồi kết. Trò ra về, vợ gã đùa, một cơn bão vừa đi qua. Còn nhiều lẽ vui khác như cái niềm vui giản đơn được hòa mình vào những phiên chợ Tết nhiều khi chỉ để mà ngắm hoa, ngắm những nụ cười xuân.

Rồi còn cái khoảnh khắc gần đến lúc giao thừa, một mình trong căn phòng nhỏ ngồi nghe tiếng tích tắc của kim đồng hồ gõ nhẹ vào trái tim mình để mà thổn mà thức, để mà bâng khuâng ước ao một điều gì đó thật tốt đẹp trong năm mới sắp đến. Đúng là Tết đầm ấm mà vui.

2. Hết Tết, gã cũng có vài ba điều phải ngẫm ngợi. Đó là những cuộc lỡ hẹn với thầy cô, anh em, đồng nghiệp, bạn bè, học trò… Mồng Năm, cơ quan tổ chức đi chúc Tết các thầy cô giáo cũ từng công tác tại trường, tối ấy quá chén thành thử… lỡ hẹn.

Mồng Ba, chú làm mâm cơm đầu xuân nhân dịp con cháu trong Nam ngoài Bắc về không thể đến bởi có học trò đến chơi. Vẫn biết, ngày Tết vui chỗ này quá thì lỡ hẹn với chỗ khác nhưng trong lòng không khỏi áy náy, thấy mình có lỗi.

Điều ngẫm ngợi nữa là những núi rác khổng lồ sau Tết đang chuẩn bị phân hủy, bốc mùi trên dọc các tuyến đường mà trước Tết còn đẹp như tranh. Những núi rác đang chờ đang đợi về nơi tái sinh.

Rồi chuyện con virus Corona ở Vũ Hán tưởng đã yên ổn nhưng vẫn còn đang lây lan ra cộng đồng ở nhiều địa phương trong nước mình khiến cho sau Tết không khí phần nào trầm lắng xuống. Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đã phải hoãn lại, trong đó có Ngày thơ Việt Nam.

Cái ngày, năm nào gã cũng háo hức, hi vọng một lần khăn gói ra kinh kỳ để được hòa mình vào lễ hội mà đọc mà thưởng những vần thơ hay. Nhưng vẫn hi vọng, con virus Corona sẽ bị sắc hương của hoa đào, hoa mai xứ Việt tống tiễn về nước sớm. Một mùa xuân ấm áp, vạn vật sinh sôi nảy nở.

3. Hết Tết, nhịp sống của mỗi người lại phải trở về với cái trật tự như vốn có của nó. Nhịp sống đời thường quen thuộc. Mẹ ra vườn kiếm ít rau, hái ít quả đem ra chợ bán. Mấy đứa con lỉnh kỉnh đồ đạc chuẩn bị hành trình trở lại phố với cuộc sống mưu sinh bề bộn.

Bác xe ôm bên nhà gã sáng sớm kiểm tra lại chiếc xe kĩ càng chuẩn bị lên thị trấn cho kịp chuyến khai xuân. Gã lại mỗi sáng thức giấc lúc năm giờ để chuẩn bị mọi thứ cho một ngày làm việc. Gã lại tiếp tục đến trường với niềm tin sẽ gieo những ước mơ, hoài bão cho các cô cậu học trò. Gã lại tiếp tục với những con chữ khi ai đó bắt đầu chìm sâu vào giấc ngủ.

Thi thoảng lại tìm đến những trang văn của Báo Giáo dục và Thời đại để được đồng điệu với những khách văn. Thi thoảng tìm đến Báo để mà say mà sưa, để mà mộng, mà ảo. Thi thoảng ghé Báo để mà tạm quên đi những tấm tức, những “roi vọt” của hiện thực cuộc đời…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/het-tet-2XBjPx8Mg.html