Hết room tín dụng - điều chỉnh mục tiêu kinh doanh

Bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ chối tăng tín dụng, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2018 và phải chuyển hướng kinh doanh sang các mảng dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, bancassurance.

Một số ngân hàng tìm kiếm thêm các nguồn thu ngoài lãi. Nguồn: Internet

Ngay từ thời điểm bước sang quý II/2018, nhiều ngân hàng đã đề nghị lên NHNN cho phép nới room tín dụng. Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng đã có Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018, khẳng định không cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng.

Như vậy, với quyết định này của NHNN, hy vọng “bứt tốc” lợi nhuận trong những tháng cuối năm của một số nhà băng khó trở thành hiện thực.

Ngân hàng phải làm gì?

Nhìn vào con số tăng trưởng của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt mức khá cao, đặc biệt mức tăng trưởng về hoạt động cho vay khách hàng đều đạt mục tiêu. Trong đó có nhiều ngân hàng đạt con số ấn tượng trên 13% như: TPBank, HDBank và LienVietPostBank.

Kết thúc quý II, tăng trưởng tín dụng của TPBank đạt 14,5%, trong khi đó mức trần mà NHNN đưa ra cho nhà băng này trong năm 2018 là 15%. Vì vậy, TPBank đã xin ý kiến NHNN về việc nâng trần tín dụng lên 25%, khá cao so với các ngân hàng trong hệ thống.

Còn LienVietPostBank xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng hồi đầu năm là 20%, nhưng NHNN phê duyệt là 14%. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đã đạt mức 13,8%.

Do đó, Chỉ thị số 04 được ban hành đã có tác động đến một số ngân hàng. Điển hình, trong tháng 8 ngân hàng LienVietPostBank đã phải điều chỉnh một số chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh năm 2018.

Cụ thể, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 của LienVietPostBank giảm 600 tỷ đồng từ 1.800 tỷ còn 1.200 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu giảm tương ứng từ 12% còn 10%, tổng tài sản giảm từ 190.000 tỷ đồng còn 180.000 tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 còn 160.000 tỷ đồng, dư nợ thị trường 1 còn 117.557 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác không điều chỉnh mục tiêu kinh doanh như LienVietPostBank nhưng họ cũng tìm được hướng đi cho riêng mình để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Một số ngân hàng cho biết họ phải tập trung hơn vào việc phát triển các khoản dư nợ ngắn hạn với những hạn mức thấp và cơ cấu lại các khoản cho vay dài hạn.

Ảnh hưởng không lớn

Bên cạnh đó, một số ngân hàng tìm kiếm thêm các nguồn thu ngoài lãi như phí dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, bancassurance…

Đánh giá về sự ảnh hưởng của Chỉ thị 04 đối với tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, khối nghiên cứu của công ty Chứng khoán HSC đánh giá: “Ảnh hưởng của Chỉ thị nói trên đến ngành ngân hàng là có nhưng nhiều khả năng sẽ không lớn, vì nhiều ngân hàng đã có một số công cụ để giảm bớt ảnh hưởng của sự giảm tốc trong tăng trưởng tín dụng”.

Chẳng hạn, một số ngân hàng đã tái cơ cấu khoản vay hướng tới khách hàng có lợi suất cho vay cao hơn; giảm bớt tăng trưởng huy động; đẩy mạnh thu nhập từ hoạt động dịch vụ và cắt giảm chi phí.

Thực tế, dù ngân hàng LienVietPostBank điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh doanh, song lãnh đạo nhà băng này khẳng định ngân hàng sẽ tái cấu trúc lại cơ cấu tín dụng, tập trung vào mảng tín dụng bán lẻ, thực hiện tái cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng giảm khoản cho vay doanh nghiệp lớn và chuyển sang khách hàng cá nhân, doanh nhiệp nhỏ và vừa.

Có thể nói, quyết tâm không nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng của NHNN trong năm nay có thể xem là động thái đi ngược hoàn toàn với mọi năm. Những năm trước, bước vào quý III, NHNN sẽ xem xét cụ thể của từng nhà băng để điều chỉnh nới room.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích, năm nay có nhiều yếu tố tác động đến mục tiêu tăng trưởng lạm phát, buộc NHNN phải điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn để hỗ trợ kiểm soát lạm phát.

Vì vậy, dù 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ước đạt khoảng 7,88% so với cuối năm 2017, thấp so với mức 9,06% của cùng kỳ năm 2017, nhưng NHNN vẫn không có động thái đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Trước đó vào đầu năm, NHNN đã công bố mục tiêu tăng trưởng tín năm 2018 là 17% và cho biết NHNN có thể điều để chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm.

Tuy nhiên, HSC nhận định, nếu tăng trưởng GDP quý III có dấu hiệu giảm tốc, có thể NHNN sẽ phải nới hạn mức tăng trưởng cho một số ngân hàng, hướng về mức 17%, hiện nay trần tăng trưởng tín dụng ở hầu hết các ngân hàng ở mức khoảng 14%.

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng của các ngân hàng trong hai quý cuối năm, các chuyên gia nhận định về triển vọng tích cực của ngành ngân hàng trong năm nay và năm tới.

Tại cuộc khảo sát thường kỳ được Vụ Dự báo thống kê NHNN thực hiện hồi đầu tháng 6 cho thấy các ngân hàng kỳ vọng lạc quan hơn về kết quả lợi nhuận so với kết quả điều tra hồi quý I.

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/het-room-tin-dung-dieu-chinh-muc-tieu-kinh-doanh-148804.html