Hết ODA, ảnh hưởng gì?

(HQ Online)- Nhiều quốc gia, tổ chức đã và đang có kế hoạch dừng cấp vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong quá trình tìm kiếm các nguồn tiền thay thế cho ODA, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.

Cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư gần 2 tỉ USD, chủ yếu từ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. (Ảnh: HỮU LINH)

Nhiều quốc gia dừng cấp ODA cho Việt Nam

“Kể từ năm 2016, Chính phủ Anh sẽ dừng cấp ODA cho Việt Nam” - thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay. Như vậy sau hơn 20 năm (bắt đầu từ năm 1994) với tổng số tiền đã phân bổ là hơn 481 triệu bảng Anh, Chính phủ Anh sẽ ngừng cấp viện trợ cho Việt Nam do Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình.

Anh không phải là trường hợp duy nhất sẽ dừng cấp ODA cho Việt Nam. Cũng với lý do tương tự, vào tháng 5-2015, Bỉ đã có thư thông báo ngừng cung cấp viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Đan Mạch cũng không có cam kết viện trợ chính thức cho Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Còn Na Uy đã và đang thực hiện chính sách cắt giảm dần viện trợ không hoàn lại dành cho Việt Nam và thay vào đó sẽ tăng cường thúc đẩy hợp tác song phương về đầu tư, thương mại trong những lĩnh vực Na Uy có thế mạnh về công nghệ và chuyên gia.

Phần Lan cũng đang cắt giảm dần vốn ODA cho Việt Nam vay. Viện trợ không hoàn lại của Phần Lan cho Việt Nam sẽ giảm dần tới mức 4,5 triệu Euro vào năm 2016. Thụy Sĩ vẫn coi Việt Nam là một trong 8 nước được ưu tiên tiếp nhận viện trợ ODA. Tuy nhiên, trong tương lai sau năm 2016, Thụy Sỹ đang có ý định sẽ giảm bớt dần nguồn viện trợ cho Việt Nam vì Việt Nam đã là nước có mức thu nhập trung bình.

Cộng hòa Séc là một trong số ít các nước Đông Âu liên tục cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam từ năm 1994 đến nay với tổng giá trị tài trợ khoảng 18 triệu USD. Phía Séc chưa công bố cam kết về viện trợ phát triển đối với Việt Nam trong những năm tới. Tây Ban Nha cũng đã dừng cung cấp viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ cuối năm 2013.

Hai đối tác lớn quan trọng hàng đầu là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đang xem xét cắt vốn ODA cho Việt Nam. ADB là 1 trong 3 nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với tổng vốn tài trợ khoảng 12,5 tỷ USD. Bắt đầu từ 1-1-2017, ADB sẽ cải cách nguồn vốn bằng cách hợp nhất 2 nguồn vốn vay ưu đãi (ADF) và vốn vay thông thường (OCR) vào làm một nguồn duy nhất là nguồn OCR để tăng khả năng huy động vốn trên thị trường, có khả năng cải thiện khả năng cấp vốn cho các quốc gia, nhất là Việt Nam.

WB cũng sẽ chấm dứt cung cấp vốn vay ODA cho Việt Nam trong năm 2017, còn ADB sẽ dừng cung cấp vốn vay ODA trong 1 hoặc 2 năm sau đó.

Trong Báo cáo nghiên cứu những thay đổi về chính sách viện trợ cho Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Tình hình đó dẫn tới vốn vay sẽ tăng giá đòi hỏi các cơ quan Việt Nam cần phải tính toán, cân nhắc toàn diện khi quyết định sử dụng nguồn vốn của các ngân hàng phát triển nhằm đạt được hiệu quả đầu tư và bảo đảm an toàn nợ công.”

Tiền đâu đầu tư?

Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) ngày 5-12, bà Victora Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đặt câu hỏi “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới?”.

Theo bà Victoria Kwakwa, hiện nay, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Nhưng tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước trên GDP đã thể hiện xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%. “Tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Ngoài ra, nguồn vốn ODA cũng phải được sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn tư nhân” - bà Victoria Kwakwa khuyến nghị.

Dù thừa nhận Việt Nam “đang ngày càng giàu hơn”, song ông Eric Sidgwick, Giám đốc ADB tại Việt Nam cũng bày tỏ băn khoăn về việc “Việt Nam bắt đầu phải đối mặt với những thách thức mới về nguồn tài chính để xây dựng kết cấu hạ tầng”. “Khi kinh tế phát triển ngày càng mạnh hơn, Việt Nam tiếp tục bị mất đi các nguồn viện trợ không hoàn lại và vay vốn ODA ưu đãi. Điều này đang làm giảm một nguồn lực tài chính vô cùng quan trọng mà thường được sử dụng cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu” – ông Eric Sidgwick lưu ý.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến về Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thời kỳ 2016-2020”. Để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển 2016-2020, Đề án ODA 2016-2020 ưu tiên thu hút và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi vào hỗ trợ thực hiện khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; tăng cường thể chế quản lý nhà nước; phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…

Mới đây, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cũng đã tổ chức một hội thảo quy mô về cơ chế cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tại hội thảo này, đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã thẳng thắn chỉ ra một số địa phương còn tư tưởng coi vốn vay là vốn tăng thêm từ ngân sách Trung ương, chưa chủ động chỉ đạo thực hiện, không bố trí vốn đối ứng và lại đề nghị Trung ương hỗ trợ. Do đó, thời gian tới, những địa phương có nguồn thu lớn, có khả năng điều tiết về Trung ương phải chia sẻ trách nhiệm với Trung ương trong việc đi vay nợ nước ngoài về đầu tư về các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, nhường phần hỗ trợ lại cho những địa phương nghèo, còn khó khăn về ngân sách.

Tham luận tại hội nghị ODA – 20 năm nhìn lại tổ chức hồi tháng 8 vừa qua, TS Nguyễn Thành Đô, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, phải chủ động trong việc quản lý và sử dụng vốn ODA, tránh các biểu hiện “chạy theo số lượng mà không thực sự coi trọng việc đảm bảo chất lượng của các khoản đầu tư từ nguồn vốn vay”, sử dụng vốn phải gắn với khả năng tạo ra nguồn thu để trả nợ, những dự án nào xét thấy không hiệu quả và phù hợp với mục tiêu sử dụng thì cần từ chối. Về lâu dài, cần thiết tiếp tục nâng cao hơn nữa mức tiết kiệm và tỷ lệ đầu tư bằng nguồn vốn trong nước, tăng tỷ lệ vốn đối ứng trong cơ cấu đầu tư của các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA.

Nguồn vốn vay ODA tăng trong khi vốn ODA không hoàn lại giảm mạnh. Tỷ lệ vốn vay trong tổng vốn ODA tăng từ 80% (1993 - 2000) lên mức 81% (2001 - 2005), 93% (2006 - 2010) và ở mức 95,7% (2011 - 2012). Sự thay đổi này tạo ra những khó khăn cho các lĩnh vực sử dụng nhiều vốn ODA không hoàn lại trong một thời gian dài như y tế, giáo dục và đào tạo, xóa đói, giảm nghèo… Tình hình này đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp bổ sung nguồn lực để lấp khoảng trống do vốn ODA không hoàn lại để lại đối với nhiều ngành và lĩnh vực.

(Báo cáo nghiên cứu những thay đổi về chính sách viện trợ
cho Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/het-oda-anh-huong-gi.aspx