Hết nắng nóng, bắt đầu mưa to

Thời tiết trên cả nước sẽ chuyển sang trạng thái mưa nhiều hơn, không còn nắng nóng.

Do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi ngang qua, nối liền với vùng áp thấp có dạng xoáy có khả năng mạnh lên, ở gần vịnh Bắc bộ và các nhiễu động hoạt động trên khu vực bắc Biển Đông, các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ có đợt mưa trên diện rộng, cả vùng núi và đồng bằng trung du có khả năng xảy ra những cơn mưa lớn, tập trung vào ban đêm và sáng, đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh.

Một số nơi ở vùng đồng bằng mưa to đến rất to nên đề phòng có lũ ở mức báo động 1, còn vùng núi phía bắc có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét.

Miền Trung sẽ có mưa trái mùa do dải hội tụ nhiệt đới hoạt động khá bất thường, nắng nóng tạm thời chấm dứt, từ Quảng Bình đến Huế có mưa trong 3 - 4 ngày tới, có nơi mưa to, còn từ Đà Nẵng trở vào đến Ninh Thuận chỉ có mưa diện hẹp vài nơi trong tuần sau, không nơi nào có nhiệt độ quá 35oC, thời tiết dễ chịu hơn và khả năng giông sét cũng ít hơn, thuận lợi cho du lịch và hoạt động hè cũng như nông nghiệp.

Ở phía nam, gió mùa tây nam hoạt động mạnh từ nay cho đến gần cuối tháng 7 do liên tục có các cơn bão mạnh ở phía đông Philippines và ngày 16 - 17.7 có thể hình thành một cơn áp thấp nhiệt đới (hoặc bão) trong dải hội tụ, trên khu vực bắc Biển Đông, có diễn biến phức tạp do tác động lôi kéo của cơn bão mạnh ngoài tây Thái Bình Dương.

Gió mùa đem đến những cơn mưa chiều tối ở Tây nguyên và Nam bộ, ban ngày trời có lúc nắng dịu, nhiệt độ không cao, dao động từ 29 -33oC, đêm về sáng trời se lạnh 20 - 25oC, có thể sương mù lại xuất hiện, có lúc kéo dài đến trưa chiều mới tan hẳn. Mưa vừa mưa to có thể xảy ra vào giữa và cuối tuần sau ở Tây nguyên và miền Đông Nam bộ có thể gây ngập úng. Riêng vùng đầu nguồn sông Cửu Long, do lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp kỳ triều cường đầu tháng 6 âm lịch, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long được dự báo sẽ lên nhanh, đến cuối tháng 7.2018, mực nước cao nhất tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng lên mức 2,4 - 2,7 m, như vậy sẽ có lũ sớm đầu mùa, gây ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Qua tháng 8 nước sẽ giựt xuống một ít.

Gió mùa tây nam mạnh nên trên đất liền cũng liên tục có những cơn gió giật từ cấp 6 trở lên, đề phòng cây cối, trụ điện ngã đổ, lốc xoáy tốc mái nhà, gây nguy hiểm. Riêng đối với tàu thuyền hoạt động ngoài khơi và nhất là ghe thuyền nhỏ ven bờ Nam bộ chú ý gió tây nam mạnh kéo dài cho đến cuối tháng 7, mưa giông, biển động mạnh.

Theo dự báo ENSO ngày 12.7, hiện tượng El-Nino đang bắt đầu trở lại và sẽ mạnh dần trong 6 tháng cuối năm 2018. Điều này cho thấy mùa bão sẽ dồn dập trong 3 tháng tới, sau đó giảm dần.

Thời tiết khá bất lợi cho sản xuất nông nghiệp ở hầu hết các vùng miền trên cả nước. Mưa, lũ miền Bắc và miền Nam có xu hướng tăng, tình trạng ngập úng và sâu bệnh theo đó cũng gia tăng. Trong 7 ngày tới, cần chú ý vấn đề thoát nước nhanh cho các vùng có nguy cơ ngập. Miền Bắc sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng trên mạ và lúa mùa sớm, lúa sạ. Các tỉnh Nam bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu, bệnh đạo ôn lá và cổ bông. Mưa ẩm và nắng thiếu nên bệnh chết nhanh, chết chậm tiếp tục gây hại trên các diện tích lớn trồng cây hồ tiêu, bọ xít muỗi và bệnh thán thư trên cây điều có xu hướng tăng diện tích bị nhiễm.

Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/het-nang-nong-bat-dau-mua-to-982704.html