Hết mình vì đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia

'Đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia chưa đủ tầm để chúng tôi tài trợ', câu nói đó của chủ một thương hiệu thể thao cứ ám ảnh huấn luyện viên (HLV) Bùi Xuân Hà trong thời gian dài. Phải tự mình cứu mình. Nghĩ là làm, HLV Bùi Xuân Hà quyết tâm vực dậy mọi mặt cho đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia.

"Vừa xay lúa, vừa bế em"

Thể thao Việt Nam gặp vô vàn khó khăn trong việc xã hội hóa, kêu gọi tài trợ. Bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT), Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, các đội tuyển bóng bàn quốc gia cũng không nằm ngoài khó khăn trên. Năm 2015, được lãnh đạo tin tưởng giao phụ trách huấn luyện đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia, HLV Bùi Xuân Hà háo hức muốn ngay lập tức phải làm được điều gì đó cho đội tuyển. Quyết tâm là vậy nhưng có đi gõ cửa doanh nghiệp xin tài trợ, thầy Hà mới thấm thía hết nỗi khổ của các bậc cha, chú đi trước. Đến khi chủ một thương hiệu thể thao nói thẳng: “Đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia chưa đủ tầm để chúng tôi tài trợ”, thì HLV Bùi Xuân Hà vừa xót xa, vừa nhủ thầm phải tự mình cứu lấy mình.

 HLV Bùi Xuân Hà chỉ đạo, động viên học trò trong thi đấu.

HLV Bùi Xuân Hà chỉ đạo, động viên học trò trong thi đấu.

Cứu bằng cách nào đây? Mang nỗi khổ tâm đi tâm sự với bạn bè ngõ hầu mong tìm được hướng giải quyết, may quá thế nào thầy Hà được chị Lê Việt Hà (là chị gái tay vợt Lê Tiến Đạt) mách cho làm quen với anh Trần Văn Hiến, người sáng lập ra thương hiệu quần áo thể thao WS (World Sport) vào năm 2015. Thời điểm đó, anh Hiến cũng gặp khó khăn trong kinh doanh, sản phẩm quần áo thể thao mới ra thị trường dù chất liệu tốt (nhập ngoại) nhưng thương hiệu WS còn mới mẻ, thị phần cạnh tranh ác liệt… nên khi HLV Bùi Xuân Hà ngỏ ý hợp tác làm ăn và trình bày ý tưởng, anh Hiến đồng ý ngay. Được người thân, bạn bè ủng hộ, gia đình thầy Hà góp 49% cổ phần vào Công ty WS. Ngay lập tức, đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia có trang phục để mặc tập luyện và thi đấu. Đội tuyển khác vận động viên (VĐV) một năm có 3-4 bộ để dùng là quý, nhưng với đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, một ngày tập có 10 bộ; một tuần tập có 70 bộ, mỗi ngày các em sử dụng một màu. Quần áo mặc tập được một tiếng, thầy Hà khuyến khích trò “ném” vào máy giặt, mặc bộ mới tập cho khí thế và thoải mái. Mặc đồ mới chất lượng cao mát nên các học trò của thầy Hà tập sung lắm. Ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, các em không chỉ được ban huấn luyện và thầy Hà dạy về chuyên môn, mà còn được dạy về kỷ luật, văn hóa, giao tiếp…

Lên tuyển cầm quân, HLV Bùi Xuân Hà trăn trở với vô vàn suy nghĩ, từ việc tìm tài trợ cho đội, kết nối địa điểm tập huấn, tìm chuyên gia chất lượng (mà tiền lương lại phải hợp lý), rồi cả việc quy tụ vào ban huấn luyện những thầy, những chuyên gia thật sự tâm huyết vì nền bóng bàn nước nhà. Nếu nhìn lại những việc ban huấn luyện đội tuyển trẻ bóng bàn quốc gia, đội tuyển trẻ bóng bàn quân đội và HLV Bùi Xuân Hà làm được trong hơn 4 năm qua thì đó quả là một khối lượng công việc đồ sộ. Trong đó việc thay đổi tư duy nhận thức cho VĐV là khó nhất.

Lên tuyển trẻ cầm quân, nhiều người bảo thầy Hà khi đó dại quá, lên làm gì khi nội tình đội tuyển đang bết bát, các địa phương không muốn gửi VĐV lên tuyển vì sợ hỏng quân… nhưng với quyết tâm, ý chí của người lính Cụ Hồ, HLV Bùi Xuân Hà tâm sự với các thành viên trong ban huấn luyện (HLV Nguyễn Tiến Dũng, chuyên gia Tô Minh): “Phải làm thật tốt vì danh dự của bản thân, vì các học trò, vì thể thao nước nhà và bởi vì tôi là người lính, tôi là đảng viên”.

Chuyên gia Tô Minh ngày trước là thầy của tay vợt Bùi Xuân Hà, từng có thời làm HLV trưởng đội bóng bàn Công an TP Hồ Chí Minh. Khi thầy Minh thôi không huấn luyện thì hai người là bạn thân với nhau còn bây giờ, thầy Minh lại phụ giúp cho HLV trưởng đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà ở rất nhiều mặt. Ở đời lẽ thường đã làm thầy thì rất ít hoặc vô cùng hãn hữu có trường hợp thầy vào vai trợ lý giúp trò như anh Tô Minh. Từ đó thấy rằng mục tiêu, lý tưởng mà HLV Bùi Xuân Hà đề ra trong việc đào tạo, huấn luyện ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, đội tuyển trẻ quân đội nhận được sự ủng hộ rất cao của các cấp, và cụ thể hơn là sự đồng lòng đến từ HLV Nguyễn Tiến Dũng, chuyên gia Tô Minh.

Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Không áp dụng máy móc ở đội tuyển trẻ quốc gia nhưng thầy Hà đề ra nội quy cực nghiêm cho các VĐV và cả ban huấn luyện. Từ ăn, ngủ, nghỉ, tập luyện đều phải đúng giờ; khi VĐV chào HLV, chuyên gia hay người lớn thì phải đứng nghiêm, tay không được đút túi quần… HLV và chuyên gia, ai vi phạm: Phạt. Phạt thật, phạt nghiêm và phạt để “làm điểm”. Thấy các thầy nêu gương, học trò cứ thế răm rắp vào khuôn phép. Địa phương trước gửi VĐV lên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia cứ nơm nớm sợ hỏng quân, giờ chỉ mong được lên tuyển ăn tập cùng thầy Hà và những người bạn của thầy. Nhất là mới đây, bằng mối quan hệ riêng, thầy Hà đã mời được chuyên gia nổi tiếng Dư Chí Quốc về huấn luyện cho đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia.

“Câu” ảo thuật gia lẫn chuyên gia

Về cách thầy Hà “câu” chuyên gia Dư Chí Quốc về với bóng bàn Việt Nam là một câu chuyện dài, một chiến lược thật sự bắt đầu từ cuộc gặp gỡ 3 năm về trước. Hồi đó, nhân chuyến vào TP Hồ Chí Minh công tác, HLV Bùi Xuân Hà có cơ hội giao lưu với thầy Hoài Bắc, giáo viên dạy bóng bàn cho học sinh. Biết tiếng HLV Bùi Xuân Hà từ lâu, thầy Bắc mong được “chỉ giáo” 1 tiết. HLV Hà vui vẻ nhận lời: “Bao nhiêu tiết cũng không thành vấn đề, đổi lại thầy dạy cho học trò của tôi mấy tiết mục ảo thuật nhé”.

Nếu nghe chuyện về thầy Hoài Bắc, dễ lầm tưởng thầy là một “ca sĩ kẹo kéo” chuyên biểu diễn ảo thuật bán kẹo cao su, kẹo kéo, tăm… ở các phố ăn uống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Có thể nói các chiêu trò của thầy Bắc thuộc hàng đỉnh cao trong giới ảo thuật “phủi”. Khi các học trò đã biết khá nhiều chiêu trò ảo thuật từ thầy Hoài Bắc, HLV Bùi Xuân Hà quyết định "ra chiêu". Năm 2017, khi gặp gỡ lần đầu thầy trò HLV Bùi Xuân Hà, Chủ nhiệm Học viện bóng bàn Thượng Hải (Trung Quốc) Lý Quấn Hải đã mê tít các tiết mục ảo thuật, bảo: “Các bạn dừng biểu diễn. Để tôi gọi người nhà đến xem”. “Lý lão sư không phải lo, học trò của tôi còn nhiều tiết mục lắm”, thầy Hà tự tin đáp lời. Bữa cơm thân mật sau đó khiến Chủ nhiệm Học viện bóng bàn Thượng Hải rất vui. Lý lão sư mở lòng với HLV Bùi Xuân Hà: “Thôi, từ nay coi như chỗ người nhà. Cần gì Bùi tiên sinh cứ bảo tôi. Chỗ ăn tập không phải ngại nhé. Tôi sẽ cho quân tốt nhất của mình tập cùng quân của tiên sinh. Rồi cả chuyên gia nữa, không phải lo”.

Vào tháng 4-2019, đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam đã có được chuyên gia cự phách Dư Chí Quốc do đích thân Chủ nhiệm Học viện bóng bàn Thượng Hải Lý Quấn Hải giới thiệu. Chuyên gia Dư Chí Quốc từng là HLV trưởng đội tuyển bóng bàn Đài Loan (Trung Quốc), là thầy tay vợt Lưu Quốc Chính vô địch thế giới, vô địch châu Á. Vị chuyên gia sinh năm 1957 này cũng từng huấn luyện Tằng Giai, Dư Thế Khâm, Chiêm Kiện vô địch giải bóng bàn quốc gia Trung Quốc, giành huy chương ở giải thế giới… Đưa cho tôi xem lý lịch của vị chuyên gia người Vũ Hán này, thầy Hà vô cùng phấn khởi, bảo “đúng là phải rất may mắn, bóng bàn Việt Nam mới có được vị chuyên gia này”.

Trước khi sang Việt Nam, chuyên gia Dư Chí Quốc đảm nhận trọng trách HLV của Trung tâm Thể thao Olympic, Cục TDTT thành phố Hồ Bắc. Năm 2004, ông được Tổng cục TDTT Trung Quốc phê chuẩn công nhận là HLV bóng bàn cấp quốc gia. Với thể thao Trung Quốc, việc được phê chuẩn HLV cấp quốc gia thực sự là chuyện không dễ. Trước khi chuyên gia Dư Chí Quốc sang Việt Nam, Lý tiên sinh có bảo HLV Bùi Xuân Hà: “Tôi xin lấy danh dự của tôi ra bảo đảm trình độ chuyên môn cũng như sự tâm huyết của Dư tiên sinh trong việc huấn luyện, đào tạo các tay vợt trẻ”. HLV Bùi Xuân Hà xúc động khôn nguôi bởi chính thầy là người bày tỏ mong muốn Chủ nhiệm Học viện bóng bàn Thượng Hải tìm cho bóng bàn Việt Nam một vị chuyên gia tâm huyết, đáp ứng được mọi yêu cầu phía Việt Nam đưa ra, đồng thời cũng rất hiểu những khó khăn, vướng mắc mà bóng bàn Việt Nam đang gặp phải.

Thành quả bước đầu

Trò chuyện với chúng tôi, chuyên gia Dư Quốc Chí, tâm sự: “Sang Việt Nam, tôi nghĩ mình sẽ đóng góp được nhiều bởi tôi đồng cảm và thấu hiểu tâm huyết của HLV Bùi Xuân Hà. Bùi tiên sinh và tôi đã nói chuyện về những mục tiêu cụ thể, về những mốc thời gian để có thể mang lại thành công, sự bứt phá cho bóng bàn Việt Nam. Các VĐV sẽ không chỉ trở thành những tay vợt có chuyên môn tốt, mà các em sẽ còn được học, được rèn luyện để trở thành người có văn hóa, có kỷ luật, tự tin khi giao tiếp với bạn bè quốc tế”.

Kết thúc Giải vô địch bóng bàn trẻ Đông Nam Á 2019 vào tháng 6 vừa qua ở Thái Lan, các tay vợt Việt Nam giành 1 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng, tốt hơn thành tích ở giải năm ngoái với 5 Huy chương Đồng. Lúc đó HLV Bùi Xuân Hà có tâm sự với tôi: “Sẽ mất nhiều công sức, thời gian, đòi hỏi mọi người cùng nhau vượt qua những thử thách. Tôi tin rằng tương lai của bóng bàn trẻ Việt Nam, bóng bàn quân đội, bóng bàn quốc gia sẽ rất xán lạn, nếu mọi người luôn thực sự hết mình vì công việc, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân”.

Bài và ảnh: THU HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/het-minh-vi-doi-tuyen-tre-bong-ban-quoc-gia-591107