Hết lòng vì bệnh nhân nghèo

Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng đều đặn ngày nào vợ chồng ông Lê Tấn Ðức ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang) cũng nấu cháo, sữa đậu nành mang đến cho bệnh nhân nghèo. Tấm gương bền bỉ với công việc thiện nguyện của ông bà đã thực sự lan tỏa.

Ông Lê Tấn Ðức (người bên phải) phát cơm miễn phí cho người bệnh nghèo.

Ông Lê Tấn Ðức hiện là Chi hội trưởng Chữ thập đỏ từ thiện Ngọc Hiệp (thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành). Suốt bảy năm qua, hằng ngày, ông Ðức cùng các hội viên cùng nấu cháo, sữa đậu nành… đem đến Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Châu Thành giúp các người bệnh. Ðúng 10 giờ 30 phút, nhiều bệnh nhân nghèo tập trung dưới sảnh TTYT huyện để đón nhận những suất cơm trưa nghĩa tình đã giúp họ đỡ đi phần nào chi phí chữa bệnh tại bệnh viện. Chị Trần Thị Cúc ở xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, xúc động cho biết: "Tôi nhập viện cả tuần nay. Ngày nào tôi cũng nhận được cháo, sữa đậu nành và cơm chay của chú Ðức. Nhà tôi nghèo, lại ở xa, không ai chăm sóc cho nên nhận được những suất ăn từ thiện này, tôi cảm thấy rất ấm lòng, yên tâm trị bệnh. Tôi rất biết ơn tấm lòng của chú Ðức".

Ðều đặn mỗi tháng, ông Ðức cùng chị em phụ nữ chuẩn bị hai bữa ăn trưa miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Ðiều khiến nhiều người cảm phục ở ông là, suốt 7 năm qua, đều đặn ngày nào vợ chồng ông cũng dậy sớm nấu cháo và sữa đậu nành, rồi cùng chị em hội phụ nữ đi phát cho bệnh nhân từ 5 giờ sáng. Ý tưởng nấu cháo từ thiện bắt đầu khi ông Ðức thấy nhiều bệnh viện tổ chức bếp ăn từ thiện, trong khi TTYT huyện Châu Thành chưa có. Sau khi bàn bạc với gia đình, ông Ðức liên hệ với Ban Giám đốc TTYT huyện Châu Thành để trình bày ý tưởng phát cháo từ thiện cho bệnh nhân nghèo vào ngày thứ ba hằng tuần và nhận được sự đồng tình cao.

Ngay từ những ngày đầu, hiểu được việc làm ý nghĩa của ông, nhiều bà con ở địa phương đã đề nghị đóng góp tài chính để nấu cháo những ngày còn lại trong tuần. Với sự ủng hộ của đông đảo các nhà hảo tâm, nồi cháo tình thương đã trở thành phong trào từ thiện rộng rãi, chẳng những nấu liên tục hằng ngày mà còn tăng số lượng cháo lên 100 phần ăn để đáp ứng đủ nhu cầu bệnh nhân. Ông Ðức tâm sự: "Công việc tuy có vất vả nhưng với tâm niệm "thương người như thể thương thân", là làm theo lời dạy của Bác Hồ, sống có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, yêu thương, giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vì làm được những việc có ý nghĩa, thiết thực". Sau hơn hai năm hoạt động tự phát, Hội Chữ thập đỏ thị trấn Tân Hiệp đã quyết định thành lập Chi hội Chữ thập đỏ từ thiện Ngọc Hiệp, hoạt động theo điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Khi được hỏi về bí quyết để công việc thiện nguyện của mình được lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, ông Lê Tấn Ðức chia sẻ, ngoài việc làm bền bỉ bằng cả cái tâm, mọi khoản thu, chi từ kinh phí của nhà hảo tâm đều được công khai rõ ràng cho mọi người biết. Muốn hoạt động từ thiện phát triển tốt, trước hết phải tạo được lòng tin, khi được mọi người tin tưởng thì công việc sẽ tiến triển thuận lợi. Vừa nói ông vừa đưa ra các cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ những khoản đóng góp cũng như khoản chi từng ngày. Ông cho biết: Việc công khai tài chính trong công tác từ thiện luôn được tôi thực hiện nghiêm túc giúp tôi xây dựng được lòng tin. Mỗi tháng, hội nhận được đóng góp trung bình khoảng từ 25 đến 30 triệu đồng. Những người không có tiền thì góp mớ rau, góp công khiến công việc của chúng tôi được duy trì.

Trong hai năm 2016-2017, Chi hội Chữ thập đỏ từ thiện Ngọc Hiệp đã nhận sự hảo tâm của 3.213 lượt người, đóng góp vào quỹ từ thiện với số tiền mặt và hiện vật trị giá hơn 618 triệu đồng. Nhờ đó gia đình ông Ðức đã nấu được hơn 700 nồi cháo và 700 nồi sữa đậu nành, phục vụ đủ nhu cầu của tất cả các bệnh nhân đang điều trị. Ngoài ra, ông còn nấu gần 7.000 phần cơm chay phát cho bệnh nhân vào các ngày 28 và 29 hằng tháng. Số tiền còn lại sau khi nấu các suất ăn từ thiện, ông Ðức chi vào các công tác từ thiện khác như giúp 21 hộ nghèo mỗi hộ 200.000 đồng/tháng. Ðến nay, ông đã giúp 480 lượt hộ nghèo và phát 700 phần quà Tết cho người nghèo.

Công việc của ông Ðức luôn nhận được sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình. Mặc dù kinh tế gia đình ông còn nhiều khó khăn, hai vợ chồng vẫn phải đi làm thuê nhưng ông quyết tâm xoay xở, lo cho cả ba người con của ông đều tốt nghiệp đại học, trên đại học và có công ăn việc làm ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Các con ông thường xuyên ủng hộ ba mẹ và trích tiền lương đóng góp giúp ông bà làm công việc thiện nguyện. Cống hiến của ông Ðức và mọi người đã được xã hội ghi nhận, ủng hộ, được các cấp chính quyền khen ngợi. Ðó là động lực để ông duy trì công việc nhiều ý nghĩa này.

Bài và ảnh: ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37649902-het-long-vi-benh-nhan-ngheo.html