Nhiều năm qua, thầy Lê Văn Thắng - giáo viên môn Toán, Trường THCS Thị Trấn Tân Hưng (huyện Tân Hưng), vẫn nhớ như in lời động viên của thầy Võ Văn Sáu - thầy dạy Toán thời cấp 3: “Em đừng ngại hoàn cảnh hiện tại. Bạn bè, mọi người xung quanh bắt gặp em vất vả mưu sinh cùng gia đình. Nhưng trước đài vinh quang, ngưỡng cửa đại học và tương lai tươi sáng, mọi người vẫn nhìn thấy em”. Lời nói ấy của thầy Sáu, từng câu, từng chữ khắc sâu trong trái tim thầy Thắng. Để rồi, ước mơ, tình yêu nghề giáo được đắp bồi, lớn dần và vẫn vẹn nguyên từ ngày ấy đến nay. Tiếp bước người thầy kính yêu của mình, thầy Thắng nỗ lực “truyền lửa” cho từng thế hệ học sinh (HS).
Thầy Lê Văn Thắng luôn nỗ lực khai thác hiệu quả công nghệ thông tin, giúp tiết học Toán thêm trực quan, sinh động
11 năm gắn bó, trải qua bao khó khăn, nhất là giai đoạn “chân ướt chân ráo” vào nghề, thầy Thắng vẫn “bền gan, vững chí” theo đuổi đam mê, tình yêu nghề. Thầy Thắng thổ lộ: “Mới ra trường, tôi được phân công về Trường THCS Vĩnh Thạnh (huyện Tân Hưng) và chủ nhiệm lớp 7. HS lớp tôi có nhiều em chưa ngoan, lười học và cha mẹ ít quan tâm việc học của các em, nhất là HS thuộc hộ Việt kiều Campuchia hồi hương có hoàn cảnh gia đình khó khăn,... Chưa có nhiều kinh nghiệm, đối mặt với những khó khăn, tôi lo lắng nhưng nhờ tình yêu nghề, sự quan tâm, chia sẻ của đồng nghiệp, ban giám hiệu, tôi vượt qua được tất cả và đồng hành, giúp HS khắc phục khó khăn. Tôi nhận thức rõ, đầu tiên phải giúp các em hiểu ý nghĩa của việc học, từ đó lôi cuốn các em đam mê học tập, yêu thích bộ môn, biết vượt qua khó khăn, cải thiện bản thân”.
Để làm được điều đó, thầy Thắng nỗ lực “truyền lửa” đam mê học Toán cho HS. Trong quá trình dạy học, thầy quan tâm từng HS, tìm hiểu năng lực học tập của các em để phân luồng và sắp xếp các em học khá, giỏi học tập song hành cùng các em yếu, kém nhằm hỗ trợ nhau. Đồng thời, thầy Thắng quan tâm HS còn yếu, theo dõi sự tiến bộ của các em và thường xuyên động viên cũng như kịp thời phát hiện khó khăn để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Ngoài ra, thầy Thắng còn khai thác tối đa nguồn học liệu số, thiết bị dạy học số, công nghệ thông tin trong giảng dạy nhằm tạo ra bài giảng điện tử trực quan, sinh động, thay thế những tiết giảng truyền thống, khô khan; mạnh dạn đổi mới hình thức dạy học tích cực như dạy trực tiếp có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, dạy trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp với mô hình lớp học đảo ngược,...
“Toán được xem là môn học khô khan, do vậy, tôi cố gắng xây dựng tiết học nhẹ nhàng, thoải mái, tránh áp lực cho HS. Tôi cũng xác định rõ, dạy Toán là dạy học trực quan, khám phá và trải nghiệm nên khai thác tốt nguồn học liệu số, thiết bị dạy học số phù hợp từng bài, đặc biệt là khai thác hiệu quả công nghệ thông tin, giúp HS phát hiện kiến thức một cách trực quan, cụ thể, không gò ép và tự thực hành trải nghiệm rút ra kiến thức bài học, từ đó tự khắc sâu kiến thức hơn” - thầy Thắng chia sẻ về cách “truyền lửa” của mình.
Nhờ tình yêu nghề và nỗ lực hết mình, thầy Thắng được ghi nhận với nhiều thành tích nổi bật như các giải cao trong Hội thi Giáo án tương tác cấp tỉnh và đặc biệt đoạt giải Nhì, giải Nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh năm 2018, 2022 (hội thi được tổ chức 4 năm 1 lần)./.
An Nhiên
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/het-long-truyen-lua-cho-hoc-sinh-a146385.html