Hết lo thu hoạch lúa đổ nhờ sáng chế của lão nông Tiền Giang

Lúa đổ gây khó khăn cho việc gặt lúa luôn là nỗi lo mỗi khi vụ thu hoạch về, nhưng với chiếc máy thu hoạch lúa đổ của ông Nguyễn Văn Hứng, điều đó đã đơn giản hơn nhiều.

Được sinh ra trong một gia đình thuần nông, ông Nguyễn Văn Hứng (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, Tiền Giang) hiểu hết được cái nhọc nhằn, vất vả mỗi khi nhìn mênh mông đồng lúa bị đổ. Cây đè cây, không hàng chẳng lối gây khó khăn cho thu hoạch. Sau nhiều năm đương đầu với cái khó, ông quyết tâm phải tìm ra cách để thu hoạch lúa dễ hơn.

Từ đó, ông Hứng bắt tay vào mày mò, quyết chế tạo ra chiếc máy có thể giúp cho việc thu lúa đổ dễ dàng hơn. Ban đầu, do thiếu kinh phí ông phải tận dụng hết những vật dụng trong nhà, từ những thanh sắt cũ, bánh xe đạp, phuộc... Cuối cùng sau bao nhiêu nỗ lực, chiếc máy thu gom lúa đổ cũng ra đời.

Theo ông Hứng, máy có cấu tạo khá đơn giản, vận hành bởi 1 máy xăng 2 thì, công suất 1,6 HP, gồm 1 đầu hút lúa đổ, 1 đầu thổi lúa ra được sử dụng bằng ống nhựa PVC 90mm và hộp thu lúa bằng tôn 40x50cm, có 2 ngăn được ngăn cách bởi lưới kẽm ở giữa (lúa có trọng lượng nặng hơn nên khi đi qua lưới kẽm sẽ rơi xuống đáy hộp và được dẫn vào đồ chứa, riêng bụi, rơm rạ có trọng lượng nhỏ hơn nên được đẩy hết ra ngoài theo đường ống thoát).

 Ông Hứng bên chiếc máy thu hoạch lúa đổ. (Ảnh: Hương Huỳnh)

Ông Hứng bên chiếc máy thu hoạch lúa đổ. (Ảnh: Hương Huỳnh)

Máy trong 1 giờ có thể thu được từ 10-30kg lúa, trong khi chỉ tiêu tốn từ 0,7-1 lít xăng, không chỉ thu lúa mà còn có thể hút bụi, rác... góp phần vệ sinh đồng ruộng, hạn chế cỏ, sâu bệnh cho vụ sản xuất sau.

Không chỉ dừng ở hai tính năng chính trên, ông Hứng tiếp tục phát triển thêm tính năng hỗ trợ gặt đập liên hợp trong quá trình thu hoạch lúa. Lối lúa đầu tiên đối với máy gặt đập liên hợp sẽ gặp khó khăn, vì vậy để hỗ trợ máy gặt đập thu hoạch lối đầu tiên, một người mang máy thu gom lúa đổ đi bộ (máy được tháo rời khỏi khung sườn), dùng ống thổi khô 1 lối lúa.

Kể từ lối thứ 2 trở đi, máy thu gom lúa đổ được lắp vào một bên của máy gặt đập, khi đó hai máy cùng hoạt động song song rất tiện lợi (lối này thu xong thì lối kia đã được thổi khô và cứ thế tiếp tục). Từ đó năng suất thu hoạch tăng lên, chi phí giảm, tiết kiệm nhân lực.

Hiện tại ông Hứng vẫn tiếp tục nghiên cứu các sáng chế của mình để ngày càng có thêm nhiều sản phẩm giúp ích bà con nông dân.

Ly Nga

Nguồn VTC: https://vtc.vn/het-lo-thu-hoach-lua-do-nho-sang-che-cua-lao-nong-tien-giang-d424779.html