Hết giáo dục lại đến y tế khiến người dân thất vọng

Từ giả bệnh án tâm thần đến dùng chung kim tiêm gây nhiễm HIV, độc quyền phân phối khiến giá thuốc tăng cao… là những vấn đề nổi bật trong những ngày qua của ngành y tế gây xôn xao dư luận về tính trách nhiệm, minh bạch của những người 'thầy thuốc nhân dân'.

ảnh Dantri

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam phục vụ điều tra đối với 2 viên chức của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 là: bác sĩ Thân Thanh Phong - Phó Trưởng khoa tâm thần người cao tuổi và Nguyễn Tuấn Sơn - kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng.

Đây là một thông tin gây xôn xao dư luận bởi đã đặt ra những nghi vấn xung quanh tính nghiêm minh của pháp luật cũng như sự chặt chẽ trong khâu giám định đối với tội phạm.

Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho biết: để giám định xem một người có bị mắc tâm thần hay không Hội đồng giám định y khoa cần phải tuân thủ theo một quy trình rất nghiêm ngặt. Hội đồng chuyên môn là những người có năng lực chuyên môn cao của bệnh viện tham gia vào hội chẩn, khám lâm sàng để có thể kết luận bệnh nhân có bị bệnh tâm thần hay không. Đối với các trường hợp liên quan tới các vụ án hình sự sẽ phải thực hiện giám định thông qua Hội đồng pháp y.

“Liên quan đến sự việc này, những bác sỹ nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm về hành vi giả mạo bệnh án tâm thần” – TS. Nguyễn Doãn Phương cho biết.

Một số chuyên viên còn cho biết thêm, đối với bệnh tâm thần, nhiều trường hợp bệnh lý thể hiện rõ ràng chỉ cần khám và quan sát trong một ngày (tại phòng) có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, một vài trường hợp phức tạp cần phải điều trị nội trú trong một thời gian nhất định, đầy đủ các biểu hiện, hội đồng chuyên môn mới đưa ra kết luận.

Đứng trên quan điểm pháp luật, hành vi làm giả bệnh án tâm thần không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn là hành vi thể hiện bao che, tiếp tay, tạo điều kiện để tội phạm lộng hành, trốn tránh việc xử lý trước pháp luật, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố xét xử, gây nguy hại cho xã hội.

Trong khi đó, những ngày gần đây, đã xuất hiện thông tin một người dân tại xã Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ) bất ngờ nhiễm HIV.

ảnh Dantri

Theo thông tin ghi nhận trên báo chí, cách đây hơn 1 tháng, một bệnh nhân trú tại khu Chiềng 3, xã Kim Thượng - một xã vùng sâu, vùng xa, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường sinh sống, điều kiện dân trí thấp, lại cách xa khu vực dân cư văn hóa - bất ngờ bị phát hiện có virus HIV. Đây là một bệnh nhân đã trung tuổi, thường xuyên sinh sống tại địa phương và chưa từng đi đâu xa.

Sau khi biết kết quả mình có HIV, người này cho biết trước đó chưa đến cơ sở y tế nào để thăm khám mà chỉ tiêm và điều trị tại nhà bác sĩ Th (đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Tân Sơn).

Sự việc trên khiến những người đã từng chữa bệnh nhà bác sĩ Th rất lo lắng. Cho đến nay, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn đã phối hợp với Trạm y tế xã Kim Thượng đến từng gia đình lấy mẫu máu của tất cả những cá nhân từ người già đến trẻ nhỏ để tiến hành làm xét nghiệm HIV tới hai lần.

Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, bà Hà Thị G (59 tuổi) ở địa phương được Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ xác định dương tính với HIV trong khi đi chữa bệnh viêm phổi. Theo người thân bà G, bà G chưa đi đâu khỏi khu, nếu có bệnh tật cũng không thăm khám ở đâu bao giờ mà chỉ đến khám và tiêm tại nhà bác sĩ Th. Gia đình bà G không có ai mắc căn bệnh này.

Ngoài bà G, tại địa bàn khu Chiềng 3 còn có 1 người cũng được xác định bị nhiễm HIV.

Không chỉ nghi án làm giả hồ sơ tâm thần, bác sĩ dùng chung bơm kim tiêm gây lây nhiễm HIV, những ngày gần đây thông tin thuốc Lipiodol (dùng trong điều trị u gan) bị đẩy giá liên tục mà một số bệnh viện phản ánh rằng do thuốc này đang được phân phối độc quyền bởi Nhà nước.

Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết: thuốc là mặt hàng được nhà nước quản lý giá. Một thuốc chữa bệnh trước khi cung ứng ra thị trường cần phải kê khai giá bán và giá đó chỉ được áp dụng sau khi được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) chấp nhận và công bố trên website của Cục. Với trường hợp một loại thuốc tăng giá liên tục như phản ánh thì vụ, cục chức năng sẽ cần xác định nguyên nhân tăng giá, trên cơ sở xác định nguyên nhân sẽ đưa ra các giải pháp can thiệp.

Bà Ngọc Bảo cũng cho biết, ngoài các giải pháp về đấu thầu, đàm phán giá, cơ quan thanh tra cũng vẫn phải thực hiện thanh tra về việc chấp hành các quy định về quản lý giá thuốc; các công ty, nhà thuốc bán giá cao hơn kê khai sẽ bị xử phạt.

Cũng trả lời trên Thanh Niên, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Vũ Tuấn Cường, cho biết đã tiếp nhận thông tin Báo Thanh Niên phản ánh về việc thuốc Lipiodol tăng giá cao. Cục đã yêu cầu cán bộ chuyên trách về giá và kê khai giá thuốc của Cục trong tuần tới sẽ xem lại và có thông tin trả lời về thực hiện quản lý giá đối với thuốc Lipiodol

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, thuốc là mặt hàng được nhà nước quản lý giá. Một thuốc chữa bệnh trước khi cung ứng ra thị trường cần phải kê khai giá bán và giá đó chỉ được áp dụng sau khi được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) chấp nhận và công bố trên website của Cục.

Với trường hợp một loại thuốc tăng giá liên tục như phản ánh của báo chí thì vụ, cục chức năng sẽ cần xác định nguyên nhân tăng giá, trên cơ sở xác định nguyên nhân sẽ đưa ra các giải pháp can thiệp. Bà Ngọc Bảo cho rằng, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã có các quy định để kiểm soát giá thuốc, một trong những giải pháp kiểm soát không để giá thuốc được đẩy lên cao bất hợp lý là đàm phán giá.

Cho đến thời điểm hiện tại, những vụ việc trên vẫn chưa có kết quả kết luận cuối cùng nhưng người dân thì đã thêm những mối lo sợ mỗi khi sử dụng dịch vụ y tế.

Thanh Lam

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/het-giao-duc-lai-den-y-te-khien-nguoi-dan-that-vong-82515.html