Hết chạy lũ lại chạy bão

Chưa kịp dọn xong đống đổ nát sau đợt mưa lũ, bà Diền và người dân rốn lũ huyện Lệ Thủy lại tất bật chạy bão. Mệt mỏi ứng phó với thiên tai, họ cầu nguyện bão Vamco sẽ sớm tan.

Trước dự báo bão số 13 (Vamco) đổ bộ vào khu vực Quảng Bình, bà Diền và người dân vùng rốn lũ huyện Lệ Thủy cầu nguyện thiên tai lần này sẽ không gây nhiều thiệt hại.

“Chỉ mong bão nhanh qua thôi vì bà con đã không còn gì để mất nữa rồi. Ngồi chờ bão vào, nghe gió rít từng cơn, ai nấy đều lo những gì còn sót lại sau đợt lũ lụt vừa qua sẽ lại bị phá nát", bà Diền lo lắng.

Chưa có đợt mưa lũ nào dai dẳng như năm nay

Tối 14/11, khu hội trường tầng 2 trụ sở UBND xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) có thêm 3 vị khách không hề lạ lẫm. Họ là những người phải rời nhà cửa lên đây tránh trú bão số 13 sắp đổ bộ.

Ngồi lặng người nhìn qua khe cửa sổ, bà Nguyễn Thị Diền (52 tuổi) nói chưa có đợt mưa lũ nào liên tiếp và dai dẳng như năm nay.

Người dân lo lắng cơn bão 13 đổ bộ sẽ gây thêm thiệt hại. Ảnh: Việt Linh.

Người dân lo lắng cơn bão 13 đổ bộ sẽ gây thêm thiệt hại. Ảnh: Việt Linh.

Người dân xã An Thủy sống bên dòng Kiến Giang lâu nay đã quen với cảnh mưa bão nhưng vẫn không dấu được sự ngán ngẩm khi hậu quả đợt lũ còn chưa khắc phục xong, nay lại phải tiếp tục chạy bão.

“Mưa lũ đã cuốn hết lúa, gà vịt, đồ dùng rồi, chừ tâm bão mà vào đây nữa thì e nhà cũng không có mà ở”, bà Diền suy tư.

Người phụ nữ 52 tuổi kể đợt lũ hồi cuối tháng 10 đã cuốn đi tất cả tài sản trong nhà cùng gần trăm con gà chờ bán dịp Tết. Khi bà đang dọn dẹp lại mọi thứ thì bão lại xuất hiện.

Từ sáng sớm, nghe báo đài thông tin về cơn bão số 13 sắp đổ bộ, con gái đang làm thuê ở miền Nam liên tục gọi về thúc giục bà Diền đi tránh bão. Nhận thấy nguy hiểm, bà cùng người thân khăn gói chăn chiếu rồi đến hội trường UBND xã.

Còn bà Dương Thị Hoãn (xã An Thủy) khi được hỏi về chuyện chạy bão đã thốt lên: “80 tuổi rồi, chưa khi nào mà 2 vợ chồng phải chạy lũ, chạy bão đến 2 lần trong hơn một tháng”.

Bà kể trong đợt lũ vừa qua, nước dâng đến tận mái nhà, sóng đánh mạnh đã xô sập bức tường phía trước nhà gia đình bà Hoãn phải đến trụ sở xã tránh lũ gần một tuần. Lần này, lo sợ căn nhà không an toàn, vợ chồng bà lại hớt hải đi tránh bão.

Lời nguyện cầu trước bão

Cách đó không xa, căn nhà cấp 4 của ông Châu Mạnh Hùng (52 tuổi) đón hàng xóm và người thân đến trú tạm trước khi cơn bão 13 đổ bộ.

Trong đợt lũ vừa qua, căn gác nhỏ chưa đầy 20 m2 của gia đình ông là nơi tránh lũ của hơn 10 người dân xã An Thủy.

“Chưa năm nào mưa lũ triền miên như thế này. Nhà cửa sau lũ đã không còn chắc chắn vì ngâm nước nhiều ngày, nếu bão mạnh có thể sập bất cứ lúc nào”, ông Hùng nói và cho biết gia đình đã chuẩn bị đầu đủ lương thực cho những ngày tránh bão.

Người dân không thể chợp mắt trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Việt Linh.

Phải đến tránh trú tại nhà em gái, bà Đỗ Thị Mỹ (51 tuổi, trú đội 3, xã An Thủy) chưa hết ám ảnh khi nhớ về đêm lũ lịch sử làm sập căn nhà 3 gian.

Hôm đó, nước sông Kiến Giang lên nhanh. Sau ít giờ, hàng loạt nhà ven sông đã ngập sâu trong nước. Để bảo vệ tài sản, vợ chồng bà Mỹ đành trụ lại căn nhà đã ngập sâu gần 1 m.

Họ xếp chồng 3 chiếc giường lên nhau làm nơi nghỉ ngơi, riêng đồ đạc treo lên giữa nhà. Đến nửa đêm, những đợt sóng mạnh đã khiến mảng tường phòng ngủ đổ ập rồi kéo cả vạt tường phía sau nhà. Vợ chồng bà phải leo lên mái nhà chờ đoàn cứu hộ giải cứu.

Gần 1 tuần sau, họ trở về, căn nhà cấp 4 đã sập hoàn toàn, tài sản bị cuốn theo dòng lũ. Khi việc dọn dẹp còn dở dang, bão Vamco lại xuất hiện khiến họ lại phải chạy đi tránh bão.

“Mưa lũ đã trôi hết không còn thứ gì, nhà cửa còn chưa kịp dọn xong thì nay bão lại vào. Chỉ mong bão sớm tan để trở về dựng lại chỗ ở, bà con đã không còn gì để mất nữa rồi”, bà Mỹ buồn bã.

Tính mạng người dân là trên hết

Trao đổi với Zing, ông Lê Anh Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, cho biết đợt mưa lũ vừa qua khiến 23 căn nhà nơi đây sập hoàn toàn và hơn 60 căn nhà khác bị sập một phần. Trước khi bão số 13 đổ bộ, địa phương đã vận động, di dời người dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

“Với những nhà dân có nguy cơ đổ sập và nguy hiểm, xã yêu cầu di dời đến trụ sở hoặc nhà dân an toàn hơn. Tính mạng người dân là trên hết trong việc ứng phó với thiên tai, mưa bão”, ông Quyết nói.

Ông Lê Anh Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy (huyện Lệ Thủy, ở giữa) kiểm tra chỗ trú tránh của người dân. Ảnh: Việt Linh

Theo ông Quyết, xã An Thủy có 6 thôn với gần 3.000 hộ dân. Đây là vùng thường chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Cơn bão lần này nhiều khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến địa phương này, khiến việc khắc phục hậu quả thêm khó khăn.

Còn ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết công tác ứng phó với bão đã thực hiện trong nhiều ngày qua. Huyện đang thực hiện biện pháp di dân trong cộng đồng, những hộ dân ở trong căn nhà nhỏ được vận động sang tránh trú tại các căn nhà kiên cố hơn để đảm bảo an toàn.

Người dân Quảng Bình gấp rút chằng chống nhà trước bão số 13 Tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), người dân đang khẩn trương chằng chống nhà cửa, 1.221 tàu thuyền neo đậu, 313 hộ dân được đưa đến nơi an toàn.

Phạm Trường - Việt Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/het-chay-lu-lai-chay-bao-post1153206.html