Hermes - 'khắc tinh' xe tăng 'vô đối' của Nga

Sự ra đời của tổ hợp tên lửa đa năng 'Hermes' của Nga với tầm bắn xa hơn bất kỳ vũ khí chống tăng nào trên thế giới là một bước đột phá trong lĩnh vực vũ khí chống tăng, biến tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ trở nên lỗi thời và là thách thức lớn đối với tên lửa đa nhiệm Spike - tinh hoa của nền công nghiệp quốc phòng Israel.

Hermes ("Гермес") là hệ thống tên lửa được phát triển bởi Văn phòng thiết kế chế tạo máy KBP ở Tula (Nga), với tầm bắn từ 20-100km, có thể tấn công một hay nhiều mục tiêu bao gồm xe tăng, xe thiết giáp, công sự kiên cố, tàu hải quân cỡ nhỏ, trung tâm liên lạc, nhà kho và máy bay tốc độ thấp, với độ chính xác cao (bán kính lệch mục tiêu (CEP) chỉ 0,5m). Các cuộc thử nghiệm của phiên bản không quân đã được hoàn thành vào năm 2003, lần đầu tiên được trình diễn trước công chúng ngày 22/2/2009.

Theo The National Interest, tổ hợp chống tăng Hermes được trang bị tên lửa siêu thanh tầm xa dẫn đường bằng laser chủ động, hồng ngoại hoặc radar, có thể tiêu diệt các mục tiêu khác nhau của đối phương với mức độ chính xác gần như 100%. Tốc độ tên lửa làm phức tạp hóa hoạt động của các hệ thống bảo vệ tích cực. Việc phóng tên lửa tấn công một nhóm mục tiêu cùng lúc cho phép tăng hiệu quả không kích do đối phương không thể đáp trả sau cú đánh đầu tiên. Hermes có các phiên bản khác nhau trang bị cho các lực lượng vũ trang Nga.

Tổ hợp tên lửa chống tăng Hermes được hỗ trợ bởi hệ thống định vị vệ tinh và máy bay không người lái; Nguồn: Internet

Tổ hợp tên lửa chống tăng Hermes được hỗ trợ bởi hệ thống định vị vệ tinh và máy bay không người lái; Nguồn: Internet

Tổ hợp Hermes có một mô-đun chiến đấu nhỏ gọn được lắp đặt trên khung gầm bọc thép hoặc trên mọi phương tiện mặt đất, trên không và trên biển với bệ phóng cho sáu tên lửa, có khả năng đồng thời bắn hạ sáu mục tiêu. Hermes-A có tầm bắn 20km cả ngày và đêm, được tích hợp cho máy bay cường kích Su-39, các máy bay trực thăng Ka-52, Mi-35/17, Mi-24VK-P, Mi-24P và VP, Mi-17AMTSh, máy bay vận tải. Một trong những tính năng quan trọng nhất của tổ hợp này là khả năng khai hỏa ở cự ly xa hơn tầm bắn của các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) và các hệ thống phòng không tầm ngắn - mối đe dọa chính đối với trực thăng hiện nay.

Hermes-K có tầm bắn 30km được trang bị cho tàu hải quân có lượng giãn nước vừa và nhỏ. Tùy thuộc vào các nhiệm vụ cần giải quyết, các tàu có thể được trang bị cả tên lửa thường (tầm bắn 20km) hoặc tăng tầm (đến 100km). Hermes-S là biến thể cố định dùng để phòng thủ bờ biển còn Hermes của Lục quân có tầm bắn lên đến 100km nếu sử dụng tên lửa cải tiến, nhiệt độ vận hành từ -50 đến +50 độ. Tầm bắn lớn của các hệ thống như vậy đưa khả năng của Hermes gần hơn với các hệ thống tên lửa tác chiến thuật-chiến dịch với chi phí thấp hơn nhiều và có khả năng phản pháo cao.

Phiên bản mặt đất của Hermes được đặt trên xe bánh lốp (như KamAZ-43114), có khả năng việt dã cao, bao gồm: xe chiến đấu (mang 24 tên lửa trên bệ phóng); xe chỉ huy với thiết bị liên lạc và định vị; xe điều khiển với radar phát hiện và theo dõi có thể thu gọn; xe vận tải - tiếp tên lửa; máy bay không người lái (UAV) - trinh sát đường không, giúp phát hiện và chiếu mục tiêu, phương tiện liên lạc và truyền dữ liệu; phương tiện bảo trì bảo dưỡng…

Tổ hợp Hermes có thể được tích hợp trên các phương tiện mang khác nhau; Nguồn: flankers-site.co.uk

Tên lửa của tổ hợp Hermes là tên lửa dẫn đường siêu thanh hai tầng, có hình dáng bề ngoài giống tên lửa 57E6-E của hệ thống phòng không Pantsir-S1. Tên lửa đẩy có chiều dài 3,5m, đường kính 21cm (hoặc 17cm, tùy thuộc vào tầm bay); đường kính tầng 2 tên lửa 13cm, nặng 130kg (đối với tầm bắn 100km) hoặc 90kg; mang đầu đạn 30kg, thuộc loại nổ phân mảnh, chứa 20kg thuốc nổ TNT, có khả năng xuyên giáp dày 2.000mm - đủ sức phá hủy mọi xe tăng hiện đại nhất; có thể tự động tấn công các phương tiện bọc thép của đối phương, ngay cả khi mục tiêu khuất tầm nhìn với chế độ "đột nóc" vào vị trí có vỏ giáp mỏng nhất của tăng - thiết giáp.

Cơ chế hoạt động của tổ hợp Hermes như sau: sau khi radar (hoặc UAV) sục sạo, tìm kiếm và phát hiện mục tiêu, tên lửa được khai hỏa bay với tốc độ siêu thanh tới khu vực đã định và tự tìm kiếm đối tượng tấn công. Trên đoạn đoạn đầu quỹ đạo bay, tên lửa đạt tốc độ lên đến 1.300m/s (tương đương 4.680 km/h; ranh giới của siêu âm bắt đầu ở khoảng 5.000km/h); trung bình, tốc độ đạt khoảng 500m/s. Tốc độ này tạo ra 2 ưu thế - xe tăng đối phương tại bãi tập kết không kịp sơ tán, và các các tổ hợp phòng thủ tích cực sẽ không có đủ thời gian để phản ứng, vì chúng không được thiết kế để xử lý tốc độ như vậy.

Quỹ đạo bay của tên lửa được điều khiển bởi các bánh lái thông qua hệ thống dẫn đường kết hợp. Cơ chế dẫn đường của tên lửa chống tăng 100km khá đặc biệt và phức tạp, nó nhận được sự hướng dẫn của hệ thống định vị vệ tinh (GLONASS) trong suốt đoạn giữa quỹ đạo bay. Ở giai đoạn tiến vào khu vực mục tiêu, việc lái dẫn được thực hiện với sự trợ giúp của dẫn hướng theo nguyên lý quán tính hoặc lệnh vô tuyến; pha cuối sẽ nhận được hướng dẫn chỉ thị mục tiêu từ máy bay không người lái, khí tài chỉ huy mặt đất và đầu tự dẫn riêng, bao gồm cả laser. Khi xác định được tọa độ của mục tiêu và vector chuyển động (đối với trực thăng còn thêm cả độ cao), tên lửa Hermes tăng độ cao, sau đó bổ nhào thẳng đứng xuống, không cho mục tiêu có cơ hội trốn thoát.

Kiểm nghiệm thực chiến ở Syria cho thấy Hermes có rất nhiều triển vọng; Nguồn: topwar.ru

Nga đã đưa Hermes - "sát thủ" xe tăng tới chiến trường Syria - nơi một tổ hợp như vậy có thể tiêu diệt đồng thời 10 xe tăng của đối phương từ khoảng cách lên tới 100km. Tên lửa Hermes mới nhất được trang bị hệ thống dẫn đường kết hợp có khả năng phát hiện mục tiêu đối phương ngay cả trong điều kiện thời tiết khó khăn nhất.

Hiện tại, chỉ có hệ thống tên lửa chống tăng Spike-NLOS của Israel có khả năng bắn trúng mục tiêu ở cự ly 25km. Được phát triển vào cuối những năm 1980 để chống lại các cuộc tấn công bằng xe tăng của quân đội Ai Cập, Spike từ lâu đã trở thành vũ khí bí mật nhất trong kho vũ khí của các lực lượng phòng thủ Israel. Mức độ bí mật được chứng minh bằng việc các bệ phóng tên lửa tầm xa được ngụy trang thành xe tăng Merkava, được gắn pháo giả. Các tên lửa chống tăng có điều khiển loại này của Israel không chỉ được lắp đặt trên các bệ phóng mặt đất, mà còn trên trực thăng, và thậm chí trên các tàu nhỏ.

Hermes và Spike được thiết kế để giải quyết các nhiệm vụ chiến thuật giống nhau. Theo các chuyên gia quân sự, quyết định mua trực thăng hạm Ka-52K, Cairo muốn sở hữu một sản phẩm tương tự như tổ hợp chống tăng tầm xa của Israel. Do đó, việc sử dụng trong chiến đấu Hermes sắp tới sẽ không chỉ đơn thuần là một cuộc thử nghiệm đối với tên lửa có giá cả hợp lý, mang tính cạnh tranh cao của Nga mà còn là một cuộc trình diễn tính năng ưu việt của tên lửa trước các khách hàng tiềm năng, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Armenia, Venezuela.../.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/hermes-khac-tinh-xe-tang-vo-doi-cua-nga-784678.vov