Hè về, con ở đâu?

Một mùa hè nữa lại đến. Và như thế, đến hẹn lại lên, học sinh được nghỉ hè thì đồng nghĩa với việc các bậc phụ huynh lại phải đau đầu, nhức óc vì không biết gửi con trẻ đi đâu và về đâu?

Một mùa hè nữa lại đến. Và như thế, đến hẹn lại lên, học sinh được nghỉ hè thì đồng nghĩa với việc các bậc phụ huynh lại phải đau đầu, nhức óc vì không biết gửi con trẻ đi đâu và về đâu?

Con trẻ nghỉ hè, say mê ở trong thế giới ảo.

Con trẻ nghỉ hè, say mê ở trong thế giới ảo.

Dự thảo của Bộ GD-ĐT sắp xếp ngày tựu trường năm học mới sớm nhất vào ngày 1-9. Từ ngày 1 đến 5-9, các cơ sở giáo dục chỉ chuẩn bị, sắp xếp kế hoạch cho năm học, không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Việc quyết định lùi thời gian vào năm học muộn hơn với mọi năm nhằm giúp giáo viên, học sinh có thời gian nghỉ hè nhiều hơn. Nhưng...

Nỗi lo tai nạn, đuối nước...

Đối với các bậc phụ huynh, hè về khiến họ vương vấn nhiều nỗi lo lắng trong việc quản lý con em mình như thế nào?

Đối với những gia đình có ông bà nội, ngoại như chị Võ Thị Thu Thủy (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), việc gửi con cái lại yên tâm hơn vì được trợ giúp về nhiều mặt. "Nhà tôi có hai đứa con trai, giờ nghỉ hè hết cả hai đứa rồi, mà nhà tôi lại buôn bán nên nhà chật lắm, không có chỗ vui chơi đâu, với tôi vẫn phải đi làm không ở nhà thường xuyên được. Nên tôi gửi hai đứa về cho bà ngoại ở quê chăm. Có bà ngoại trông chừng, không cho chạy nhảy, leo trèo, chăm sóc cho miếng ăn nên cũng đỡ lo hơn". Nhưng đối với những gia đình không có điều kiện thuận lợi như thế thì chuyện gửi con ở đâu, "nhốt" con vào các lớp học thêm như kiểu "học kỳ thứ 3" như thế nào, đang là nỗi đau đầu của nhiều bậc phụ huynh.

Chị Ngà (X. Tam Xuân, H.Núi Thành) mặt đầy lo lắng, chị tâm sự: "Vừa mới nghỉ hè nên cũng chưa có thầy cô nào dạy thêm cả, mà vợ chồng tôi thì cứ đi làm cả ngày đến tận tối mới về nhà, không có ông bà ở gần nên đành để cháu ở nhà một mình. Nó ở nhà mở ti vi, lấy điện thoại chơi game suốt ngày... tôi cũng sợ bạn bè rủ rê nó đi chơi mấy thứ không lành mạnh, hay đi tắm ao, tắm hồ nhỡ có chuyện gì không hay...".

Các bậc phụ huynh vẫn phải bận rộn với công việc hằng ngày nên việc để trẻ ở nhà tự chơi với nhau cũng là cách thức khá phổ biến của nhiều gia đình ở vùng nông thôn hiện nay. Đây là việc cực chẳng đã, bởi trẻ ở nhà một mình phải đối diện nhiều nguy cơ mất an toàn, bản tính của trẻ là luôn năng động nên dễ xảy ra tai nạn thương tích khi leo trèo. Với những hộ gia đình gần khu vực ao hồ, sông suối thì nguy cơ xảy ra đuối nước rất cao. Như ngày 3-7 vừa rồi, em L.V.K, học sinh lớp 7 ở Tam Dân (Quảng Nam) cùng bạn ra kênh Phú Ninh tắm thì không may bị đuối nước. Trước đó cũng rất nhiều vụ việc đuối nước thương tâm xảy ra vì sự hiếu kỳ của trẻ.

Trăn trở chuyện học hè

Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế hơn thì chạy đôn chạy đáo dò hỏi thầy, cô để gửi con học thêm trong những ngày hè, vừa để trẻ không bị hổng kiến thức, vừa là biện pháp quản lý được thời gian của trẻ. Đây cũng là cách mà theo các bậc phụ huynh là giao hẳn việc quản lý con cái của họ cho thầy, cô giáo đảm nhiệm luôn trong nhiều tháng hè. Nhưng nếu như phụ huynh quá lệ thuộc hay "ép" trẻ học quá nhiều có thể sẽ phản tác dụng.

Là một phụ huynh có con nhỏ, cô Phạm Thị Thu Hà (Giảng viên trường ĐHSP-ĐHĐN) cho biết: Sau khi kết thúc một năm học, bắt đầu làm gì với con là cả một vấn đề. Nên bắt đầu các khóa học thêm văn hóa với các môn cơ bản Toán, Văn, Anh... cho năm học tới hay là học các lớp năng khiếu như bơi, vẽ, đàn hay là các lớp kĩ năng sống là lựa chọn không phải dễ đối với các bậc phụ huynh. Bởi nó phụ thuộc vào điều kiện đưa đón của phụ huynh ở các nơi học hè mới của các con khi mà họ vẫn phải tiếp tục giờ giấc làm việc như mọi ngày.

Một vấn đề khác là chất lượng học của con trong dịp hè, làm sao đó cho các con cảm thấy hứng thú với các chương trình học mới. Đôi lúc học thêm về các môn văn hóa chẳng qua là giải pháp tình thế vì các con mới trải qua kỳ học chính thức văn hóa, mới thi xong. "Là một phụ huynh, tôi khuyên các bậc cha, mẹ nên làm thế nào để có thể cân đối giữa việc học văn hóa và việc vui chơi của các con trong dịp hè, "học mà chơi, chơi mà học" để đạt được những hiệu quả nhất định về măt học tập cũng như quản lý được thời gian của con em".

Nỗi lo "hè về" cứ đến hẹn lại lên, nhưng không hẳn với cha, mẹ không có cách giải quyết, nếu chúng ta thật sự quan tâm và hiểu con mình. Hy vọng với điều kiện và khả năng của từng gia đình mà nỗi lo lắng mang tên "con được nghỉ hè" sẽ được giải tỏa.

HOÀI SƠN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_228425_he-ve-con-o-dau-.aspx