Hệ thống tổ chức của BĐBP trong Luật Biên phòng Việt Nam

Trên tinh thần xây dựng BĐBP tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả và tổ chức thực hiện có hiệu quả 'Đề án tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo', Đề án 'Quy hoạch hệ thống đồn, trạm Biên phòng đến năm 2021 và những năm tiếp theo', Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 đã dành riêng một điều luật (Điều 21) để quy định về hệ thống tổ chức của BĐBP.

BĐBP Nghệ An tổ chức kiểm tra, huấn luyện chiến thuật Biên phòng với các đề mục phân đội phục kích, truy lùng đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy có vũ trang ở khu vực biên giới. Ảnh: Lê Thạch

BĐBP Nghệ An tổ chức kiểm tra, huấn luyện chiến thuật Biên phòng với các đề mục phân đội phục kích, truy lùng đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy có vũ trang ở khu vực biên giới. Ảnh: Lê Thạch

Thực hiện trách nhiệm được giao, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/1998/NĐ-CP ngày 6-1-1998 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh BĐBP và dành chương đầu tiên của Nghị định để quy định về tổ chức của BĐBP. Hơn 22 năm qua, tư duy về tổ chức BĐBP có sự đổi mới, phù hợp với tư duy về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước; tổ chức BĐBP trên thực tế cũng có những thay đổi nhất định; đặc biệt, cơ sở pháp lý quy định tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng phối hợp, hiệp đồng với BĐBP trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đã được thể chế trong các luật (Luật Hải quan năm 2014, Luật Cảnh sát Biển năm 2018, Luật Công an nhân dân năm 2018...), đòi hỏi tổ chức BĐBP cần được thể chế hóa bởi luật để BĐBP có vị trí pháp lý tương xứng, có cơ sở pháp lý vững chắc cho việc “xây dựng BĐBP vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”1 của Nhà nước ta.

Trên tinh thần xây dựng BĐBP tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả và tổ chức thực hiện có hiệu quả “Đề án tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo”, Đề án “Quy hoạch hệ thống đồn, trạm Biên phòng đến năm 2021 và những năm tiếp theo”, Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 đã dành riêng một điều luật (Điều 21) để quy định về hệ thống tổ chức của BĐBP. Cụ thể:

“Điều 21. Hệ thống tổ chức của BĐBP

1. Hệ thống tổ chức của BĐBP bao gồm:

a) Bộ Tư lệnh BĐBP;

b) Bộ Chỉ huy BĐBP cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP;

c) Đồn Biên phòng, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải đội Biên phòng.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Dưới góc độ nghiên cứu của khoa học quản lý, “hệ thống” là thuật ngữ dùng để chỉ “một tập hợp các phần tử có liên hệ với nhau, tác động qua lại với nhau một cách có quy luật để tạo thành một thể thống nhất, có thể thực hiện một số chức năng hay một số mục tiêu nhất định”2, còn “tổ chức” có thể được hiểu là “một hệ thống gồm nhiều phân hệ có những mối quan hệ hữu cơ hợp lý, rõ ràng, hợp tác và phối hợp chặt chẽ, tác động lẫn nhau trong một tổng thể, phát sinh một lực tổng hợp tác động cùng chiều lên một đối tượng nhằm đạt được những mục tiêu nhất định”3.

Từ nội hàm của hai thuật ngữ này, với các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP và quy định tại khoản 1, Điều 21 của Luật Biên phòng Việt Nam, có thể nhận thấy, “hệ thống tổ chức BĐBP” là thuật ngữ được dùng để chỉ một tập hợp thống nhất các cơ quan, đơn vị của BĐBP được thiết lập từ Trung ương đến đơn vị cơ sở một cách khoa học, có sự phân cấp rõ ràng, chặt chẽ, nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP do pháp luật quy định.

Trên cơ sở kế thừa quan điểm và tư duy về hệ thống tổ chức BĐBP những năm qua, khoản 1, Điều 21, Luật Biên phòng Việt Nam tiếp tục khẳng định BĐBP được tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến đơn vị cơ sở và phân thành 3 cấp:

- Bộ Tư lệnh BĐBP (cấp Trung ương).

- Bộ Chỉ huy BĐBP cấp tỉnh (bao gồm Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố trực thuộc Trung ương) có biên giới quốc gia và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP.

- Đồn Biên phòng, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải đội Biên phòng (đơn vị cơ sở của BĐBP).

Trong hệ thống này, Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP cấp tỉnh, Đồn Biên phòng, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải đội Biên phòng là những cơ cấu tổ chức “cứng” - được Luật ghi nhận, còn cơ cấu, tổ chức “đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP” do Chính phủ quy định cụ thể.

Thực hiện quy định Chính phủ “Thống nhất quản lý Nhà nước về quốc phòng”4 và kế thừa quy định “Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về BĐBP”5, Luật Biên phòng Việt Nam trao cho Chính phủ quyền quy định chi tiết “Hệ thống tổ chức của BĐBP”. Việc thực hiện quyền này của Chính phủ vốn xuất phát từ quyền hành pháp với hai bộ phận gắn bó hữu cơ với nhau đó là quyền lập quy và quyền hành chính.

Để quy định chi tiết “Hệ thống tổ chức của BĐBP”, Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh BĐBP tiến hành dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam. Ngày 5-2-2021, Bộ Tham mưu BĐBP đã ban hành Công văn số 306/BTM-PC về việc tham gia ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Biên phòng Việt Nam.

Tuân thủ quy định tại khoản 3, Điều 11, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020): “Trường hợp một cơ quan được giao quy định chi tiết nhiều nội dung của một văn bản quy phạm pháp luật thì ban hành một văn bản để quy định chi tiết các nội dung đó, trừ trường hợp cần phải quy định trong các văn bản khác nhau”, Dự thảo 1 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam không chỉ quy định chi tiết hệ thống tổ chức BĐBP mà còn quy định chính sách ưu đãi, chế độ đặc thù đối với BĐBP và quan hệ phối hợp giữa Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Dự thảo 1 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam đã được gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức trong và ngoài lực lượng BĐBP, đặc biệt là “ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật”6. Với kinh nghiệm và quy trình lập quy chặt chẽ, bảo đảm các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong thời gian tới, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam chắc chắn sẽ được ban hành đúng tiến độ, bảo đảm cho mọi quy định của Luật Biên phòng Việt Nam phát huy hiệu lực trên thực tế, sớm đi vào cuộc sống.

Tiến sĩ Trần Minh Nguyệt, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Lời nói đầu Pháp lệnh BĐBP năm 1997.
Sách Thuật ngữ hành chính, Viện Nghiên cứu hành chính – Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.96.
Sách Từ điển giải thích thuật ngữ hành chính, GS Mai Hữu Khuê và PGS.TS Bùi Văn Nhơn (chủ biên), Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2002, tr.721.
Khoản 1, Điều 18, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Khoản 1, Điều 24, Pháp lệnh BĐBP năm 1997.
Khoản 2, Điều 6, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/he-thong-to-chuc-cua-bdbp-trong-luat-bien-phong-viet-nam-post438200.html