Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực kết cấu xây dựng và chất lượng công trình

Hệ thống tiêu chuẩn thiết kế, kết cấu xây dựng và công nghệ xây dựng là hành lang kỹ thuật, định hình sự tồn tại và chất lượng công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật.

Nhiều công trình bị hư hỏng, sụt lún do việc xử lý nền, móng và xây dựng kết cấu công trình còn hạn chế.

Nhiều công trình bị hư hỏng, sụt lún do việc xử lý nền, móng và xây dựng kết cấu công trình còn hạn chế.

Hệ thống tiêu chuẩn trong thiết kế, kết cấu xây dựng được hoàn thiện và phát triển. Hệ thống tiêu chuẩn, có vai trò tạo ra các công trình và sản phẩm xây dựng an toàn cho người sử dụng, phù hợp với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương, hạn chế tối đa các hư hỏng về kết cấu, đặc biệt là nứt gãy và chuyển vị.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đầu tư xây dựng ở các địa phương được quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng 2014. Cụ thể, hoạt động đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động đầu tư xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện, trừ các tiêu chuẩn được viện dẫn trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tiêu chuẩn áp dụng cho công trình phải được người quyết định đầu tư xem xét, chấp thuận khi quyết định đầu tư.

Mục tiêu chuẩn kỹ thuật trong kết cấu xây dựng được áp dụng tại địa phương hiện có hơn 21 tiêu chuẩn, trong đó, có 11 tiêu chuẩn kỹ thuật về kết cấu bê tông và bê tông cốt thép; 4 tiêu chuẩn kỹ thuật về kết cấu kim loại; 2 tiêu chuẩn kỹ thuật về kết cấu gạch, gỗ và 4 tiêu chuẩn kỹ thuật về kết cấu nền, móng nhà và công trình.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, để đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động xây dựng trong thời kỳ đổi mới và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam là loại văn bản pháp quy kỹ thuật bắt buộc áp dụng. Còn các tiêu chuẩn chuyên ngành Xây dựng chuyển ký hiệu thành TCXDVN, trong đó đa số các tiêu chuẩn xây dựng thuộc loại tự nguyện áp dụng, riêng các số tiêu chuẩn liên quan đến an toàn sinh mạng, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, số liệu điều kiện tự nhiên như: khí hậu, thời tiết, địa chất, thủy văn, động đất… là bắt buộc áp dụng.

Tiêu chuẩn đề cập từ công tác đất, đến nền, móng, các loại kết cấu như: Gạch, đá, bê tông, kim loại, gỗ… Việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn xây dựng hiện nay đã hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp và trực tiếp là các đơn vị thi công cách thức để đạt được các yêu cầu của quy chuẩn xây dựng. Từ đó, đóng vai trò quan trọng để định hình các công trình và sản phẩm xây dựng an toàn cho người sử dụng, đáp ứng yêu cầu của cộng đồng.

Giai đoạn 2010-2020, Đảng bộ Sở Xây dựng Quảng Bình đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của ngành, đã chỉ đạo chính quyền chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, nâng cao chất lượng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

Hiện, tỉnh có 10 đô thị, trong đó, có 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại IV và 6 đô thị loại V. Quy mô dân số toàn đô thị hơn 306 nghìn người, tốc độ đô thị hóa ở mức 32%. Nguồn lực đầu tư công và xã hội hóa cho các đô thị đang được đẩy mạnh, kéo theo rất nhiều công trình lớn, đóng vai trò động lực thúc đẩy kinh tế tỉnh vươn lên đã hoàn thành hoặc đang thi công. Việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong kết cấu xây dựng, đặc biệt là nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật về kết cấu bê tông và bê tông cốt thép và nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật về kết cấu nền, móng nhà và công trình, trong thực tế thi công xây dựng vận dụng rất nhiều.

Phòng Quản lý Xây dựng, thuộc Sở Xây dựng Quảng Bình cho rằng: Việc xử lý nền, móng nhà và công trình; kết cấu bê tông cốt thép, cột trụ, dầm, giằng tường quyết định đến tính ổn định và chất lượng công trình.

Nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, hành chính sự nghiệp như: Trường Mầm non Phú Hải (thành phố Đồng Hới), trường Mầm non Sơn Trạch (huyện Bố Trạch), trường THCS Hồng Hóa (huyện Minh Hóa), nhà thi đấu thể thao đa năng huyện Quảng Ninh… khi bước vào giai đoạn hoàn thiện, xuất hiện lún, nứt tường thường xuất phát từ việc công trình bị chuyển vị, gây lún hoặc lún lệch quá lớn do nền đất yếu, sức chịu tải bé. Nguyên nhân cơ bản do trong quá trình thi công, nhà thầu chưa xử lý tốt nền, móng công trình, cùng đó, về kết cấu bê tông cốt thép khi dự kiến thiết kế nhỏ hơn hoặc bằng tải trọng công trình khi hoàn thành trên nền đất yếu.

Để đảm bảo công trình an toàn, hạn chế lún, Sở Xây dựng yêu cầu các nhà thầu thi công nghiên cứu kỹ và áp dụng các tiêu chuẩn như TCXDVN 40:1987 - Kết cấu xây dựng và nền. Nguyên tắc cơ bản về tính toán; TCXDVN 189:1996 - Móng cọc tiết diện nhỏ. Tiêu chuẩn thiết kế; TCXDVN 206:1998 - Cọc khoan nhồi. Yêu cầu về chất lượng thi công; TCXDVN 205:1998 - Móng cọc. Tiêu chuẩn thiết kế.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều công trình như cổng chào, nhà thép tiền chế được đầu tư lắp đặt tại địa phương, đáp ứng việc tuyên truyền cổ động trực quan và làm cơ sở sản xuất, kho xưởng cho các xí nghiệp là xu thế tất yếu của thời đại. Tuy vậy, chất lượng vật liệu và kết cấu thép của dạng công trình này phải được kiểm soát kỹ, để đảm bảo tính bền vững cho công tình và sự an toàn cho người dân, người lao động.

Trung tâm Kiểm định Chất lượng Công trình Xây dựng Quảng Bình cho hay: Quảng Bình là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, do đó kết cấu nhà xưởng thép tiền chế, nhà công nghiệp, cổng chào cần phải đảm bảo các yêu cầu về chịu lực, chịu xoắn, khi thiết kế và lắp đặt phải thực hiện nghiêm túc.

Phòng Quản lý Xây dựng - Sở Xây dựng Quảng Bình thông tin: Nhằm tăng cường quản lý chất lượng các công trình nhà xưởng, nhà công nghiệp có sử dụng kết cấu vách tường bao che, tường ngăn kích thước lớn. Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 3186/SXD-QLXD, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc nội dung này. Yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng công tác thiết kế; kiểm tra, giám sát chất lượng vật liệu đầu vào, giám sát thi công xây dựng theo đúng thiết kế được duyệt, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn áp dụng.

Cụ thể hơn, nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật về kết cấu kim loại được áp dụng gồm TCVN 4613:1988 - Kết cấu thép - Ký hiệu quy ước và thể hiện bản vẽ; TCVN 5575:1991 - Kết cấu thép - Tiêu chuẩn thiết kế; TCVN 5889:1995 - Bản vẽ các kết cấu kim loại; TCXDVN 334:2005 - Quy phạm sơn thiết bị và kết cấu thép trong xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình chia sẻ: Theo Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật thì Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực công trình xây dựng dân dụng, nhà ở và công sở, kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn. Những quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là những yêu cầu về mục tiêu phải đạt được, không được làm trái. Một yêu cầu được quy định trong quy chuẩn, có thể được thực hiện bởi nhiều tiêu chuẩn khác nhau nhằm thỏa mãn các yêu cầu của Quy chuẩn ở những mức độ khác nhau.

Các quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật, bắt buộc phải thực hiện có thể là những quy định tối thiểu hoặc tối đa, hoặc trong khoảng giới hạn. Với những yêu cầu bắt buộc nên quy chuẩn được sử dụng để làm cơ sở để soát xét, biên soạn, công nhận, ban hành tiêu chuẩn. Việc người sử dụng không biết về sự tồn tại của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thường do thiếu thông tin, không được phổ biến, tập huấn…

Việc nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa đáp ứng yêu cầu và chưa đạt được sự đồng thuận của các bên tham gia: Cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng, các nhà khoa học. Nhiều chủ đầu tư chưa thấy lợi ích do việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các hoạt động xây dựng ngại thay đổi những thói quen, việc thiết kế, xây dựng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm. Thiếu việc giám sát thực hiện và biện pháp chế tài.

Nhất Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/he-thong-tieu-chuan-ky-thuat-trong-linh-vuc-ket-cau-xay-dung-va-chat-luong-cong-trinh-294270.html