Hệ thống tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm thực phẩm

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 – Cục QLTT Quảng Trị phát hiện, tạm giữ nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu.

Mới đây, Đội QLTT số 3 tiến hành khám phương tiện vận tải xe ô tô mang biển kiểm soát 17C - 050XX do ông N.X.V (trú tại xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) điều khiển, phát hiện trên xe tải vận chuyển 3.870 sản phẩm chân, cổ, cánh gia cầm, xúc xích tẩm ướp gia vị không rõ nguồn gốc xuất xứ và 135 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu. Các tang vật này không có hóa đơn đi kèm; không có chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm bao gói, không có bản công bố chất lượng đối với sản phẩm mỹ phẩm.

Làm việc với lực lượng chức năng, ông N.X.V thừa nhận là chủ sở hữu toàn bộ số tang vật nêu trên. Sau đó, Đội QLTT số 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông N.X.V về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Lực lượng QLTT Quảng Trị kiểm đếm các tang vật hàng hóa vi phạm.

Lực lượng QLTT Quảng Trị kiểm đếm các tang vật hàng hóa vi phạm.

Đồng thời, tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm hành chính nói trên và tiến hành xác minh tình tiết để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng trong thời gian này, lực lượng của đơn vị tỉnh đã kiểm tra, phát hiện khoảng 400kg nội tạng, nầm vú lợn không rõ nguồn gốc trên đường đi tiêu thụ. Trên Km 758 tuyến Quốc lộ 1A, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Trị kiểm tra xe ô tô khách 76B-01123 do Dương Thanh Tùng (SN 1980, trú tại phường Tây Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) điều khiển.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển khoảng 400kg nội tạng, nầm vú lợn. Tài xế Dương Thanh Tùng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số nội tạng, nầm vú lợn nói trên. Bước đầu, tài xế khai nhận số sản phẩm động vật nói trên được chở từ bến xe Nước Ngầm (TP. Hà Nội) đưa vào tỉnh Quảng Ngãi để tiêu thụ.

Liên quan đến thực phẩm, tại Việt Nam đã xây dựng và ban hành 5 tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn và sản phẩm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.

Tiêu chuẩn ISO 22000:2018

ISO 22000:2018 là tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) xây dựng và ban hành. Giấy chứng nhận ISO 22000 được chấp nhận và có giá trị trên toàn thế giới. ISO 22000:2018 là tiêu chuẩn mới nhất hiện nay, được xây dựng dựa trên nền tảng nguyên lý của 2 tiêu chuẩn sau: HACCP – Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn; ISO 9001:2015 – Hệ thống quản lý chất lượng.

Đây là một trong những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Doanh nghiệp sẽ được đánh giá và thừa nhận là có hệ thống quản lý tốt về an toàn thực phẩm và đủ khả năng cung cấp sản phẩm thực phẩm an toàn ra ngoài thị trường khi đạt được chứng nhận ISO 22000:2018.

Ngoài ra, mọi tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung cấp thực phẩm đều có thể áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000, không phân biệt quy mô, loại hình bao gồm cả những tổ chức hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp trong chuỗi thực phẩm.

Tiêu chuẩn HACCP

HACCP là từ viết tắt của “Hazard Analysis & Critical Control Point” – Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn.

Tương tự như ISO 22000, nó cũng là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đúng như tên gọi “Phân tích mối nguy và Kiểm soát điểm tới hạn” HACCP được xem là công cụ phổ biến trong ngành thực phẩm có chức năng xác định và ngăn chặn các mối nguy hại cụ thể hoặc đang tiềm ẩn có nguy cơ gây ảnh hưởng trong toàn bộ dây chuyền sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

HACCP có thể xác định được mối nguy như: Các mối nguy từ sinh học, mối nguy hóa học, vật lý, hay các điều kiện bảo quản, vận chuyển, sử dụng.

Đối tượng áp dụng HACCP gồm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…; các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, khu chế xuất, thức ăn công nghiệp; cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn và các tổ chức hoạt động liên quan đến thực phẩm.

Tiêu chuẩn FSSC 22000

FSSC 22000 – Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm. Đây là một trong những tiêu chuẩn phát triển về sản xuất thực phẩm an toàn đầu tiên ở quy mô quốc tế.

Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế FSSC 22000 cung cấp khuôn khổ cho việc quản lý hiệu quả trách nhiệm về chất lượng và an toàn thực phẩm. FSSC 22000 được thừa nhận là tương đương và có thể thay thế cho các tiêu chuẩn như BRC, IFS,… được công nhận trước đây của GFSI.

Để áp dụng và đạt chứng nhận FSSC 22000, đầu tiên các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất chế biến doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt ngay từ đầu. Không được bỏ qua bước phân tích nhận diện và kiểm soát mối nguy theo nguyên tắc HACCP. Đồng thời, doanh nghiệp cần đánh giá rủi ro và thiết lập chương trình phòng vệ thực phẩm để kiểm soát nhiễm bẩn cố ý do mục đích phá hoại.

Tiêu chuẩn GMP

Từ đầu tháng 07/2019, theo quy định, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn GMP. Điều đó có nghĩa, sau mốc thời gian trên doanh nghiệp sẽ không được phép tiếp tục sản xuất nếu không được cấp chứng nhận GMP.

GMP – Tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành sản xuất tốt. Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm này tập trung áp dụng chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế biến các sản phẩm yêu cầu điều kiện vệ sinh cao như: thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế. Ngoài ra, trong lĩnh vực thực phẩm, nhà hàng, khách sạn cũng rất thích hợp cho việc áp dụng tiêu chuẩn GMP.

Tiêu chuẩn BRC

BRC (British Retail Consortium) là tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm, được xây dựng và ban hành bởi Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc.

Cũng giống như hầu hết tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phổ biến hiện nay doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn BRC với mục đích kiểm soát chất lượng và đảm bảo an toàn trong sản xuất, tạo ra sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn an toàn. Tiêu chuẩn đưa ra yêu cầu các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ tuân thủ luật lệ và bảo vệ người tiêu dùng.

Giấy chứng nhận BRC được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu. Đối tượng áp dụng BRC bao gồm: các cơ sở sản xuất, công ty, nhà máy thực hiện sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm nói chung (ví dụ: thủy sản, rau củ quả, nước uống, bia, rượu, dầu ăn,…). Và không áp dụng cho các hoạt động liên quan tới bán sỉ nhập khẩu, phân phối hay tồn trữ ngoài sự kiểm soát của tổ chức.

Bảo Linh (t/h)

Nguồn VietQ: https://vietq.vn/he-thong-tieu-chuan-dam-bao-chat-luong-cho-san-pham-thuc-pham-d203794.html