Hệ thống thư viện phải đổi mới để thu hút bạn đọc

Hệ thống thư viện công lập đang đứng trước hai lựa chọn: Xóa bỏ, sáp nhập với các thiết chế văn hóa khác; hoặc đổi mới hoạt động và cách thức vận hành để phát huy hiệu quả vai trò của một thiết chế văn hóa quan trọng.

Thư viện tư nhân Dương Liễu (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) ra đời từ năm 2013, được điều hành bởi một nhóm các bạn trẻ tại địa phương. Hiện thư viện có hơn 5.000 đầu sách, báo phục vụ phi lợi nhuận cho hơn 1.500 bạn đọc có thẻ thư viện. Bên cạnh cho mượn sách, thư viện thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, như: Tìm hiểu sách, đọc truyện, làm bánh Trung thu, trao quà tặng người có công... nên được phụ huynh và học sinh hưởng ứng. Thư viện tư nhân Dương Liễu được ngành thư viện xem là mô hình điểm, một không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, giúp các em học sinh nâng cao tri thức, giải trí lành mạnh.

Một thư viện tư nhân nhỏ bé ở cấp xã đã làm được nhiều điều mà chính những thư viện công lập cấp huyện, cấp tỉnh không làm được hoặc chưa chú trọng để thực hiện. Thư viện trong quan niệm của nhiều người, trong đó có lãnh đạo địa phương, chỉ là nơi chứa sách, phục vụ bạn đọc có nhu cầu tra cứu, tìm kiếm tài liệu thì đến tìm đọc, nhân lực ở thư viện có một số trường hợp là chỗ sắp xếp cho những ca sĩ, diễn viên múa hết tuổi biểu diễn nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Thế nên, không ngạc nhiên khi đa số các thư viện được xây dựng ở vị trí đắc địa nhưng lại đìu hiu, vắng vẻ. Mạng lưới thư viện trải rộng với gần 4.000 thư viện công cộng các cấp, hơn 16.000 phòng đọc, tủ sách ở cơ sở, gần 400 thư viện trường đại học, cao đẳng… nhưng lại ít thu hút bạn đọc.

Đến tháng 10-2017, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành. Từ đây, nhiều địa phương đã có chủ trương sáp nhập thư viện cấp tỉnh, cấp huyện với các thiết chế văn hóa khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc sáp nhập thư viện với các thiết chế văn hóa không có sự nghiên cứu khoa học bài bản, dựa vào đánh giá chất lượng hoạt động mà đang tiến hành sáp nhập cơ học. Có nơi sáp nhập thư viện tỉnh với bảo tàng tỉnh, nhưng ở cấp huyện có nơi lại chủ trương sáp nhập thư viện với trung tâm văn hóa hoặc đài phát thanh-truyền hình. Tham dự hội nghị mới đây của ngành thư viện, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Việc xóa bỏ, sáp nhập thư viện là điều không thể tránh đối với thư viện hoạt động không hiệu quả. Nhiều mô hình, cách làm hay thu hút bạn đọc đến với thư viện ở các địa phương cần tiếp tục duy trì, nhân rộng. Về lâu về dài, thiết chế thư viện phải thay đổi, nghĩa là cán bộ thư viện, cách quản lý, quản trị thư viện phải thay đổi và bộ chủ quản cũng phải thay đổi. Thay đổi lớn nhất phải là ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện. Việc số hóa thư viện trên toàn quốc sẽ góp phần thu hút hàng trăm triệu lượt bạn đọc, thậm chí nhiều hơn nữa. Nếu thực hiện thành công việc số hóa thư viện sẽ là thời cơ lớn để tất cả hệ thống thư viện Việt Nam trở thành thư viện công cộng cho tất cả mọi người dân tiếp cận ở mọi nơi, mọi lúc”.

Được biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành xây dựng và phát triển thư viện số đại học dùng chung, đã có 22 trường đại học khối kỹ thuật đang sử dụng tài liệu số dùng chung. Việc số hóa tài liệu đang được tiến hành mạnh mẽ, có sự hợp tác, phân công giữa các thư viện: Thư viện Quốc gia Việt Nam số hóa tài liệu Đông Dương trước năm 1954, Thư viện Trung ương Quân đội số hóa tài liệu quân sự, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh số hóa tài liệu giai đoạn 1954-1975… Các thư viện đã và đang chuyển dịch từ mô hình thư viện truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số hiện đại. Sự thay đổi này mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng và các thư viện.

Ở những vùng sâu, vùng xa, những đối tượng chưa có khả năng tiếp cận internet, việc gây dựng tủ sách, đưa sách đến với bạn đọc, khơi dậy phong trào đọc sách vẫn rất cần thiết. Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, nêu kinh nghiệm: “Huy động nguồn lực xã hội hóa cho ngành thư viện là rất khó, chỉ có doanh nghiệp mới làm được. Chính quyền đã phối hợp vận động nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp kinh phí lập các tủ sách tại từng lớp học từ mầm non đến THCS. Sau hai năm, các trường học ở Nam Định đã có hơn 12.000 tủ sách lớp học với hơn 500.000 bản sách, trị giá 15 tỷ đồng. Hình ảnh điểm sách dưới cờ trong lễ chào cờ đầu tuần đã trở nên quen thuộc ở một số trường học tại Nam Định”. Cũng với cách thức xã hội hóa, trong 20 năm, ông Nguyễn Quang Thạch-người được giải thưởng của UNESCO-đã vận động xây dựng được khoảng 9.000 tủ sách nông thôn. So sánh hai kết quả trên để thấy vai trò quan trọng của các cấp chính quyền trong vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa đối với công tác thư viện nói riêng và công cuộc đổi mới thư viện nói chung là rất quan trọng.

Sự quan tâm của các cấp, các ngành và nỗ lực tự đổi mới của ngành thư viện hy vọng dù tồn tại dưới mô hình nào, hệ thống thư viện vẫn phát huy vai trò lưu giữ, truyền bá tri thức, góp phần hình thành xã hội học tập, nâng cao dân trí trong thời gian tới.

TRẦN HOÀNG HOÀNG/QĐND.VN

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/xa-hoi/he-thong-thu-vien-phai-doi-moi-de-thu-hut-ban-doc-117623