Hệ thống TCVN, QCVN giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, khẳng định vị thế trong bối cảnh hội nhập

Trong những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp cùng với các bộ, ngành xây dựng hàng nghìn tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), qua đó đã tạo dựng, củng cố thêm cho hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia, tạo nền tảng giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) từng nước tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, khẳng định vị thế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo ông Trần Văn Học - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, từ năm 2006, với việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm cam kết thực thi Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (hiệp định WTO/TBT) và trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới, việc xây dựng TCVN trên cơ sở chấp nhận và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đã trở thành chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm (chiếm trên 90%).

Có thể thấy, nếu trước đây, việc xây dựng TCVN (quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả...) và QCVN (quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ…) là điểm yếu thì nay một bức tranh hoàn toàn mới xuất hiện.

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ KH&CN và các Bộ, ngành đã tổ chức xây dựng, công bố 4.485 TCVN, trong đó, Bộ KH&CN xây dựng 2.632 TCVN, các Bộ, ngành khác xây dựng 1.853 TCVN. Có khoảng 2.905 TCVN (65%) hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng số TCVN trong hệ thống TCVN hài hòa với TCQT/TCKV đạt trên 45%.

Sang giai đoạn 2016-2020, ước tính đến hết năm 2020, Bộ KH&CN và các Bộ, ngành xây dựng, công bố 3.859 TCVN, trong đó, Bộ KH&CN xây dựng 2.360 TCVN; các Bộ ngành khác xây dựng 1.499 TCVN. Đến nay, có khoảng 2.073 TCVN (88%) hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng số TCVN trong hệ thống TCVN hài hòa với TCQT/TCKV đạt 60%. Tổng số TCVN được xây dựng trong cả Chương trình là 8.341 TCVN, tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành trong việc đẩy mạnh xây dựng các QCKT. Thống kê cho thấy đến nay, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức xây dựng các QCVN phục vụ yêu cầu quản lý sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Hiện đã có 780 QCVN được 14 Bộ ban hành, 58 QCĐP đã được UBND cấp tỉnh ban hành. Hệ thống QCVN đã trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khỏe cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường...

Đánh giá về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng, phát triển hệ thống TCVN, QCVN, có thể thấy, hàng nghìn TCVN, QCVN này đã góp phần tạo dựng, củng cố thêm cho hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia, tạo nền tảng giúp cộng đồng DN khẳng định vị thế, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, vươn ra biển lớn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong đó, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã hỗ trợ DN áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng và đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho DN trong việc hợp lý hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm vật tư, nguyên vật liệu, năng lượng… giảm thiểu lãng phí, nâng cao năng suất chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời, góp phần đào tạo trang bị những kiến thức và kỹ năng thực hành cho đội ngũ chuyên gia về năng suất chất lượng qua đó góp phần dần hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn, các tổ chức tư vấn về năng suất chất lượng có am hiểu sâu về các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng có khả năng hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ DN trong việc cải tiến hoạt động quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa...

Trước bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, theo các chuyên gia, tới đây cần mở rộng độ bao quát của hệ thống TCVN, nhằm đáp ứng tốt hơn mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng... Cùng với đó, dự kiến Chương trình quốc gia về hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2030 sẽ tiếp tục áp dụng cho mọi tổ chức, DN. Trong đó, sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ các tổ chức, DN áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến để nâng cao năng suất chất lượng và khả năng canh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong giai đoạn 2016-2020, ước tính đến hết năm 2020, Bộ KH&CN và các Bộ, ngành xây dựng, công bố 3.859 TCVN, trong đó, Bộ KH&CN xây dựng 2.360 TCVN; các Bộ ngành khác xây dựng 1.499 TCVN. Đến nay, có khoảng 2.073 TCVN (88%) hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng số TCVN trong hệ thống TCVN hài hòa với TCQT/TCKV đạt 60%. Tổng số TCVN được xây dựng trong cả Chương trình là 8.341 TCVN, tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60% vào năm 2020.

Hoa Sơn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/he-thong-tcvn-qcvn-giup-doanh-nghiep-tang-suc-canh-tranh-khang-dinh-vi-the-trong-boi-canh-hoi-nhap-327024.html