Hệ thống ngữ liệu 'mở' trong dạy học Ngữ văn

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Chương trình mới môn Ngữ văn là hệ thống văn bản (ngữ liệu) sử dụng trong dạy học được xây dựng theo tinh thần 'mở'. Tiêu chí và yêu cầu lựa chọn văn bản (ngữ liệu) đã được quy định rất cụ thể, rõ ràng.

Tác giả sách giáo khoa có quyền chọn văn bản

Nhóm biên soạn Chương trình mới môn Ngữ văn cho biết: Theo tinh thần “mở” của Chương trình mới, bên cạnh những tác phẩm bắt buộc và bắt buộc lựa chọn, tác giả sách giáo khoa có quyền chọn văn bản làm ngữ liệu để thiết kế bài học dựa trên những tiêu chí, yêu cầu về ngữ liệu được quy định trong chương trình. Trong phần đọc mở rộng, học sinh cũng có được cơ hội tự chọn văn bản để đọc và chia sẻ kết quả đọc ở lớp.

Quy định mở về ngữ liệu như vậy vừa giúp người soạn sách giáo khoa thực hiện được ý đồ thiết kế bài học một cách sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu cần đạt của chương trình; vừa giúp chương trình gắn bó hơn với cuộc sống, gần gũi với HS, tạo hứng thú học tập cho các em.

Chương trình môn Ngữ văn đã tuyển chọn, đề xuất một danh mục các tác phẩm có vị trí quan trọng, tiêu biểu cho thành tựu văn học dân tộc qua các giai đoạn để dạy học trong nhà trường, với 3 cấp độ: Tác phẩm bắt buộc (tác giả sách giáo khoa phải đưa vào sách theo quy định của chương trình), tác phẩm tự chọn bắt buộc (tác giả sách giáo khoa bắt buộc lựa chọn trong số những tác phẩm cùng một nhóm theo quy định của chương trình), tác phẩm gợi ý lựa chọn (đưa ra trong một phụ lục các văn bản khuyến nghị để tác giả sách giáo khoa tự lựa chọn theo tiêu chí, yêu cầu của chương trình).

Các tác phẩm văn học về đề tài cách mạng và kháng chiến, về biển đảo và chủ quyền biển đảo, tác phẩm văn học dân tộc thiểu số đều đã được chú ý giới thiệu trong danh mục 3 loại văn bản (ngữ liệu) nêu trên.

Ngữ liệu phải bảo đảm các tiêu chí

Chương trình đã quy định rõ các tiêu chí, yêu cầu cơ bản để bảo đảm việc lựa chọn văn bản (ngữ liệu) đáp ứng được mục tiêu giáo dục của môn Ngữ văn. Thứ nhất: Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình. Thứ 2: Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lí của HS ở từng lớp học, cấp học.

Thứ 3: Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu cho các thể loại và kiểu văn bản; nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ. Thứ 4: Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc; thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia; có tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mĩ, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế, hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại.

Ngoài các tiêu chí nêu trên, việc lựa chọn văn bản cần bảo đảm tỉ lệ hợp lí giữa văn bản văn học với văn bản nghị luận và văn bản thông tin. Trong văn bản văn học, chú ý bảo đảm sự cân đối tương đối giữa các thể loại cơ bản (truyện, thơ, kí, kịch), giữa văn học trung đại và văn học hiện đại, giữa văn học dân gian và văn học viết, giữa văn học dân tộc Kinh và văn học dân tộc thiểu số, giữa văn học Việt Nam và văn học nước ngoài, giữa Đông và Tây. “Sự cân đối” được hiểu là một tỉ lệ thích hợp, chứ không phải có tỉ lệ bằng nhau. Ngữ liệu cho tất cả các lớp đều phải có văn bản truyện và thơ. Ngoài truyện và thơ, mỗi cấp học đều phải có văn bản kí và kịch. Các lớp tiểu học và đầu THCS ưu tiên văn học Việt Nam hiện đại và đương đại. Hạn chế hiện tượng một văn bản được sử dụng lặp lại ở nhiều lớp học, cấp học khác nhau.

Cùng với đó, việc lựa chọn văn bản cũng cần bảo đảm sự phù hợp của văn bản với yêu cầu phát triển và thời lượng học tập của chương trình. Độ khó của các văn bản đọc tăng dần qua từng năm học. Thời gian để dạy học một văn bản phải tương thích với độ dài và độ phức tạp của nó để bảo đảm giáo viên có thể giúp học sinh tiếp cận đầy đủ và sâu sắc văn bản, cho HS có cơ hội đọc trực tiếp và trọn vẹn những tác phẩm được chọn học. Hạn chế việc dạy học trích đoạn, trừ trường hợp những tác phẩm văn học có dung lượng lớn như tiểu thuyết, hồi kí, sử thi, ví dụ: Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Cuối cùng, lựa chọn văn bản cần bảo đảm kế thừa và phát triển các chương trình Ngữ văn đã có. Chương trình Ngữ văn mới dựa vào các tác gia và các tác phẩm văn học được học trong chương trình và sách giáo khoa hiện hành, lựa chọn và bổ sung một số tác giả, tác phẩm có vị trí quan trọng, tiêu biểu cho thành tựu văn học dân tộc qua các giai đoạn để dạy học trong nhà trường.

Chương trình mới đề xuất một danh mục gồm ba loại văn bản khác biệt về mức độ “bắt buộc” (hay độ “mở”): Bắt buộc, bắt buộc lựa chọn, tự chọn. Theo đó, các tác phẩm bắt buộc gồm: Nam quốc sơn hà (Thời Lý); Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi; Truyện Kiều của Nguyễn Du; Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu; Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.
Phần danh mục gợi ý văn bản ngữ liệu của chương trình đưa ra một danh mục gần 300 đơn vị văn bản (chưa kể văn bản thông tin) tương đối tiêu biểu về thể loại, tác giả, giai đoạn văn học, có tính chất khuyến nghị, sắp xếp theo hệ thống kiểu loại (văn bản văn học: Truyện, thơ, kịch, kí; văn bản nghị luận; văn bản thông tin) cho các nhóm lớp

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/he-thong-ngu-lieu-mo-trong-day-hoc-ngu-van-3976405-b.html