Hệ thống ngân hàng Mỹ phục hồi sau sự sụp đổ của Lehman Brothers

Tổng Giám đốc JPMorgan Chase Jamie Dimon ngày 16/9 cho biết hệ thống ngân hàng Mỹ đã phục hồi hoàn toàn 10 năm sau khi sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers.

Ông Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase. (Nguồn: Reuters)

Ông Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase. (Nguồn: Reuters)

10 năm sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng tài chính tệ nhất kể từ Đại Suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước, giới chuyên gia tài chính quốc tế nhận định hệ thống ngân hàng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phục hồi hoàn toàn và lấy lại được thể trạng khỏe mạnh của 1 thập kỷ trước.

Phát biểu ngày 16/9 trong chương trình This Week của tập đoàn truyền thông ABC, Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan Chase Jamie Dimon nhận định hệ thống ngân hàng Mỹ đang “rất, rất, rất khỏe mạnh,” và các nhà lập pháp thực sự nên phần nào lấy làm hài lòng bởi biến cố Lehman Brothers sẽ không tái diễn ra ở thời điểm hiện tại.

Ông Dimon nêu rõ: "Một ngày nào đó sẽ có suy thoái, song sẽ không phải là hệ thống ngân hàng.”

Người đứng đầu JPMorgan Chase cũng nhận định Tổng thống Donald Trump đã làm khá tốt việc điều hành nền kinh tế Mỹ, đồng thời lưu ý rằng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước đã tăng vọt sau khi tỷ phú này đắc cử tổng thống.

Về biến cố Lehman Brothers cách đây 10 năm, Giám đốc Dimon đã bảo vệ phương án cứu trợ tài chính liên bang đối với các ngân hàng Mỹ lớn vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, CEO của JP Morgan Chase chia sẻ quan điểm của nhiều người cho rằng không công bằng khi các ngân hàng được bảo vệ trong khi những người dân Mỹ khác bị bỏ mặc và gánh chịu các hậu quả.

Đánh giá lạc quan của CEO của JPMorgan Chase được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ ghi nhận những bước tiến lớn với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 4,2% trong quý 2 vừa qua.

Đây là mức tăng GDP mạnh nhất trong gần bốn năm qua và cao gần gấp đôi mức tăng 2,2% trong quý 1 năm nay. Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 3% trong quý 3 tới đây.

Tháng 9/2008, chỉ trong vòng vài ngày, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư nước Mỹ Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản sau 158 năm hoạt động.

Đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, khiến chỉ số Dow Jones giảm trên 500 điểm và chỉ trong một ngày, thị trường chứng khoán Mỹ mất tới 1.100 tỷ USD, gây hoảng loạn toàn bộ các thể chế tài chính.

Nguyên nhân là do ngân hàng đã vay quá nhiều vốn và dùng phần lớn khoản tiền này vào những thương vụ đầu tư tài sản có rủi ro cao, trong đó có việc cung cấp các khoản vay dưới chuẩn cho người mua nhà.

Sự kiện này bị xem là ngòi nổ gây nên cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 trên quy mô toàn cầu.

Hoạt động giao dịch liên ngân hàng hầu như bị tê liệt, hàng chục triệu người mất nhà ở, hàng trăm triệu người mất việc làm và hàng nghìn tỷ USD tài sản bị “bốc hơi,” khiến nền kinh tế toàn cầu thất thoát 4.500 tỷ USD vào năm 2009.

Vào thời điểm đó, Chính phủ Mỹ đã phải tung ra gói cứu trợ tài chính trị giá 700 tỷ USD để giải cứu ngành ngân hàng nước này.

10 năm sau vụ sụp đổ của đế chế Lehman Brothers, câu chuyện về những sai lầm trong quá khứ và giải pháp để tránh tái diễn một cuộc khủng hoảng tương tự vẫn là chủ đề được giới chuyên gia đặc biệt quan tâm./.

K.Dung (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/he-thong-ngan-hang-my-phuc-hoi-sau-su-sup-do-cua-lehman-brothers/524920.vnp