Hệ thống kép ở nền giáo dục nghề nghiệp hàng đầu thế giới

Đức là nước hàng đầu thế giới về giáo dục dạy nghề. Nước này triển khai hệ thống kép, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, việc làm vừa giúp doanh nghiệp tuyển được nhân viên phù hợp.

Theo Cleanenergywire, hầu hết lực lượng lao động tay nghề cao ở Đức trải qua hệ thống kép về giáo dục và đào tạo nghề (VET). Mỗi năm, VET cung cấp cho thị trường lao động hơn nửa triệu công nhân lành nghề. Khoảng 1,3 triệu người theo học hệ thống này hàng năm.

Hệ thống kép gồm học ở trường và thực tập ở doanh nghiệp. Trong chương trình kéo dài 2-4 năm, người học dành vài ngày mỗi tuần hoặc có khóa kéo dài học kiến thức ở trường. Thời gian còn lại, họ làm việc dưới sự giám sát của một người có tay nghề cao. Thời gian học ở lớp chỉ chiếm 40% toàn khóa.

Financial Times đánh giá Đức có hệ thống dạy nghề tốt bậc nhất thế giới. Ảnh: Financial Times.

Financial Times đánh giá Đức có hệ thống dạy nghề tốt bậc nhất thế giới. Ảnh: Financial Times.

Nhờ việc học kết hợp thực hành, VET thu hút khoảng 1/3 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở ở Đức. 68% sinh hoàn thành chương trình tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp đã đào tạo họ. Mỗi năm, các doanh nghiệp đưa ra 500.000 vị trí học việc.

VET của Đức cung cấp 330 chương trình đào tạo được công nhận chính thức. Viện Giáo dục và Đào tạo nghề Liên bang (BIBB) công bố danh sách các ngành nghề và mức lương tương ứng mà người học nghề nhận được cho học sinh cả nước.

Các công ty chủ quản trả lương hàng tháng cho người học việc, trung bình gần 800 euro.

Các trường nghề ở Đức hợp tác với khoảng 430.000 doanh nghiệp và hơn 80% doanh nghiệp lớn ở nước này có chương trình học việc.

Giáo dục và đào tạo nghề cung cấp hầu hết lao động lành nghề cho các doanh nghiệp, công ty ở Đức. Ảnh: Bloomberg.

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Đức, 516.200 người bắt đầu học nghề vào năm 2015. Nhưng con số này không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển thực tập sinh của các công ty. Gần 1/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ không tuyển đủ nhân viên học việc.

Một điểm nổi bật khác của hệ thống giáo dục và đào tạo nghề nghiệp của Đức là quá trình đào tạo, cấp chứng chỉ được chuẩn hóa trên toàn nước. Điều này đảm bảo sinh viên học nghề được đào tạo giống nhau dù học ở đâu.

Hơn nữa, nó cũng giúp nhà tuyển dụng tin tưởng hơn vào trình độ của người lao động, dù họ không học việc tại công ty mình.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo kép coi đây là hình thức tuyển dụng nhân sự tốt nhất. Việc trực tiếp đào tạo nhân viên giúp họ tiết kiệm chi phí tuyển dụng và tránh trường hợp tuyển người không phù hợp. Đầu tư vào đào tạo là yếu tố quan trọng để thành công trong môi trường ngày càng cạnh tranh.

Lợi ích chính từ chương trình học việc là người học được đào tạo phù hợp thị trường. Thời đại kỹ thuật số, mọi thứ phát triển không ngừng, nếu không học hỏi những thứ mới nhất, phù hợp thực tế, người học sẽ khó tìm việc làm. Chương trình học việc ở Đức giải quyết vấn đề này.

Chương trình vừa làm vừa học giúp sinh viên có thu nhập, doanh nghiệp đào tạo được người lao động theo nhu cầu. Ảnh: Bloomberg.

Châu Âu và thế giới ngày càng coi giáo dục, đào tạo nghề dựa trên quá trình làm việc thực tế rất quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhiều quốc gia có nhu cầu hợp tác với Đức trong lĩnh vực này. Vì thế, Bộ Giáo dục Liên bang Đức tích cực hỗ trợ các sáng kiến giáo dục nghề nghiệp Liên minh Học nghề châu Âu do Ủy ban châu Âu đưa ra.

Cùng Bộ Giáo dục các nước có hệ thống kép (Áo, Thụy Sĩ, Luxembourg, Đan Mạch), Bộ Giáo dục Đức triển khai công cụ thực tập trực tuyến, hỗ trợ những nước muốn thực hiện hệ thống giáo dục và đào tạo kép trong toàn khối.

Đức cũng hợp tác song phương với các nước Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italy, Slovakia, Latvia cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về phát triển dạy nghề chất lượng cao.

Bách Linh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/he-thong-kep-o-nen-giao-duc-nghe-nghiep-hang-dau-the-gioi-post1018016.html