Hệ thống đăng ký và thông tin đất đai tại Việt Nam: Hướng tới đồng bộ, tích hợp dữ liệu

Công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày một hoàn thiện, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đáp ứng tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, lĩnh vực đăng ký đất đai, hệ thống thông tin đất đai nói riêng là công việc phức tạp và đòi hỏi chuyên môn, đặc biệt là việc đăng ký liên quan đến đảm bảo quyền sử dụng đất.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, đến nay, công tác đăng ký đất đai và hệ thống thông tin đất đai của Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể như: Trên 70% diện tích quốc gia đã đo đạc lập bản đồ địa chính.

63 tỉnh, thành phố đều đạt tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận chung cho các loại đất trên 85%. 32 tỉnh, thành phố chính thức đưa cơ sở dữ liệu vào vận hành, khai thác, sử dụng, trong đó một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long... đã kết nối với Tổng cục Thuế để liên thông thuế, để trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan Tài nguyên Môi trường.

Hiện nay, Thông tư số 5/2017/TT-BTNMT ngày 25-4-2017 đã quy định kỹ thuật về chuẩn dữ liệu cho cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai... Thông tư số 75/2015/TT-BTNMT ngày 28-12-2015 của Bộ trưởng Bộ TN&MT chỉ quy định kỹ thuật về chuẩn dữ liệu cho cơ sở dữ liệu địa chính, chưa ban hành kiến trúc tổng thể hệ thống thông tin đất đai, dữ liệu đất đai qua nhiều thời kỳ, nhưng thực tế đang được lưu trữ và quản lý ở dạng giấy và dạng số.

Các địa phương áp dụng khác nhau trong phân tán cấp tỉnh, huyện... dẫn đến khó khăn trong việc đồng bộ và tích hợp dữ liệu. Bộ TN&MT quyết định lựa chọn mô hình kiến trúc của hệ thống thông tin đất đai theo mô hình: Tập trung hoàn toàn tại Trung ương; tập trung hai cấp (cấp Trung ương và cấp tỉnh); phân tán cấp tỉnh, cấp huyện...

Hiện nay, lĩnh vực hệ thống thông tin đất đai có nhiều công nghệ nền đang được áp dụng như các phần mềm VILIS 2.0, ELIS, TMV.LIS, nhiều phần mềm hỗ trợ cho công tác xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu địa chính như phần mềm SouthLis (2014); phần mềm DongNai Lis (2015), phần mềm Vietlis (2016) đang vận hành thử nghiệm tại một số xã, phường thuộc tỉnh Bắc Ninh và thành phố Đà Nẵng. Tuy vậy, việc chưa quyết định áp dụng thống nhất công nghệ nền dẫn đến công tác đào tạo, quản lý, vận hành và bảo trì khó khăn.

Thực tế, Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai trực thuộc Tổng cục Quản lý đất đai nhưng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên là đơn vị hỗ trợ về công nghệ thông tin, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Tại các địa phương, Văn phòng Đăng ký đất đai là đơn vị vận hành hệ thống thông tin đất đai, còn Trung tâm thông tin trực thuộc Sở TN&MT là đơn vị hỗ trợ về công nghệ thông tin, công tác bảo đảm an toàn và an ninh thông tin. Tại một số tỉnh triển khai Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, bộ phận Công nghệ thông tin hỗ trợ công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn và an ninh thông tin... nên gặp nhiều vướng mắc.

Ông Phạm Ngô Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT cho rằng: Với mục tiêu tổng thể xây dựng hệ thống thông tin đất đai hiện đại, thống nhất trên phạm vi cả nước, cần xây dựng kiến trúc hiện đại và chuẩn mực; đáp ứng đặc thù về phân cấp quản lý, vùng, miền, Trung ương và địa phương; tiết kiệm chi phí, sử dụng một cách có hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin đã đầu tư.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia cần được xây dựng thống nhất, phục vụ đa mục tiêu: thống nhất về dữ liệu. Về chuẩn kỹ thuật, giao tiếp, đáp ứng cải cách hành chính của ngành quản lý đất đai. Đồng thời, khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn cũng cần được hoàn thiện làm nền tảng để xây dựng, duy trì và phát triển hệ thống thông tin đất đai; chuẩn hóa, thống nhất các quy trình nghiệp vụ trong quản lý đất đai trên phạm vi cả nước.

Hiện Việt Nam đang áp dụng và vận hành thử nghiệm nhiều phần mềm hỗ trợ trong công tác xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu địa chính do Hàn Quốc hỗ trợ xây dựng. Tuy nhiên, do chưa quyết định áp dụng thống nhất công nghệ nên công tác quản lý trong hệ thống đăng ký và thông tin đất đai tại Việt Nam cần tiếp tục được hoàn thiện.

Chia sẻ kinh nghiệm về đăng ký đất đai và hệ thống thông tin đất đai, bà Victoria Abbott, Cơ quan Đăng ký đất đai Vương quốc Anh cho biết: Cơ quan Đăng ký đất đai Hoàng gia Anh và xứ Wales đang áp dụng một hệ thống đăng ký đất đai duy nhất góp phần nâng cao nhận thức về nhu cầu đăng ký giao dịch đất đai và thay đổi tình trạng đất đai.

Mặc dù là cơ quan quốc gia, nhưng vẫn có thể hoạt động thông qua các văn phòng địa phương, nơi các nhân viên được đào tạo tập trung và tuân thủ các tiêu chuẩn. Khi dịch vụ số được phát triển hơn, nhu cầu về văn phòng địa phương sẽ giảm đi.

Từ tháng 4-2017 đến tháng 3-2018, Cơ quan Đăng ký đất đai Hoàng gia Anh và xứ Wales đã nhận được 32,5 triệu đơn đăng ký, trong đó có 94,8% được thực hiện thông qua các kênh điện tử, số lượng đăng ký điện tử đang tăng lên hàng năm.

Diệu Thúy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dia-oc/he-thong-dang-ky-va-thong-tin-dat-dai-tai-viet-nam-huong-toi-dong-bo-tich-hop-du-lieu-518589/