Hệ thống 3 trung vệ lên ngôi tại Euro 2020

Sơ đồ chiến thuật dựa trên nền tảng 3 trung vệ không phải là phát kiến mới, nhưng nó vẫn liên tục được cải tiến và sử dụng ngày càng rộng rãi hơn. Có vẻ như sơ đồ này đang lên ngôi ở mùa giải 2020 - 2021 với Inter Milan vô địch Serie A...

Sơ đồ chiến thuật dựa trên nền tảng 3 trung vệ không phải là phát kiến mới, nhưng nó vẫn liên tục được cải tiến và sử dụng ngày càng rộng rãi hơn. Có vẻ như sơ đồ này đang lên ngôi ở mùa giải 2020 - 2021 với Inter Milan vô địch Serie A, Chelsea vô địch Champions League và Manchester City vô địch Ngoại hạng Anh thường xuyên sử dụng hệ thống này. Không nằm ngoài xu thế hiện đại, có khá nhiều đội bóng sử dụng sơ đồ 3 trung vệ tại Euro 2020 và thu được những thành quả không tệ.

Hệ thống này được xây dựng dựa trên 3 trung vệ làm trung tâm ở giữa, cùng 2 hậu vệ biên cơ động 2 bên. Nó có thể biến hóa thành nhiều sơ đồ chiến thuật khác nhau như: 3-5-2, 5-3-2, 5-4-1 hoặc 3-4-1-2… Ưu điểm của sơ đồ chiến thuật này là tính cơ động, giúp chuyển đổi qua lại giữa hình thái phòng ngự cũng như tấn công với tốc độ rất cao. Ở hình thái phòng ngự, với 5 hậu vệ cùng 3 đến 4 cầu thủ “đổ bê tông” khu vực trước vòng cấm địa, sơ đồ này tạo nên một hệ thống phòng ngự vững chắc. Ở hình thái tấn công, với việc 2 hậu vệ biên dâng cao hỗ trợ tấn công, sơ đồ này sẽ tạo nên sự vượt trội về mặt quân số ở khu vực giữa sân, khả năng cung cấp bóng rất tốt từ 2 biên, làm đa đạng thêm các mảng miếng tấn công. Những đội bóng có ý đồ chơi chắc chắn, chơi phòng ngự tấn công, hoặc muốn tấn công mạnh từ 2 biên rất ưa thích hệ thống chiến thuật này.

Điểm quan trọng nhất của hệ thống chiến thuật này chính là vị trí 2 cầu thủ chạy cánh, hay còn gọi là wing-back. Đây chính là mấu chốt giúp cho hệ thống có thể chuyển đổi qua lại giữa 2 trạng thái phòng ngự và tấn công một cách nhuần nhuyễn. Khi lùi họ có thể hỗ trợ phòng ngự, khi công họ có thể dâng cao hỗ trợ tấn công, và hiển nhiên lên công về thủ đều đặn là điều bắt buộc, dẫn đến những yêu cầu khá cao đối với vị trí này. Ta có thể thấy Hungary đã chơi 3-5-2 mà thực ra là 5-4-1 vững chắc như thế nào trong trận hòa Pháp 1-1; Ba Lan cũng đã cầm hòa 1-1 trước Tây Ban Nha với sơ đồ 3-4-2-1 mà thường xuyên là 5-3-1-1; Scotland cầm hòa Anh 0-0 với sơ đồ 3-5-2… Hoặc Bỉ đã có liên tiếp 2 chiến thắng trước Nga và Đan Mạch với sơ đồ 3-4-3 tấn công cống hiến; cũng phải nhắc tới trận đấu cực hay của đội tuyển Đức thắng đậm đội tuyển Bồ Đào Nha 4-2 đã sử dụng sơ đồ 3 trung vệ, cụ thể là 3-4-2-1.

Trên thực tế, Huấn luyện viên Joachim Low có trong tay khá nhiều cầu thủ đã rất quen thuộc với sơ đồ này. Đó là Robin Gosens chuyên chạy biên tại Atalanta; Antonio Rudiger, Kai Havertz và Timo Werner đã “thấm nhuần” sơ đồ 3 trung vệ tại Chelsea; những cầu thủ thuộc biên chế Bayern Munich như Joshua Kimmich, Thomas Mueller, Serge Gnabry, Leroy Sane… cũng không lạ lùng gì lối chơi này. Đó là lý do tại sao đội tuyển Đức đã sử dụng sơ đồ 3 trung vệ với wing-back là Joshua Kimmich và Robin Gosens nhuần nhuyễn, lợi hại đến như vậy. Với “đôi cánh” cực kỳ xuất sắc, đội tuyển Đức đã không cần bất cứ tiền đạo cắm thực thụ nào mà vẫn dễ dàng đánh bại đội tuyển Bồ Đào Nha.

Có thể thấy, dù là phòng ngự phản công hay tấn công cống hiến, chỉ cần có một “đôi cánh” đủ tiêu chuẩn, sơ đồ 3 trung vệ đều mang đến sự lợi hại. Muốn đối phó với sơ đồ này, đối phương có thể khai thác khoảng không sau lưng 2 hậu vệ biên khi họ dâng cao. Để làm được điều này cũng không đơn giản, bởi nó cần sự chuẩn xác và đồng bộ cao trong những pha phản công, điều thường khó làm tốt khi thời gian tập trung cho đội tuyển quốc gia thường không đủ nhiều. Do đó, hệ thống 3 trung vệ chắc chắn sẽ còn không gian phát triển rất lớn tại Euro 2020.

Trần Khánh

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/the-thao/the-thao-quoc-te/202106/he-thong-3-trung-ve-len-ngoi-tai-euro-2020-8219492/