Hệ sinh thái MBLand biến đổi ra sao kể từ khi Tập đoàn Mường Phăng xuất hiện?

Sự xuất hiện của Tập đoàn Mường Phăng đã đặt Tổng công ty MBLand vào một mạng lưới sở hữu, liên kết phức tạp.

Hệ sinh thái MBLand biến đổi ra sao kể từ khi Tập đoàn Mường Phăng xuất hiện?

Hệ sinh thái MBLand biến đổi ra sao kể từ khi Tập đoàn Mường Phăng xuất hiện?

Đơn vị đã mua lô cổ phần (31,02%) của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) tại MBLand năm 2018 là Tập đoàn Mường Phăng của ông Nguyễn Gia Long. Đây cũng được cho là đơn vị đã mua lô cổ phần (65,29%) của Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB AMC) để trở thành chủ sở hữu mới của MBLand.

Ông Nguyễn Gia Long: Gạch nối giữa Tài Nguyên và MBLand

Tập đoàn Mường Phăng có trụ sở tại tòa nhà Thăng Long, số 98A Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Chủ sở hữu là ông Nguyễn Gia Long (chủ tịch HĐQT, nắm 70% vốn). 30% còn lại được chia đều cho ông Nguyễn Gia Khoa (em trai ông Long) và ông Nguyễn Bá Huấn.

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2016 – 2019, Mường Phăng không phát sinh doanh thu và liên tục báo lỗ với mức lỗ khá lớn. Cụ thể, năm 2016, Mường Phăng lỗ 2,2 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 3,5 triệu đồng, năm 2018 lỗ 30,6 tỷ đồng và năm 2019 lỗ 11,3 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của Mường Phăng có diễn biến đáng chú ý khi duy trì ở ngưỡng rất thấp trong giai đoạn 2016 – 2017 (chỉ 3,4 tỷ đồng) nhưng đã đột ngột tăng mạnh trong năm 2018, lên 64,8 tỷ đồng. Đây cũng là năm Mường Phăng thâu tóm 31,02% cổ phần MBLand từ VNH. Vốn chủ sở hữu của Mường Phăng sau đó tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019, lên 155,5 tỷ đồng.

Tại ngày cuối cùng của năm 2019, Mường Phăng có tổng tài sản 198,8 tỷ đồng, nợ phải trả là 43,3 tỷ đồng và khoản lỗ lũy kế 44,5 tỷ đồng!

Sau khi thâu tóm thành công cổ phần từ tay VNH, ông Nguyễn Gia Long đã ngồi vào ghế tổng giám đốc MBLand, sau đó là ghế chủ tịch HĐQT.

Ngoài Mường Phăng và MBLand, ông Long cũng được biết tới rộng rãi là chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Tài Nguyên (HoSE: TNT) – nơi mà ông Nguyễn Bá Huấn (người sở hữu 15% Mường Phăng) làm tổng giám đốc. Đây là căn nguyên của mối liên hệ làm ăn giữa Tài Nguyên và MBLand hiện nay, ví như hai bên đã cùng góp vốn để triển khai các dự án tại Hà Tĩnh (Thiên Lộc Complex) hay Khánh Hòa (Resilent Field)…

Ông Nguyễn Gia Long hiện cũng đồng thời làm chủ tịch HĐQT và/hoặc CEO của một loạt doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái MBLand, như: CEO của MBLand Đà Nẵng, CEO của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 41, chủ tịch HĐQT Công ty tịch Công ty Cổ phần Khu đô thị Nam Trường Chinh, chủ tịch kiêm CEO của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại VN CCG, chủ tịch kiêm CEO của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nguyên Hưng.

Bà Lâm Thị Thúy – “Đầu mối” của những thế lực phía sau

Tại MBLand, nhân vật quan trọng thứ hai sau ông Nguyễn Gia Long là bà Lâm Thị Thúy (phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc). Với ông Long, bà Thúy là “gương mặt thân quen” bởi trước đây, bà có 3 năm đảm nhiệm cương vị trưởng ban kiểm soát tại Công ty Cổ phần Tài Nguyên, trước khi rời đi vào tháng 10/2018 - tức một tháng trước khi Tài Nguyên mua cổ phần MBLand từ VNH.

Bà Lâm Thị Thúy, ở một khía cạnh khác, lại là phó chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư F&S – đơn vị đã cùng Mường Phăng tham gia mua cổ phần MBLand từ VNH nói trên.

Đầu tư F&S được thành lập cuối năm 2017, có trụ sở tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đại diện pháp luật là Chủ tịch HĐQT Trần Anh Bình, tổng giám đốc là Trần Huy Đức.

Tình hình kinh doanh của F&S khá lạ, khi doanh thu và lợi nhuận diễn biến ngược chiều nhau. Cụ thể, năm 2018, nếu doanh thu chỉ là 425 triệu đồng thì lãi sau thuế đạt tới 20,7 tỷ đồng còn năm 2019, khi doanh thu tăng lên 10,9 tỷ đồng thì lãi sau thuế lại chỉ vỏn vẹn 8,8 triệu đồng.

Tổng tài sản của Đầu tư F&S biến động mạnh trong giai đoạn 2018 – 2019, từ 584 tỷ đồng giảm còn 292 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu giữ nguyên ở mức 281,7 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là trong năm 2018, nợ phải trả của Đầu tư F&S rất lớn (thực tế đạt 302 tỷ đồng) trước khi giảm mạnh vào năm tiếp theo (còn 10,3 tỷ đồng).

2018 cũng là năm Đầu tư F&S tham gia mua cổ phần MBLand từ tay VNH, bởi vậy không loại trừ khả năng đơn vị này đã gia tăng vay mượn để tham gia “game” tại MBLand.

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy Đầu tư F&S có liên quan tới Công ty TNHH MTV Đông Phú 1932. Doanh nghiệp này thành lập vào tháng 12/2016, đại diện pháp luật là CEO Lương Hồng Thái.

Đông Phú 1932 không ghi nhận doanh thu trong suốt giai đoạn 2016 – 2019, lãi sau thuế cũng đều là số âm trong các năm 2017 – 2019, lần lượt là -4,9 triệu đồng, -30,6 triệu đồng, -15 triệu đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu của công ty lại khá lớn, đạt 68,5 tỷ đồng vào năm 2018 và 140,5 tỷ đồng vào năm 2019.

Đông Phú 1932 lại có liên quan tới 2 pháp nhân khác là Công ty Cổ phần MBLand Tonkin Hội An (thành lập tháng 5/2018, đại diện pháp luật là CEO Nguyễn Thị Mỹ Uyên) và Công ty Cổ phần Utopia Gaz (thành lập tháng 2/2018, chủ tịch kiêm CEO là Vũ Thị Mai Lan).

MBLand Tonkin Hội An có hoạt động kinh doanh quá mờ nhạt để nhắc tới. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là doanh nghiệp này có công ty con là Công ty Cổ phần Tonkin Thanh Hà (tại Hội An – Quảng Nam), nơi CEO Nguyễn Thị Mỹ Uyên nắm 0,75% vốn cùng tỷ lệ với bà Mai Thị Anh Đào. Chủ tịch HĐQT của Tonkin Thanh Hà là ông Vũ Việt Dũng – người từng làm CEO của MBLand Đà Nẵng, nơi Chủ tịch MBLand Nguyễn Gia Long hiện là CEO.

Về Utopia Gaz, công ty này có 2 pháp nhân liên kết là MBLand Tonkin Hội An và Công ty Cổ phần MBLand Tonkin Properties Quảng Ninh (lập tháng 4/2018 do ông Trần Anh Đức làm CEO).

Một pháp nhân khác có liên quan tới Đầu tư F&S là Công ty TNHH B&F. Doanh nghiệp này thành lập tháng 2/2017 do ông Lê Duẩn làm CEO. Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy Đầu tư F&S chính là 1 trong 3 công ty con của Công ty B&F, cùng với Công ty Cổ phần Utopia Gaz và Công ty TNHH Anh Đức Việt Nam.

Công ty B&F có tổng tài sản 177 tỷ đồng (năm 2019). Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh lại khá trồi sụt. Năm 2018, công ty không ghi nhận doanh thu nhưng báo lãi 20,6 tỷ đồng, năm 2019 doanh thu đạt 5,2 tỷ đồng nhưng lại báo lỗ 7,8 triệu đồng.

Pháp nhân thứ ba có liên quan đến Đầu tư F&S là Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Field Quốc tế. Công ty này thành lập tháng 1/2016, do CEO Vũ Anh Tuấn làm đại diện pháp luật. Danh sách cổ đông cá nhân của công ty này ghi nhận sự xuất hiện của bà Vũ Thị Mai Lan (đã thoái vốn), Nguyễn Thị Hiền (0,5%) và Tạ Duy Cường (0,5%).

Ngoài liên kết với Đầu tư F&S, Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Field Quốc tế còn liên quan 2 pháp nhân khác là MBLand Đà Nẵng, MBLand Nha Trang – công ty con hiện nay của Tổng công ty MBLand.

Xâu chuỗi các pháp nhân nói trên (đặc biệt là 3 pháp nhân Đông Phú 1932, B&F và Đầu tư Golden Field Quốc tế), có thể tìm thấy một gương mặt có liên quan sau cùng: Công ty Cổ phần Tập đoàn Tasmania & Partner.

Công ty này được sở hữu 100% bởi bà Vũ Thị Hương Giang. 2 cổ đông cá nhân đã thoái vốn là bà Vũ Thị Mai Lan và bà Nguyễn Thị Huyên. CEO của Tasmania & Partner là ông Trần Anh Đức.

Các công ty con của Tasmania & Partner gồm Công ty Cổ phần MBLand Tonkin Hội An, Công ty TNHH MTV Đông Phú 1932. Trong khi đó, công ty liên kết là Công ty Cổ phần Utopia Gaz.

Trên website của mình, Tasmania & Partner cũng đã tự giới thiệu là “tập đoàn đa ngành, đã và đang đầu tư một số dự án trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực tài chính - bất động sản - du lịch dịch vụ dưới thương hiệu của một số công ty con - công ty liên kết như MBland Holdings, Đầu tư F&S, Tonkin Properties, Golden Field”.

Được biết, trong giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của Tasmania & Partner có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, từ 90,6 tỷ đồng lên 430 tỷ đồng, đa phần được tài trợ bởi vốn chủ sở hữu (tăng từ 33,4 tỷ đồng lên 423,9 tỷ đồng).

Dù có quy mô vốn lớn nhưng hoạt động kinh doanh của công ty này không nổi bật khi doanh thu và lợi chỉ loanh quanh vài tỷ đồng, thậm chí năm 2019 còn là số âm (-1,9 tỷ đồng)….

(Còn tiếp)

Ái Châu Tử

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/he-sinh-thai-mbland-bien-doi-ra-sao-ke-tu-khi-tap-doan-muong-phang-xuat-hien-20180504224250986.htm