Hệ quả từ 'chủ nghĩa phiêu lưu' của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo truyền thông Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy chủ nghĩa phiêu lưu và theo đuổi chính sách bành trướng tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Điều này đang gây ra những hệ quả khó lường.

Không nhiều người biết rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang sở hữu một căn cứ quân sự ở Mogadishu, đồng thời đại sứ quán có quy mô lớn nhất thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được đặt trụ sở tại thủ đô của Somalia.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ từng duy trì sự hiện diện ở đảo Suakin của Sudan, song kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại đây đã sụp đổ sau khi Tổng thống Omar Al-Bashir bị quân đội Sudan phế truất hồi tháng 4 năm ngoái, trong khi giới lãnh đạo mới ở Khartoum quyết định hủy bỏ tất cả các thỏa thuận quân sự với Ankara.

Liệu những “vòng tròn quân sự” của Thổ Nhĩ Kỳ đang nằm rải rác trên bản đồ khu vực là thành quả của một chính sách được lên kế hoạch tinh vi hay chỉ là một dự án bành trướng đầy tham vọng nhất thời?

Trong những năm đầu của cuộc xung đột tại Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dường như vẫn còn lưỡng lự khi không muốn vượt qua lằn ranh quân sự.

Tuy nhiên, các lực lượng của Ankara đã tiến sâu bên trong lãnh thổ Syria nhằm mục tiêu xây dựng một “vùng đệm an toàn” để kiểm soát người Kurd, cho dù đã phải nhận không ít thất bại trong các cuộc đụng độ với lực lượng của chính quyền Damascus với sự hậu thuẫn của Nga.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới với Syria. Ảnh tư liệu

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới với Syria. Ảnh tư liệu

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Erdogan rất muốn phát đi những tin tích cực về chiến thắng của quân đội nước này ở “mặt trận Libya” tới người dân Thổ Nhĩ Kỳ, những người đang chán nản và mất niềm tin vào chính phủ do điều kiện sống nghèo nàn và nền kinh tế đất nước suy thoái.

Kế hoạch của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là truyền bá một thông điệp đầy hứa hẹn tới người dân về những lợi ích mà Ankara sẽ thu được tại Libya khi đưa quân tới hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA), trong đó đáng chú ý nhất là việc ký kết các thỏa thuận dầu mỏ với GNA và dự định đầy tham vọng nhằm mở rộng hợp tác hàng hải và thăm dò thêm nhiều mỏ dầu khí ở khu vực Địa Trung Hải bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Hy Lạp.

Tuy nhiên, những tin vui đó thực tế cũng chỉ được coi là “liều thuốc” kích thích tinh thần của người dân Thổ Nhĩ Kỳ và không thể khỏa lấp những vấn đề chính trị mà Ankara đang phải đối mặt.

Giới quan sát cho rằng, những tổn thương mà Thổ Nhĩ Kỳ gây ra trong khu vực, trong đó Ankara nhận được nguồn ngân sách tài trợ lớn từ Qatar, là yếu tố cần quan sát và không thể bị đánh giá thấp.

Thật vậy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang đi theo lộ trình tương tự như chính quyền Iran đã thực hiện, thông qua các kế hoạch bành trướng quân sự trong khu vực, đặc biệt là hậu thuẫn các lực lượng ủy nhiệm ở Syria, Iraq và Yemen.

Dựa trên mô hình của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng các nhóm đánh thuê nước ngoài trong cuộc chiến ở Libya và cũng có những báo cáo về sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ ở Yemen.

Bên cạnh đó, Ankara còn đã sử dụng các nhóm phiến quân tại Syria để tấn công chính người Kurd thuộc Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Câu hỏi đặt ra là chủ nghĩa phiêu lưu và sự tăng cường hiện diện căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực đã cho thấy Tổng thống Erdogan đang có những toan tính như thế nào và kết quả ra sao?

Tháng 12 năm ngoái, Malaysia đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo “thu nhỏ” với sự tham dự của Tổng thống Erdogan, cùng người đồng cấp Iran, Indonesia và Quốc vương Qatar, với trọng tâm thảo luận về các vấn đề của thế giới Hồi giáo.

Tại hội nghị, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng thể hiện vai trò dẫn dắt với mong muốn biến hội nghị thượng đỉnh này trở thành một diễn đàn thay thế cho Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.

Tuy nhiên, mục tiêu đó đã thất bại và Malaysia sau đó đã cố gắng làm rõ rằng các tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ không phản ánh quan điểm của Kuala Lumpur.

Mặt khác, dự án của ông Erdogan kêu gọi xây dựng một thế lực khu vực song song với Iran và thậm chí có thể thay thế nước Cộng hòa Hồi giáo, với lý do rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran đã làm nước này suy yếu đáng kể.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, với 80 triệu dân, đảm nhận vai trò khu vực ở Trung Á song không thành công nhiều nếu so với Nga và Iran. Khác với Saudi Arabia và Iran, hai nước vốn có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia không sở hữu nguồn lực tài chính đáng kể khi nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào khách du lịch từ Nga, thị trường châu Âu và kiều hối từ các nước phương Tây.

Đây cũng là lý do vì sao Tổng thống Erdogan đang phải dựa vào sự hỗ trợ kinh tế của Qatar để giúp Ankara tránh khỏi nguy cơ khủng hoảng, khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế và khiến đồng nội tệ lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá mạnh.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì hiện diện ở cả 3 vùng biển: Biển Đen, Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Tuy nhiên, trong dài hạn, kết quả của tham vọng mở rộng chính trị và quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể giúp chính quyền Ankara gia tăng ảnh hưởng hơn nữa do Thổ Nhĩ Kỳ không thể đơn phương hành động trong một khu vực rộng lớn và nếu không có những đồng minh hùng mạnh bên cạnh.

Ngoài ra, Tổng thống Erdogan vẫn đang đối mặt với những “bài toán” chưa có kết quả rõ ràng, từ cuộc chiến ở Syria, giải quyết các hợp đồng vũ khí với Nga và bất đồng quân sự với Mỹ.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/he-qua-tu-chu-nghia-phieu-luu-cua-tho-nhi-ky-197614.html