Hệ quả gì từ việc thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương?

Việc hàng loạt ngân hàng trung ương toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại là điều đã được báo trước, khi mà trải qua một thời gian dài duy trì chính sách nới lỏng để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 đến nay.

Hàng loạt ngân hàng trung ương nâng lãi suất

Ngân hàng trung ương Anh (BOE) hôm qua đã quyết định nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 0,75%, trong bối cảnh thị trường lao động và tín dụng của nước này tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua. Đây chỉ mới là lần tăng lãi suất lần thứ hai của nước này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu năm 2008. Trước đó vào tháng 11/2017, BOE đã nâng lãi suất từ 0,25% lên 0,5% - lần nâng lãi suất đầu tiên trong hơn 10 năm.

Bất chấp những bất ổn từ sự kiện Brexit gây ra, BOE cho biết nếu các dự báo kinh tế vĩ mô diễn ra đúng như dự báo, thì họ sẽ phải nâng lãi suất thêm một cách từ từ. Trong báo cáo lạm phát mới nhất công bố trong ngày thứ Năm (2/8), BOE dự báo giá tiêu dùng sẽ chạm mức 2,2% trong năm 2019 và 2,1% vào năm 2020. Quyết định nâng lãi suất 2 lần gần đây đã đảo ngược chu kỳ cắt giảm lãi suất trong tháng 8/2016 khi xuất hiện cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.

Trước đó một ngày, trong cuộc họp hôm 1/8 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này dù vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản tại 1,75-2%, tuy nhiên cũng cho biết lộ trình tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay là khá chắc chắn, dự kiến sẽ diễn ra trong cuộc họp tháng 9 và tháng 12, khi mà tăng trưởng kinh tế nước này đang quá nóng với mức 4,1% trong quý 2, trong khi thị trường lao đọng và lạm phát đã vượt mục tiêu đề ra.

Không chỉ ở các nước phát triển, những nền kinh tế nhỏ hơn cũng đang bắt đầu lộ trình thắt chặt dần chính sách trở lại. Ngân hàng trung ương Cộng hòa Séc hôm qua (2/8) cũng đã đánh dấu lần tăng lãi suất chính sách thứ 5 liên tiếp trong năm nay, với mức tăng 0,25% lên 1,25%, trong bối cảnh lạm phát nước này tăng nhanh khi nhảy vọt từ mức 2,2% trong tháng 5 lên 2,6% trong tháng 6, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 2% đề ra. Theo đó, kể từ tháng 8/2017, lãi suất của nước này đã tăng thêm 1,2%.

Một nền kinh tế lớn của châu Á là Ấn Độ hôm 1/8 cũng đã tăng lãi suất thêm 0,25%, từ mức 6,25% lên 6,5%, khi cho rằng tăng trưởng kinh tế nước này tiếp tục duy trì đà đi lên bền vững trong khi các yếu tố bất ổn như lạm phát và chiến tranh thương mại đang gây ra những rủi ro toàn cầu. Trong năm nay ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) đã có 2 lần tăng lãi suất, với tổng mức tăng là 0,5% khi mà lạm phát nước này vẫn nằm trên mốc 4%. Đồng nội tệ của Ấn Độ gần đây cũng đã giảm mạnh so với USD trước áp lực rút ròng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Rủi ro cho các thị trường tài sản

Việc hàng loạt ngân hàng trung ương toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại là điều đã được báo trước, khi mà đã trải qua một thời gian dài duy trì chính sách nới lỏng để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 đến nay. Với hàng loạt gói nới lỏng tiền tệ, cung tiền mở rộng đã đẩy giá các tài sản leo và hình thành nên những bong bóng tiềm ẩn.

Trong khi đó, những bất ổn vĩ mô cũng ngày càng tăng lên trước chính sách nới lỏng quá lâu. Lạm phát tại nhiều quốc gia gần đây đã leo thang chóng mặt và gây áp lực lên nền kinh tế nói chung, xóa sạch thành quả tăng trưởng đạt được. Với việc giá dầu tăng mạnh trong thời gian qua cùng với giá hàng hóa trên thị trường thế giới phục hồi, thì rủi ro lạm phát trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao là điều có thể thấy trước, do đó sớm thắt chặt chính sách trở lại là điều cần thiết.

Khi chính sách tiền tệ thắt chặt, các thị trường tài sản tất yếu sẽ bị ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là các thị trường vốn nhạy cảm như chứng khoán và bất động sản. Ngoài ra trong bối cảnh các nền kinh tế lớn tăng lãi suất thì dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng chảy về những quốc gia này, điều mà chúng ta đã thấy gần đây khi dòng vốn bị rút ra khỏi các thị trường cận biên và mới nổi với giá trị kỷ lục.

Ngoài ra, những tác động từ cuộc chiến tranh thương mại và tiền tệ đang diễn ra cũng khiến các nước phải đối mặt với khả năng đồng nội tệ bị mất giá mạnh mẽ, do đó việc tăng lãi suất được xem là giải pháp để ổn định giá trị đồng tiền, tránh việc bị mất giá quá mạnh mà có thể càng kích thích dòng vốn nước ngoài rút ra.

Như trong một thông báo của ngân hàng trung ương Ấn Độ cho biết: “Sự bảo hộ thương mại gia tăng đặt ra một rủi ro nghiêm trọng cho triển vọng tăng trưởng dài hạn trên toàn cầu, khi những hàng rào thuế quan tác động bất lợi đến đầu tư, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu và cản trở năng suất”.

Vì vậy, để đối phó với những bất ổn và rủi ro ngày càng gia tăng, thì việc thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, kiểm soát tín dụng, thu hẹp cung tiền dường như đang là xu hướng chính trong tình hình hiện nay.

ĐỒNG AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/he-qua-gi-tu-viec-that-chat-tien-te-cua-cac-ngan-hang-trung-uong-9396.html