Hé mở 'thành phố vàng' hơn 3.000 tuổi

Các nhà Ai Cập học do Tiến sĩ Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập, dẫn đầu đã tìm kiếm ngôi đền danh dự của vua Tutankhamun.

Tàn tích của “thành phố vàng” của vua Amenhotep III.

Tàn tích của “thành phố vàng” của vua Amenhotep III.

Những gì họ tìm thấy vô cùng ấn tượng, đó là một thành phố mê cung với những bức tường gạch bùn, tạo nên một đô thị cổ đại do ông nội của vua Tutankhamun là vua Amenhotep III xây dựng.

Công trình của Pharaoh giàu có nhất

Trên bờ sông Nile, tại thành phố Luxor tiếp giáp với Thung lũng các vị vua của Ai Cập, cách thủ đô Cairo khoảng 480km về phía Nam, 1 thế kỷ trước, các nhà khảo cổ phát hiện ra lăng mộ rất ấn tượng của vua Tutankhamun. Tuy nhiên, “thành phố vàng đã mất” do vua Amenhotep III xây dựng ấn tượng không kém.

“Do khu vực này gần với một số di tích lớn và vì đây là sa mạc tương đối bằng phẳng khiến gió tích tụ cát trên bề mặt rất nhanh và những bức tường gạch bùn cũng biến mất một cách dễ dàng” – nhà Ai Cập học Betsy Bryancủa ĐH John Hopkins nói về thành phố bị chôn dưới cát (bà không trực tiếp tham gia nghiên cứu này).

Trong vòng vài tuần sau khi bắt đầu khai quật, nhóm của ông Hawass phát hiện ra những viên gạch bùn có đóng dấu tên của vua Amenhotep III. Điều đó giúp họ ước tính thành phố được xây dựng cách đây 3.400 năm kể từ khi vua Amenhotep III cai trị từ năm 1391 trước Công nguyên đến năm 1353 trước Công nguyên.

“Tôi gọi nó là ‘thành phố vàng’ vì nó được xây dựng trong thời kỳ hoàng kim của Ai Cập”, ông Hawass nói.

Theo bà Betsy Bryan, vua Amenhotep III là “Pharaoh giàu có nhất”. Ông cai trị trong thời kỳ hòa bình và điều này giúp ông tích lũy được khối tài sản chưa từng có. “Ông ấy chưa bao giờ có chiến tranh.

Tất cả những gì ông ấy làm là ngồi đếm tiền trong suốt 40 năm, vì vậy ông ấy đã xây dựng không ngừng” – bà Bryan nói. Tuy nhiên, người ta chưa tìm thấy vị trí chính xác của “thành phố vàng” trong gần 1 thế kỷ nay.

“Nhiều phái bộ nước ngoài đã đến tìm kiếm và chưa bao giờ thấy nó”, ông Hawass nói trong một thông cáo báo chí và cho biết đây có thể là thành phố cổ đại lớn nhất từng được tìm thấy ở Ai Cập.

Vào năm 1934 và 1935, một nhóm khai quật của Pháp đã tới Luxor để tìm “thành phố vàng đã mất” nhưng không tìm thấy gì. Theo ông Hawass, nỗ lực này thất bại vì các nhà khảo cổ đã tìm nhầm chỗ.

Đến nay, nhóm của ông Hawass đã phát hiện ra tàn tích của thành phố trong một khu vực rộng ít nhất là 800 mét vuông nhưng có khả năng thành phố này lớn hơn nhiều.

Nó có thể kéo dài thẳng đến cung điện của vị vua này ở Malkata, cách bức tượng sinh đôi mô tả vua Amenhotep III có tên Colossi of Memnon khoảng 3km về phía Nam – theo bà Bryan.

Một phát hiện chưa từng có

Thành phố mới được phát hiện dường như được chia thành các khu công nghiệp và khu dân cư. Ở phía Nam, các nhà khảo cổ học tìm thấy một tiệm bánh cổ với khu vực nấu nướng và chuẩn bị bữa ăn, lò nướng và đồ gốm đựng thức ăn. Một khu phố khác lại có nhiều xưởng, một xưởng sản xuất gạch bùn dùng để xây đền thờ và xưởng sản xuất bùa hộ mệnh. Một phần khác của thành phố là các ngôi nhà.

Ngoài quy mô của thành phố, ông Hawass cho biết “số lượng hiện vật khổng lồ” mà nhóm của ông phát hiện được ở đó khiến đây trở thành một phát hiện khảo cổ chưa từng có.

Nó cho chúng ta thấy một cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống của người Ai Cập cổ đại vào thời điểm mà đế chế này đang ở thời kỳ giàu có nhất. Các tòa nhà bao quanh đường phố và có cả bức tường cao tới 2,7 mét.

Rải rác khắp các công trình trên, nhóm của ông Hawass tìm thấy những căn phòng chứa đầy đồ gốm, thủy tinh, đồ kim loại và các công cụ dệt vải. Người Ai Cập cổ từng sử dụng những đồ vật này trong cuộc sống hàng ngày của họ. Tuy nhiên, chúng chưa được chạm tới trong hàng thiên niên kỷ.

Ngoài ra, nhóm của ông Hawass cũng tìm thấy một nghĩa trang lớn ở phía Bắc thành phố. Tuy chưa xác định được nghĩa trang này rộng lớn như thế nào nhưng họ đã phát hiện ra một cụm ngôi mộ dưới lòng đất với cầu thang dẫn đến lối vào lăng mộ.

Tại một khu vực của nghĩa trang, họ tìm thấy một ngôi mộ chứa bộ xương với một sợi dây quấn quanh đầu gối. Ông Hawass vẫn đang xem xét lý do tại sao thi thể lại được chôn cất theo cách này.

“Đối với những người quan tâm đến con người và cách họ làm mọi thứ như chúng tôi, nơi này là một kho báu” – bà Bryan nói.

Gần nghĩa trang, nhóm của ông Hawass tìm thấy một mảnh gốm chứa thịt khô, có thể là của một người bán thịt tại một lò mổ. Chiếc bình có một dòng chữ chỉ ra rằng thịt này dành cho một lễ hội kỷ niệm sự cai trị của vua Amenhotep III.

Theo bà Bryan, cư dân thành phố là những thợ thủ công lành nghề, họ làm ra những bình gốm sứ, đồ thủy tinh và đồ trang trí đền thờ với tên gọi Amenhotep III. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của ông Hawass cũng đã phát hiện ra các bùa hộ mệnh, nhẫn và tráp rượu trong thành phố.

Còn nhiều bí ẩn nữa sẽ được tiết lộ khi bí mật của “thành phố vàng” tiếp tục xuất hiện nhưng những gì mà các nhà khảo cổ phát hiện được cho tới nay, có thể thấy sự giàu có, nhộn nhịp tại một thành phố Ai Cập thời hoàng kim.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/he-mo-thanh-pho-vang-hon-3000-tuoi-nT5BIiqMg.html