Hệ lụy và 'bài toán' giải nạn di cư tự do

Giai đoạn 2005-2017, số dân di cư tự do trên địa bàn cả nước có khoảng 67 nghìn hộ, trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên có 59 nghìn hộ. Theo con số báo cáo, hiện nay có khoảng 22 nghìn hộ dân di cư tự do ở khu vực Tây Nguyên, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) phía Bắc sống phân tán, rải rác ở nhiều vùng, các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hiện vẫn chưa dược di dời và bố trí chỗ ở. Hệ lụy của việc di dân tự do khiến cho nhiều cánh rừng bị tàn phá san phẳng để lấy đất canh tác, bùng nổ dân số, mù chữ…

Một hộ gia đình trẻ đông con ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Khánh Quốc

Những hệ lụy…

Từ năm 2000, đồng bào các DTTS phía Bắc ồ ạt di cư vào vùng đồi núi thuộc các thôn Ea Ul, Ea Uôl, Ea Rớt, Ea Bar, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) sinh sống. 6 thôn, buôn ở xã Cư Pui được xếp hạng nghèo và khó khăn bậc nhất, nhưng lại đua nhau dẫn đầu về tỷ lệ sinh đẻ. Nhiều phụ nữ mới 30 đến 32 tuổi nhưng đã là mẹ của 7 đứa con. Cũng không ít thiếu nữ mới 15, 16 tuổi cũng đã làm mẹ trước sự ái ngại của mọi người...

Anh Sính Hi Chá (SN 1980) và chị Sùng Thị Cỡ cưới nhau được 14 năm và có với nhau những 7 đứa con. Do quan niệm người Mông phải có con trai, vợ chồng anh Chá chưa dừng lại, nếu như chưa có “quý tử” nối dõi tông đường. Còn vợ chồng anh Giàng Chúng Vừ (trú tại thôn Ea Uôl), vì muốn có con gái nên đã sinh đến con thứ 7 mới đạt được nguyện vọng. Ngoài ra, còn có vợ chồng anh Dương Văn Dế (SN 1982) và chị Sính Thị Giàng (SN 1986) có tới 7 người con, 3 gái, 4 trai... Trong năm 2016, toàn xã Cư Pui có 295 trẻ em chào đời, trong đó có 89 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. 6 tháng đầu năm 2017, có 157 trẻ em sinh ra, trong đó có 51 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Xã Cư Pui hiện có 13 thôn, buôn với hơn 13 nghìn dân, trong đó chủ yếu là người đồng bào DTTS di cư tự do từ phía Bắc vào.

Tại địa bàn huyện biên giới Ea Súp, nạn tảo hôn cũng diễn ra khá nhức nhối, điển hình như tại địa bàn thôn Bình Lợi, những người phụ nữ thuộc thế hệ 9X, nhưng “sở hữu” một đàn con đông đúc, nheo nhóc. Thôn Bình Lợi được thành lập từ năm 2010, hiện có 380 hộ dân, trong đó có 98 hộ nghèo. Phần lớn hộ dân ở đây có từ 6 đến 7 đứa con, ít thì cũng từ 3 đến 4 con. Phụ nữ làm mẹ trẻ nhất ở tuổi 13 và 16.

Ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk GLông (tỉnh Đắk Nông) cho biết, chính quyền địa phương đang nỗ lực giúp đỡ hàng chục hộ dân sinh sống giữa lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 thuộc xã Đắk Som lên bờ để có cuộc sống ổn định. Những hộ dân di cư tự do đến từ các tỉnh ở miền Tây và từ Cam-pu-chia về hồ thủy điện lập nghiệp, kéo theo cả gia đình về sinh sống. Khi những đứa trẻ sinh ra, lớn lên hầu như chưa biết tiếng trống khai trường là gì, đất ở và đất sản xuất đều không có... Đây là vấn đề nhức nhối bấy lâu nay, chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. “Những hộ này di cư tự do và vẫn chưa được nhập hộ khẩu ở địa phương, con cái sinh ra chưa được khai sinh. Nhiều lần, chúng tôi cử cán bộ tiếp cận tuyên truyền các chính sách hỗ trợ... nhưng rất khó khăn. Do quỹ đất của địa phương không còn, nên chúng tôi chỉ hỗ trợ cho bà con được một phần mà thôi” – Ông Thuần nói.

Ngoài ra, ở những tỉnh khác như Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, nạn di cư tự do vẫn ồ ạt đến, khiến cho quỹ đất ở và đất sản xuất bố trí cho người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Hệ lụy của di cư tự do, ngoài việc làm tăng dân số, còn làm cho nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng thêm phức tạp. Hiện tại, 24.500 hộ dân di cư tự do đang sống phân tán, rải rác tại nhiều địa phương chưa có chỗ ở ổn định.

Tại một số tỉnh Tây Nguyên, nhiều khu vực theo quy hoạch là đất rừng, nhưng thực tế hiện nay không còn rừng, nhiều hộ dân di cư tự do đã lấn chiếm, tự ý xây dựng công trình, nhà ở, cư trú trái pháp luật trên phần diện tích này nhưng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Thực tế còn tồn tại nhiều điểm nóng về tranh chấp đất đai chậm được giải quyết, gây xung đột giữa người dân di cư tự do và dân sở tại, dẫn đến tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, gây mất an ninh, trật tự, có nơi hình thành băng nhóm tội phạm bảo kê, tranh chấp đất đai.

Dân di cư tự do sống tạm bợ ở thủy điện Đồng Nai 3, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Khánh Quốc

Tại Hội nghị “Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên” được tổ chức vào ngày 9-12, tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phần lớn dân di cư tự do là đồng bào DTTS, đều xuất thân từ các vùng do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vì kế sinh nhai, phải rời bỏ quê hương, tìm vùng đất mới làm ăn để có cuộc sống tốt hơn. Giải quyết vấn đề di dân tự do ở các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên không chỉ đúng pháp luật, mà còn phải hài hòa, linh hoạt, đồng bộ từ các cấp, các ngành. Mục đích cuối cùng là làm sao người dân di cư tự do có cuộc sống ổn định và phát triển, con cái được học hành, người già được chăm sóc, chữa bệnh, không ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng yêu cầu, nơi nào bà con đã đến rồi thì phải chủ động, tập trung nguồn lực, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, tạo mọi thuận lợi người dân có nơi cư trú hợp pháp, ổn định đời sống, sinh kế, có đất ở, đất sản xuất, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm an ninh. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường ở Tây Nguyên, xử lý dứt điểm và không để tái diễn các vụ việc vi phạm, khiếu nại, tranh chấp, lấn chiếm đất đai.

Mục tiêu đến năm 2020 là giảm thiểu tình trạng dân di cư tự do; ưu tiên thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định cho các hộ dân thực sự khó khăn. Hoàn thành dứt điểm 32 dự án bố trí ổn định dân di cư đang thực hiện. Bảo đảm mức sống của người dân di cư bằng mức trung bình của người dân địa phương.

Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí, sắp xếp toàn bộ số hộ dân di cư tự do vào các điểm dân cư theo quy hoạch.

Thủ tướng đồng ý, trước mắt về nguyên tắc bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương trong 2 năm 2019-2020 cho các dự án sắp xếp, ổn định dân cư (khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng). Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thành các thủ tục để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.

Khánh Quốc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/he-luy-va-bai-toan-giai-nan-di-cu-tu-do/