Hệ lụy sau vụ bắt Chủ tịch Nissan Motors

Vì được coi là một trong những lãnh đạo có ảnh hưởng hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp ôtô, nên vụ bắt Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn (tối 19-11, tại Nhật Bản) đang tạo ra những khoảng trống và tranh cãi xung quanh vấn đề này.

Bởi ông Carlos Ghosn có công lớn trong việc thành lập liên minh của 3 hãng ôtô hàng đầu thế giới, từng vực 2 hãng xe hàng đầu thế giới khỏi bờ phá sản nhờ tài cắt giảm chi phí, nhưng lại bị bắt với cáo buộc sai phạm tài chính nghiêm trọng trong nhiều năm - không khai báo đầy đủ thu nhập và sử dụng tài sản công ty vào mục đích riêng.

Ngoài Nissan, ông Carlos Ghosn còn là Chủ tịch của Renault và Mitsubishi Motors, và liên minh Renault, Nissan và Mitsubishi Motors hiện có tới 470.000 nhân viên, 122 nhà máy, bán hơn 10 triệu xe trong năm ngoái, nên vụ bắt giữ chắc sẽ ảnh hưởng tới "nồi cơm" của họ. Nếu bị kết luận có tội, ông Carlos Ghosn sẽ phải đối mặt với mức án 10 năm tù, cùng khoản phạt 10 triệu yen (khoảng 88.610 USD).

Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn.

Tại cuộc họp báo tối 19-11, đại diện Nissan xác nhận, ngoài Chủ tịch Carlos Ghosn còn có Giám đốc đại diện Greg Kelly cũng bị bắt. CEO Nissan Hiroto Saikawa cũng xác nhận, sẽ triệu tập cuộc họp hội đồng quản trị để sa thải Chủ tịch Carlos Ghosn và ông Greg Kelly, sau khi họ bị bắt.

Đồng thời khẳng định, vụ bắt giữ Chủ tịch Carlos Ghosn sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác giữa Nissan với Renault và Mitsubishi. Nissan cũng tuyên bố, ông Carlos Ghosn đã làm giả các báo cáo nộp lên Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo và có hành vi sai trái nghiêm trọng như biển thủ quỹ công ty cho mục đích cá nhân.

Được biết, hàng trăm phóng viên đã có mặt tại trụ sở của Nissan ở Tokyo để tiếp tục đưa tin về vụ việc này. Theo cáo buộ#c của Văn phòng Công tố Tokyo, ông Carlos Ghosn bị bắt vì không khai đầy đủ thu nhập với khoản tiền lên tới 5 tỷ yen (khoảng 44 triệu USD). Việc này đã vi phạm Luật Sàn giao dịch và Các công cụ Tài chính của Nhật Bản.

Ngày 20-11, phát biểu trên đài phát thanh France Info, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết, đã chỉ đạo cơ quan chức năng thẩm tra vấn đề thuế của ông Carlos Ghosn ngay sau khi biết tin, nhưng "không thấy có gì bất thường" trong việc nộp thuế của nhân vật này tại Pháp.

Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố, Pháp sẽ thận trọng trước số phận của Renault, cũng như mối quan hệ liên danh với Nissan sau vụ bắt ông Carlos Ghosn. Bởi ngay sau khi tin ông Carlos Ghosn bị bắt được đăng tải, cổ phiếu của hãng Renault đã mất giá 12% trong ngày giao dịch 19-11.

Giá cổ phiếu của Nissan và Mitsubishi cũng giảm mạnh vì việc này. Kết thúc phiên giao dịch sáng 20-11, cổ phiếu của Nissan chốt ở mức 962 yen, giảm 43,5 yen (tương đương mức giảm 4,3%), đây là mức thấp nhất của hãng này kể từ tháng 7-2016. Còn giá cổ phiếu của Mitsubitsi giảm 7,1%, uống còn 678 yen/cổ phiếu. Theo giới truyền thông, vì nhận lương của cả 3 hãng xe (Renault, Nissan và Mitsubishi), nên ông Carlos Ghosn từng bất đồng với Chính phủ Pháp về thù lao của mình tại Renault, bị nhiều cổ đông phản đối ở Nhật Bản.

Ông Carlos Ghosn được trả 1,1 tỷ yen (9,82 triệu USD) trong tài khóa 2016 và đây là tài khóa thứ ba liên tiếp tiền thưởng của ông vượt 1 tỷ yen. Theo giới chuyên môn, Chính phủ Pháp muốn tăng vị thế của Renault trong liên minh nên chấp thuận tái bổ nhiệm ông Carlos Ghosn làm CEO đến hết tháng 6-2022 với điều kiện ông phải thiết lập bộ khung không thể đảo ngược cho sự hợp tác này.

Sinh năm 1954 tại Lebanon, nhưng năm 13 tuổi, ông Carlos Ghosn đã chuyển đến Brazil và từ đầu thập niên 1970 đến Pháp học. Sau khi tốt nghiệp, ông Carlos Ghosn bắt đầu sự nghiệp tại hãng lốp xe danh tiếng khi đó là Michelin. 22 năm trước (1996-2018), ông Carlos Ghosn rời Michelin để tới hãng Renault (đang chìm trong khó khăn) và nhanh chóng giúp hãng xe của Pháp hồi sinh và có lãi, nên được gọi với biệt danh Le cost killer - Sát thủ chi phí.

Tiếp đến lại vai trò thiết lập quan hệ giữa Renault với Nissan. Khi ngồi ghế CEO Nissan trong bối cảnh hãng xe này đang đứng bên bờ vực phá sản (nợ khoảng 17 tỷ USD), ông Carlos Ghosn cũng nhanh chóng giúp doanh nghiệp này dần có lãi, giảm nợ và hoàn thành kế hoạch bán 1 triệu xe vào năm 2005.

Đến năm 2008, ông Carlos Ghosn trở thành Chủ tịch Nissan. Và nhờ việc phục hồi hãng Mitsubishi Motors sau bê bối nhiên liệu, nên cuối năm 2016, ông Carlos Ghosn được bầu làm Chủ tịch Mitsubishi Motors. Ông Carlos Ghosn là người đầu tiên trên thế giới điều hành đồng thời 2 công ty có tên trong danh sách Fortune Global 500, khi đảm nhận vai trò CEO tại Renault và Nissan năm 2005.

Trọng Hậu

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/he-luy-sau-vu-bat-chu-tich-nissan-motors-521387/