Hệ lụy quy hoạch treo tại TP.HCM: Một góc nhìn khác - Bài 3: Dân mất nhà, Nhà nước mất cán bộ

Quy hoạch treo không chỉ khiến người dân gánh chịu hậu quả sống vất vưởng, bất hợp pháp, bị tước quyền lợi chính đáng trên tài sản của mình, mà còn gây lãng phí nguồn tài nguyên đất; kìm hãm phát triển kinh tế; tước đi quyền đầu tư bình đẳng của các doanh nghiệp; phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm...

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thị sát tình hình xây dựng nhà không phép ở quy hoạch treo Ga Bình Triệu.

Bài 3: Dân mất nhà, Nhà nước mất cán bộ

Quy hoạch treo triền miên không chỉ khiến dân địa phương khốn khổ, doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư, mà còn gia tăng tình trạng xây nhà trái phép, đồng thời làm tha hóa cán bộ.

Càng treo lâu, càng mọc nhiều nhà trái phép

Có một thực tế là nơi nào quy hoạch treo càng lâu, thì càng mọc lên nhiều nhà xây dựng trái phép. Điển hình như huyện Bình Chánh, TP.HCM, nơi có tới hơn 140 dự án quy hoạch treo kinh niên như Dự án Khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc (treo gần 20 năm); Khu E thuộc Khu đô thị Nam Thành phố (treo 25 năm); khu đô thị Sing Việt treo 28 năm…

Báo cáo gần đây của Huyện ủy Bình Chánh gửi Thành ủy TP.HCM cho biết, các năm 2014, 2015, 2016, tổng số vụ vi phạm về xây dựng (xây dựng nhà cửa trái phép trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch…) ở huyện này là 2.918 trường hợp. Sau xử lý vi phạm, các năm 2017, 2018 và nửa đầu năm 2019, qua kiểm tra, ngành chức năng phát hiện còn tới 2.180 trường hợp công trình xây dựng vi phạm.

Tương tự, tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), nơi có quy hoạch Ga Bình Triệu treo tới 17 năm, dù liên tục thanh tra, nhưng tình trạng vi phạm xây dựng rất phổ biến.

Theo Thanh tra TP.HCM, năm 2008 trên địa bàn phường này có 1.017 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; năm 2012, phát hiện thêm 262 trường hợp vi phạm; năm 2016 có thêm 103 công trình xây dựng không phép; năm 2017 có thêm 45 công trình xây dựng không phép; năm 2018 có thêm 15 công trình xây dựng không phép

Hẻm 41, khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), nơi 7 hộ dân bị thu hồi quyết định cấp số nhà

Vì sao dân lại chấp nhận mua, xây nhà ở không phép trong vùng quy hoạch treo, dù biết trước những rủi ro. Đó là vì nhu cầu nhà ở bức bách, mà đất dự án treo được rao bán giá rẻ, dự án thì hàng chục năm chưa tiến hành, khiến người dân chặc lưỡi làm liều.

Đưa chúng tôi xem những văn bản của chính quyền về việc thu hồi quyết định cấp số nhà, dự báo những chuyện chẳng lành sắp tới, ông B.T, đại diện cho 7 hộ dân đường số 41, khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh cho hay: “Chúng tôi cũng đâu muốn mua đất quy hoạch để xây nhà không phép, nhưng không đủ tiền để mua đất có pháp lý rõ ràng, bởi giá quá đắt”.

Từ năm 2008 đến năm 2010, 7 hộ dân đã về khu vực này mua đất hoặc mua nhà xây sẵn. Tất cả mua bán giấy viết tay, bởi rẻ, dù biết là khu vực này dính quy hoạch Ga Bình Triệu.

“Trong quá trình sinh sống, chúng tôi có xin hợp đồng lắp đặt điện, nước sinh hoạt. Có đăng ký tạm trú trên chính ngôi nhà mà chúng tôi đã mua. Một số hộ đã được cấp hộ khẩu trên địa chỉ số nhà quận cấp”, ông B.T nói.

Số nhà, hộ khẩu chính là “tấm thẻ xanh” với dân nhập cư. “Nhưng đến ngày 15/10/2019, chúng tôi đồng loạt nhận được quyết định của UBND quận Thủ Đức về việc thu hồi quyết định cấp số nhà của chính quận đã cấp cho chúng tôi trước đó. Từ khi nhận được các quyết định trên, tất cả chúng tôi vô cùng hoang mang, cuộc sống bị xáo trộn”, ông B.T nghẹn lời.

Một căn nhà không phép tại huyện Bình Chánh bị đập bỏ.

7 hộ dân trên chỉ là con số nhỏ, bởi theo giải trình của UBND phường Hiệp Bình Chánh thì khu vực này còn gần 1.600 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (xây nhà không phép).

Ở các quận, huyện khác, nơi có nhiều dự án treo, tình trạng cũng tương tự. Theo thống kê, tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9 và quận Thủ Đức ước có khoảng 5.000 căn nhà xây dựng không phép. Nếu định giá một căn nhà 200 - 300 triệu đồng, thì số nhà không phép bị tháo dỡ trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Đối với chính quyền địa phương, để cưỡng chế những công trình không phép sẽ tốn nhiều thời gian, công sức, nhất là tốn ngân sách nhà nước cho công tác cưỡng chế do không thu hồi được kinh phí sau cưỡng chế.

Nhà nước mất cán bộ

Theo khảo sát của chúng tôi, vùng quy hoạch treo càng lâu, mọc càng nhiều nhà không phép thì càng nhiều công chức, viên chức cơ quan công quyền dính tiêu cực.

Một thực tế không thể phủ nhận, người dân chỉ cần đổ đống gạch cũng bị quản lý đô thị phát hiện, rất khó mà xây cất nhà trên đất quy hoạch nếu không có sự tiếp tay, ngó lơ của cán bộ, cơ quan liên quan.

Theo luật sư Vũ Văn Tiến (Đoàn Luật sư TP.HCM), có thể cấp giấy phép xây dựng tạm trong thời gian quy hoạch xây dựng có hiệu lực. Khi quy hoạch được điều chỉnh phù hợp với mục đích xây dựng của dân hoặc được xóa thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ công nhận nhà ở hợp pháp, lâu dài cho người dân. Nếu cần thu hồi đất, Nhà nước sẽ đền bù chi phí xây dựng nhà cho dân.

Minh chứng rõ nhất là tại quận Thủ Đức, hồi tháng 3/2019, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã kỷ luật cảnh cáo ông Trần Văn Dũng, ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó chủ tịch quận Thủ Đức và ông Nguyễn Nam Hải, quận ủy viên, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận vì buông lỏng quản lý trong xây dựng. Ông Nguyễn Tấn Phát, Bí thư Chi bộ Đội thanh tra địa bàn quận Thủ Đức bị kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Mới đây nhất và đang là tâm điểm dư luận là việc ông Lê Hữu Thành (Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức) đã từ chức vì bản thân và người thân xây dựng không phép 7 căn nhà xưởng.

Tại huyện Bình Chánh, tính từ đầu năm 2019 đến nay, đối với cấp huyện đã xem xét kỷ luật 7 cán bộ, công chức có sai phạm liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng; trong đó khiển trách 6 người, buộc thôi việc 1 người. Riêng đối với cán bộ, công chức xã Vĩnh Lộc A đã phê bình 1, sa thải 1, đồng thời đối với Trưởng các ấp đã phê bình 2 người và bãi nhiệm 1 người. Đối với cán bộ, công chức xã Vĩnh Lộc B đã phê bình 1, đồng thời phê bình 2 trưởng ấp.

Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM cho biết, toàn Thành phố có 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc, thậm chí bị xử lý hình sự liên quan đến công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trong những năm gần đây.

Giải pháp nào vẹn toàn?

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, quy hoạch là cần thiết, phát triển đô thị, kinh tế - xã hội, bất động sản, tất cả phải dựa trên quy hoạch. Quy hoạch cũng thể hiện lợi ích của Nhà nước, đại diện lợi ích cho cộng đồng xã hội và là cơ sở để khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân phát triển trên quy hoạch.

Tuy nhiên, thực trạng quy hoạch ở TP.HCM lại gây ra nhiều hệ lụy. Cuộc sống là không có sự chờ đợi mà quyền lợi của người dân bị “treo” quá nhiều năm như vậy thì buộc họ phải thực hiện giao dịch “chui”, vô tình tạo nên một thị trường “ngầm”. Điều này cũng khiến Nhà nước bị thất thu thuế.

Vì vậy, ông Châu cho rằng, những dự án dù có quyết định thu hồi đất mà chưa giao cho doanh nghiệp thì người dân được thực hiện đầy đủ tất cả các quyền, lợi ích hợp pháp của mình như xây nhà, sửa nhà, mua bán chuyển nhượng... Khi chủ đầu tư triển khai dự án thì phải bồi thường theo giá thị trường, công trình mới xây thì phải được bồi thường 90% và nhà đầu tư phải chấp nhận.

Nhiều chuyên gia hiến kế, để chấm dứt tận gốc quy hoạch treo thì ngay khâu quy hoạch phải căn cứ vào nhu cầu xã hội, yêu cầu phát triển và khả năng đáp ứng nguồn lực của địa phương chứ không thể quy hoạch kiểu “phong trào” hay “giữ chỗ”.

Mặt khác, cần phân tách loại hình quy hoạch theo cách làm của thế giới, tức phân tách đất công cho dự án công (giao thông, bến cảng, sân bay, công viên...) còn lại là đất tư. Nếu đất công thì Nhà nước phải tái định cư, nếu đất dự án tư nhân thì phải thỏa thuận mua bán, trong đó, tất cả quyền lợi của người dân được bảo đảm.

Ngô Nguyên - Trọng Tín

Hệ lụy quy hoạch treo tại TP.HCM: Một góc nhìn khác - Bài 2: Tước đi cơ hội của doanh nghiệp

Hệ lụy quy hoạch treo tại TP.HCM: Một góc nhìn khác - Bài 1: Đã quá sức chịu đựng của dân

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/he-luy-quy-hoach-treo-tai-tphcm-mot-goc-nhin-khac-bai-3-dan-mat-nha-nha-nuoc-mat-can-bo-225022.html