Hệ lụy khó lường

Những ngày qua, phụ huynh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh xôn xao trước thông tin về lớp học kích hoạt bán cầu não (gọi tắt là khóa học kích não) giúp trẻ thông minh, khơi dậy tiềm năng thiên tài của trẻ từ 6 đến 15 tuổi. Trước hiện tượng này, một số chuyên gia lên tiếng cảnh báo, việc tùy tiện can thiệp vào tư duy của trẻ em như phương pháp này sẽ để lại hậu quả khó lường.

Theo một trung tâm mở khóa học "Dạy con thành thiên tài theo phương pháp hoạt hóa não giữa" tại Hà Nội, phương pháp kích hoạt bán cầu não sẽ giúp trẻ nhỏ phát triển tốt khả năng của não phải, giúp cân bằng cả hai bán cầu não, làm tăng khả năng học tập, ghi nhớ của trẻ. Ngoài ra, cho con tham gia các lớp kích não còn đem lại nhiều lợi ích to lớn như: tăng cường khả năng tập trung, tăng tự tin, ổn định cảm xúc... Phụ huynh có thể nhận thấy sự vượt trội về trí thông minh của các con chỉ sau hai ngày tham gia khóa học. Những thông tin này đánh đúng tâm lý của phụ huynh mong con mình có những khả năng vượt trội, thuận lợi trong học tập và phát triển. Trước những thông tin đầy hấp dẫn, đã có nhiều phụ huynh không tiếc tiền bỏ ra gần chục triệu đồng cho một khóa học 48 buổi cho con. Tại lớp kích hoạt não, trẻ được bịt mắt "đoán" mầu sắc hay cảm nhận chữ số có trên thẻ bài. Theo giải thích của người hướng dẫn, qua những đường tiếp xúc như sờ qua da, tay, ngửi, thậm chí là nếm, trẻ cảm nhận được đó là mầu gì, khác biệt giữa các mầu như thế nào. Khi trẻ làm được tức là trẻ đã kích hoạt được siêu giác quan.

Trong khi đó, cơ sở khoa học, tính pháp lý của hoạt động giáo dục này chưa được các cơ quan quản lý xác nhận. TS Trần Thành Nam, Giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, phương pháp kích hoạt não giữa chưa từng được các nước có nền khoa học phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Xin-ga-po thẩm định về chuyên môn. Ngoài ra, cũng chưa tìm được tài liệu nghiên cứu nào khẳng định tác động của nó đến năng lực vượt trội của trẻ. "Việc kích não sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường như: khiến trẻ ảo tưởng về năng lực của mình, hoặc bị áp lực về năng lực đó. Chưa kể, trẻ có thể sử dụng năng lực đó vào những mục đích cá nhân không chính đáng" - ông Nam nhận định.

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đây là một vấn đề khá mới, cần tìm hiểu kỹ các chứng cứ khoa học, cơ sở nào cho thấy hiệu quả của việc kích hoạt não. Khi thấy thật sự có cơ sở khoa học, trung tâm được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép, lúc đó các bậc phụ huynh mới nên xem xét. "Phụ huynh tuyệt đối không giao con em mình cho các chương trình mơ hồ để người ta thí nghiệm, sẽ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Trên thị trường với vô vàn quảng bá về cách dạy, học biến con thành thiên tài, các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ" - TS Lâm khuyến cáo.

Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Kiều Văn Minh cho biết, mặc dù chưa nhận được chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra để tiếp cận thực tế và làm việc với trung tâm. Tuy nhiên, khi đoàn liên lạc để làm việc, đại diện trung tâm cho biết lãnh đạo đi công tác và hiện trung tâm đã tạm ngừng hoạt động. "Đây là phương pháp giáo dục lần đầu nghe thấy có ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát, tiếp nhận các thông tin để làm rõ hơn và có thông tin cụ thể khi có kết quả" - ông Minh cho biết.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Bộ hoàn toàn không cấp phép cho các trung tâm này. Hình thức của các lớp kích hoạt não bộ là hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo không công nhận đây là một hình thức đào tạo hợp pháp. Đặc biệt, với một phương pháp chưa được thẩm định, trên thế giới vẫn chưa có những kết quả nghiên cứu cụ thể và chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận mà đi vào hoạt động như vậy là hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn những tác động khôn lường về sau. "Tất cả phương pháp áp dụng giáo dục phải được nghiên cứu kỹ và được cơ quan quản lý cấp phép, nhằm ngăn chặn các hành vi gây hậu quả tai hại tới sự phát triển tự nhiên của trẻ em. Bộ đã yêu cầu đơn vị chức năng nắm bắt tình hình và báo cáo Bộ để có phương án xử lý" - Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31468402-he-luy-kho-luong.html