Hệ lụy của việc nạo phá thai ở giới trẻ

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên trong cả nước đang ở mức báo động với khoảng 250.000 đến 300.000 ca mỗi năm. Trên địa bàn tỉnh, mặc dù số liệu thống kê chưa đầy đủ, nhưng các chuyên gia y tế cũng đã đưa ra lời cảnh tỉnh đối với tình trạng này, bởi nó gây ra những hậu quả nặng nề tới tâm lý, sức khỏe cho các em cũng như gia đình và xã hội.

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN TP Cẩm Phả tổ chức tập huấn về giới tính, chăm sóc SKSS vị thành niên cho trẻ em thuộc CLB Quyền trẻ em ở phường Cẩm Sơn.

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN TP Cẩm Phả tổ chức tập huấn về giới tính, chăm sóc SKSS vị thành niên cho trẻ em thuộc CLB Quyền trẻ em ở phường Cẩm Sơn.

Việc nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên do các em còn khá trẻ, thiếu hiểu biết về giới tính, về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), lại thiếu sự sâu sát từ gia đình nên dễ sa vào những hành vi tình dục thiếu trách nhiệm.

Cụ thể nhiều trường hợp tìm đến Trung tâm Tư vấn dịch vụ KHHGĐ - chăm sóc SKSS (Hội KHHGĐ tỉnh) đều trong độ tuổi còn rất trẻ, có em chỉ là học sinh cấp 2, cấp 3. Có nhiều trường hợp đều là những em có học lực tốt, nhưng phải bỏ học giữa chừng để sinh con. Có những trường hợp là những đôi bạn trẻ đang học tập trên địa bàn TP Hạ Long tìm đến Trung tâm để thăm khám. Trung tâm cũng đã tiến hành tư vấn cho 2 em và khuyên nhủ, nên thông báo cho cha mẹ được biết. Đồng thời, các cán bộ y tế cũng đã tư vấn về quan hệ tình dục an toàn, tác hại của việc nạo phá thai. Và nếu tiến hành bỏ thai, thì việc phòng tránh viêm nhiễm sau đó.

Theo bác sĩ Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh: Nhiều trường hợp là vị thành niên mang thai ngoài ý muốn, đã được đội ngũ bác sĩ ở Trung tâm tư vấn tìm ra các giải pháp để ổn định tâm sinh lý, khuyên các bạn nên tâm sự cùng gia đình, người thân để tìm phương án tháo gỡ hiệu quả. Trường hợp nếu muốn bỏ thai, phải có sự đồng ý và đi kèm của người thân. Bên cạnh đó, sau khi tiến hành đình chỉ thai nghén, sau 24h, cán bộ y tế sẽ trực tiếp liên hệ với khách hàng để xem xét tình trạng hiện tại và hẹn lịch quay lại thăm khám.

Học sinh Trường THPT Hồng Đức (TP Uông Bí) tham gia buổi ngoại khóa về SKSS vị thành niên.

Theo các chuyên gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em cho hay, việc nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên có ảnh hưởng rất lớn đến SKSS sau này, bởi cơ thể mẹ ở giai đoạn này chưa phát triển hoàn thiện, cấu tạo bộ phận sinh sản chưa hoàn thiện về chức năng. Việc mang thai ở lứa tuổi này thường dẫn đến tình trạng thiếu máu, thai kém phát triển, dễ bị chết lưu hoặc nhiều trường hợp sinh con thiếu cân, suy dinh dưỡng, gặp những biến chứng sản khoa...

Trên thực tế, mặc dù việc giáo dục, tuyên truyền về SKSS cho vị thành niên đã có những cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn hạn chế. Sự hiểu biết về vấn đề SKSS vẫn còn nhiều bất cập, chênh lệch giữa các vùng, miền. Mặt khác, nhiều bậc phụ huynh cũng khá e dè khi chia sẻ, trao đổi với con cái mình, nên việc các em tự tìm hiểu về SKSS cũng tạo ra những vấn đề đòi hỏi chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng; dù việc làm này có thể giúp các em tự tìm hiểu và nâng cao hiểu biết, nhưng cũng đặt ra nguy cơ làm nhiều em hiểu sai vấn đề từ các nguồn tin chưa chính thống.

Bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh tư vấn SKSS cho bệnh nhân. Ảnh: Hằng Ngần

Trước thực trạng này, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Sở GD&ĐT triển khai các hoạt động tại các trường THCS, THPT về giáo dục giới tính, bình đẳng giới, SKSS. Hiện nay, toàn tỉnh cũng có 198 trường THCS duy trì hiệu quả mô hình “Đội tuyên truyền viên măng mon” trong công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Từ năm 2020 đến nay, các đơn vị phối hợp cùng một số ngành và địa phương tập huấn về chăm sóc SKSS vị thành niên cho gần 511 đội viên tuyên truyền măng non; thực hiện truyền thông chăm sóc SKSS vị thành niên cho 1.200 học sinh THCS trên địa bàn tỉnh; thực hiện 11.266 lượt tư vấn về SKSS cho vị thành niên - thanh niên...

Những hệ lụy về nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên là rất lớn. Nếu vấn đề này không được giải quyết sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Theo kế hoạch, cứ 5 năm phải giảm 20-30% số ca nạo phá thai ở lứa tuổi này. Tuy nhiên, mục tiêu này thực hiện còn khó khăn nếu như không có sự vào cuộc tích cực của gia đình, nhà trường và các ngành, đơn vị trong việc truyền thông thay đổi nhận thức về giáo dục giới tính, làm sao phải xóa bỏ rào cản để các em tiếp cận, hiểu đúng, đủ các kiến thức về giới tính, SKSS...

Vân Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/he-luy-cua-viec-nao-pha-thai-o-gioi-tre-2924705.html