Hệ lụy của việc cho thuê đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, hàng nghìn hộ dân ở Gia Lai đã cho người khác thuê đất của mình, rồi lại đi làm thuê, cuộc sống của họ bấp bênh, nghèo đói.

Làm công trên mảnh đất của mình

Cách đây 12 năm, lúc bí tiền đầu tư đường ống dẫn nước về rẫy cà phê của gia đình, anh Y Yơi (SN 1968) ở làng Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho một người dân cùng huyện thuê 2 ha đất rẫy của gia đình. Mức giá thuê đất cũng hết sức bèo bọt 30 triệu trong vòng 15 năm.

Từ đó tới nay, chỉ còn 3 sào đất lúa và 5 sào đất vườn, vợ chồng anh khốn đốn, chật vật để lo đủ cái ăn, cái mặc cho 5 đứa con của mình. 12 năm cho thuê đất là 12 năm ròng phải đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình và cũng chừng ấy thời gian gia đình anh phải nhận gạo hỗ trợ mùa mỗi mùa giáp hạt. Nhưng buồn hơn cả, cái đói, cái nghèo đã níu chân, khiến các con anh không muốn tới trường.

“Thuê thời gian dài quá, bây giờ mình tính ra là thấy không được. Nếu lấy lại đất, chắc mình chỉ để làm thôi, không dám cho thuê nữa. Thấy giờ khổ quá, không có gì làm hết, ngày nào cũng đi làm mướn cho người ta. Con cái là ở nhà hết rồi, học hết lớp 7 là bỏ học hết” - anh Y Yơi chia sẻ.

Xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh chưa có công trình thủy lợi cung cấp nước cho sản xuất, người dân.

Không nhớ thời hạn cho thuê, để rồi bị chính người thuê đất chiếm quyền sử dụng đất là trường hợp của gia đình ông Siu An, ở làng Kó, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh. Theo thỏa thuận viết tay giữa 2 bên, ông Siu An cho gia đình ông Nguyễn Văn Hồ ở xã Chư Jôr, huyện Chư Păh thuê 5 ha đất trong vòng 10 năm tính từ năm 2002. Tuy nhiên, hết hạn, thấy ông Siu An quên giao hẹn, gia đình ông Hồ đã tự ý đến Phòng tài nguyên môi trường huyện Chư Păh khai đất này thuộc diện khai hoang, rồi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Rất may sau đó, nhờ sự can thiệp của ngành chức năng, đất đã được trả về với chủ.

Thực tế, việc cho thuê đất tại huyện Chư Păh đã làm nảy sinh những vụ việc mà cơ quan quản lý nhà nước và bảo vệ pháp luật gặp khó khăn trong việc giải quyết. Ông Lê Xuân Dũng, trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho biết: “Như trường hợp vụ ông Siu Phang ở xã Ia Ka, trước khi cho con thì có cho một ông thuê 20 năm để trồng cà phê. Con lại chuyển nhượng cho người khác, lúc này vấn đề phức tạp, kiện rất là nhiều ra tòa. Hạn chế quyền sử dụng đất của người dân thì cũng không được.”

Cái nghèo đeo đuổi

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, tại huyện Chư Păh có trên 400 trường hợp cho thuê hơn 250 ha đất sản xuất và là huyện có diện tích cho thuê nhiều thứ 2 tại Gia Lai. Thực tế tại đây cho thấy, xã Chư Đăng Ya là địa phương có diện tích cho thuê đất sản xuất nhiều nhất thì nay lại là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, khó khăn nhất trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya cho biết, hiện địa phương có gần 14 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm mà phân nửa trong số đó bị lấn chiếm bởi những người cho thuê đất dẫn tới thiếu đất sản xuất.

“Việc cho thuê đất, không có đất sản xuất là một trong những nguyên nhân chính khiến địa phương nhiều năm liền thoát nghèo chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao. Xây dựng nông thôn mới thì người nông dân phải có đất. Giờ tạo công ăn việc làm cho số người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo này để có thu nhập chỉ có cách là lấy lại được đất để có công cụ sản xuất, phát triển kinh tế” – ông Chư Đăng Ya nói.

Tình trạng cho thuê đất sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số khiến nhiều người dân thiếu tư liệu sản xuất.

Theo kết quả khảo sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai, tính đến cuối 2017, toàn tỉnh có trên 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cho thuê gần 1.900 ha đất sản xuất. Đáng buồn là, không ít trong số đó đã chuyển nhượng cả đất có nguồn gốc được nhà nước giao theo chính sách hỗ trợ từ năm 2004 trở về trước và tái thiếu đất sản xuất.

Nguyên nhân chính được xác định là hệ thống thủy lợi nghèo nàn, thiếu chủ động, cộng với trình độ thâm canh thấp khiến người dân địa phương chưa biết cách làm lợi trên đất của mình. Ông Nay Kiên Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho rằng, hạn chế việc người dân cho thuê đất là vấn đề khó.

“Giải pháp là phải chủ động thâm canh và nước tưới. Đối với những vùng không thể đảm bảo nguồn nước, tính toán đến chuyện chuyển đổi thôi. Ở huyện mình là cây bời lời. Vùng nào bà con có nước thì trồng đông xuân, làm lúa 2 vụ. Nếu mình có tuyên truyền, mình có làm đủ cách nhưng công tác thủy lợi trên Tây Nguyên không đảm bảo thì không giải quyết được” – ông Nay Kiên nói.

Bên cạnh việc nâng cao trình độ canh tác, tìm cây trồng phù hợp, các ngành chức năng tại Gia Lai cần có giải pháp căn cơ trong xây dựng bố trí các công trình thủy lợi, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể làm lợi trên đất đai của mình./.

Nguyễn Thảo/ VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/he-luy-cua-viec-cho-thue-dat-san-xuat-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-735812.vov