Hệ lụy của quyền lực chéo

Quyền lực chéo, dù là giữa các doanh nghiệp hay giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, đều tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường nên cần được kiểm soát.

Quyền lực chéo giữa các doanh nghiệp

Đây là một trong các nguyên nhân khiến Việt Nam xử lý những trục trặc, rắc rối của ngành ngân hàng kéo dài một thập kỷ thay vì chỉ hai năm như Mỹ và trong cơn bĩ cực đó đã phải dùng đến những biện pháp bất thường như truất hữu bằng khái niệm “mua không đồng”. Bởi nếu giải quyết theo cách quản trị thông thường của các nền tài chính tiên tiến sẽ dẫn tới việc sụp đổ hệ thống tài chính theo hiệu ứng domino.

Hiệu ứng domino dễ diễn ra ở Việt Nam, bởi vào năm 2012, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có các quy định chống sở hữu chéo nói chung và trong hệ thống ngân hàng nói riêng. Điều đó dẫn tới việc một số tài phiệt khai thác lỗ hổng pháp luật bằng cách bỏ ra, ví dụ khoảng 7.000 tỉ đồng, lập khoảng hai ngân hàng thật, rồi cho hai ngân hàng thật này thế chấp cổ phiếu lẫn nhau, rút tiền ra thành lập hàng loạt ngân hàng ảo; khi tổng giá trị sổ sách của các ngân hàng ảo lên tới khoảng vài chục ngàn tỉ đồng thì các tài phiệt này móc nối với một vài ngân hàng thật - nhưng thuộc hàng cha chung không ai khóc - thế chấp mấy chục ngàn tỉ đồng giá trị sổ sách để vay lấy 70% giá trị (ảo) của nó, rút ra tiền thật khoảng dăm tỉ đô la Mỹ chia nhau và để lại con số nợ xấu khổng lồ cho nền tài chính quốc gia.

Khắc phục “lỗi hệ thống” này, Luật Doanh nghiệp 2014 bổ sung chương VIII với tên gọi “Nhóm công ty” như là một nỗ lực giám sát, hạn chế tác động tiêu cực của sở hữu chéo. Nhưng khoản 1 điều 189 luật này chỉ mới điều chỉnh “quan hệ công ty mẹ - công ty con” trên ba phương diện: tỷ lệ sở hữu (từ 50% vốn), quyền bổ nhiệm nhân sự (đa số thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc), quyền sửa đổi điều lệ công ty, mà chưa có một định nghĩa khái quát hết các dạng thức kiểm soát, thao túng nền tài chính quốc gia khác.

Phải chăng sau mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Việt Nam cần tiếp thu mô hình ngân hàng trung ương theo thông lệ quốc tế để hài hòa lợi ích công - tư?

Trong vụ án “bầu Kiên”, ông Nguyễn Đức Kiên nắm giữ chưa tới 5% tổng cổ phần của ngân hàng ACB(1), nhưng có thể kiểm soát được ACB; mối quan hệ giữa các công ty con của cá nhân bầu Kiên và ACB rõ ràng không bị giám sát theo bất kỳ một trong ba quan hệ nói trên. Điều đó có nghĩa, hệ thống pháp luật vẫn bỏ ngỏ vô vàn cách thức liên kết “quyền lực chéo” khác.

Quyền lực chéo giữa doanh nghiệp - doanh nghiệp dẫn tới hiện tượng domino, sụp đổ toàn bộ hệ thống tài chính, thì quyền lực chéo giữa “tư bản” và “nhà nước” lại có thể làm cho tiến trình cải cách trở nên khó hơn, nền kinh tế trở nên méo mó, khó dự đoán, tiềm ẩn nhiều rủi ro như thể “miền tây hoang dã”.

Quyền lực chéo giữa doanh nghiệp và “nhà nước”

Hệ thống tuyển chọn lãnh đạo quốc gia ở Việt Nam vẫn theo mô hình “kế hoạch hóa tập trung”, với các quy định về quy hoạch, bằng cấp, chứng chỉ; chưa cho phép bổ nhiệm một người như Chủ tịch tập đoàn Sản xuất ô tô Ford của Mỹ - ông McNamara - làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng để vận hành, quản lý một nền kinh tế thị trường, sự vững vàng về lý tưởng, kiên định về lập trường là chưa đủ, mà kinh nghiệm thực tiễn vận hành các tổ chức kinh tế là rất cần thiết đối với những người hoạch định chính sách tài chính quốc gia.

Cách nhanh nhất, tốt nhất để khắc phục khiếm khuyết về “kinh nghiệm thực tiễn”, thành tích công việc thực tiễn của người hoạch định chính sách là lựa chọn bổ nhiệm lãnh đạo quản lý ngành, lĩnh vực từ chính các lãnh đạo đang vận hành các tổ chức kinh tế trong ngành, lĩnh vực tương ứng. Hoặc là đưa các công chức thuộc diện quy hoạch luân chuyển về làm lãnh đạo các tổ chức kinh tế.

Tuy nhiên, từ đây vô hình trung sẽ hình thành “quyền lực chéo” giữa đối tượng bị quản lý và cơ quan quản lý; đặc biệt, dưới áp lực bảo toàn vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, các bộ chủ quản trên thực tế tay phải đặt ra luật chơi thì tay trái tham gia cuộc chơi. Để khắc phục tình trạng này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ra đời. Cách làm này đã khắc phục được về phương diện “sở hữu”, đại diện phần vốn.

Nhưng “quyền lực chéo” trong quan hệ bổ nhiệm nhân sự thì chưa có gì thay đổi đáng kể; đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng. Công chúng có thể thấy rằng nhân sự của bốn ngân hàng lớn gốc nhà nước (big fours) và nhân sự của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dường như đều là người một nhà. Khi là “người một nhà” thì các luật, nghị định, thông tư do NHNN hay do big fours soạn dự thảo sẽ khác biệt không nhiều. Nếu đọc kỹ, điều 12 Nghị quyết 42/2017/NQ/QH14 về xử lý nợ xấu đã ưu tiên lợi ích tư của các ngân hàng - tiền thu hồi được từ xử lý nợ xấu được ưu tiên thanh toán trước các nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Phải chăng sau mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Việt Nam cần tiếp thu mô hình ngân hàng trung ương theo thông lệ quốc tế để hài hòa lợi ích công - tư; vừa bảo đảm kinh nghiệm thực tiễn qua các thiết chế tư vấn như Hội đồng tư vấn (Advisory Council) của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed); vừa bảo đảm kết nối tốt với biến động của thị trường như Ủy ban thị trường mở (Open Market Committee) của Fed; nhưng vẫn bảo đảm ngân hàng trung ương là một cơ quan phục vụ lợi ích công cộng, do hành pháp đề cử và lập pháp phê chuẩn(2).

(*) Khoa Luật, Đại học Kinh tế TPHCM

(1) http://enternews.vn/bau-kien-nam-giu-bao-nhieu-co-phan-o-cac-ngan-hang-viet-nam-39741.html

(2) Tham khảo mô hình ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ tại https://www.federalreserve.gov/aboutthefed/structure-federal-reserve-system.htm

Võ Trí Hảo (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283955/he-luy-cua-quyen-luc-cheo-.html