Hệ lụy của mất cân bằng giới tính tại 2 quốc gia đông dân nhất

VH- Hiện nay, Ấn Độ và Trung Quốc đang là hai quốc gia đối mặt với những vấn đề về mất cân bằng giới tính nghiêm trọng.

Tại Trung Quốc, tính đến năm 2017, nam giới nhiều hơn nữ giới tới 34 triệu người

Sau nhiều thập kỷ, luôn xem con trai là lựa chọn ưu tiên, thì ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ đang phải đối mặt với các vấn đề về mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Tại hai nước đông dân nhất thế giới này, sự chênh lệch dân số giữa nam và nữ lên tới 70 triệu người. Chính phủ của cả hai quốc gia đang cố gắng đưa ra các chính sách đẩy lùi sự mất cân bằng giới tính này.

Trên thực tế, đây là một hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử, tại Trung Quốc, tính đến năm 2017, nam giới nhiều hơn nữ giới tới 34 triệu người, tức là bằng với dân số Malaysia. Kể từ năm 1979 khi chính sách một con có hiệu lực, nhiều cặp vợ chồng tại nước này đã phải đứng trước sự lựa chọn giữa con trai hay con gái. Đối với một quốc gia bị ảnh hưởng bởi văn hóa phong kiến, nhiều gia đình đã xem con trai là lựa chọn ưu tiên.

Tương tự, Ấn Độ cũng là nước phải đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Hiện quốc gia này đang có sự chênh lệnh giữa nam và nữ lên tới 37 triệu người. Điều này, một phần là hệ quả của tư tưởng cổ hủ và nền kinh tế nhiều năm liền không phát triển. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngay cả khi tình hình kinh tế tại Ấn Độ đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ sinh con gái vẫn tiếp tục có dấu hiệu giảm mạnh. Nhà chức trách nước này cho rằng, việc công nghệ cho phép lựa chọn giới tính phát triển mạnh trong những năm trở lại đây, chính là điều kiện khiến cho mất cân bằng giới tại Ấn Độ trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Tình trạng “thiếu nữ, thừa nam” đã gây nên những sức ép đáng kể cho thị trường lao động. Mặt khác, mất cân bằng giới tính cũng gây nên những hệ lụy nặng nề cho an sinh xã hội như tỷ lệ tội phạm bạo lực tăng, tệ nạn buôn người và mại dâm có chiều hướng phát triển phức tạp. Những hậu quả này không chỉ giới hạn tại Trung Quốc và Ấn độ mà còn có nguy cơ lan rộng sang các nước láng giềng.

Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính cũng khiến cho việc kết hôn của nam giới trở nên vô cùng khó khăn. Thậm chí, theo ghi nhận tại một số khu vực vùng nông thôn Trung Quốc, mất cân bằng giới tính có thể dẫn đến những khủng hoảng tâm lý nặng nề đối với nam giới. Theo nhà xã hội học Prem Chowdhry, tại các vùng dân trí thấp, việc chưa lấy được vợ ở độ tuổi ngoài 30 bị xem như một nỗi xấu hổ đối với đàn ông.

Tại Đông Quản (Trung Quốc), tỷ lệ giữa nam giới và nữ giới là 118 nam/100 nữ. Đây chưa hẳn là một con số đáng báo động, tuy nhiên, nam giới tại vùng này vẫn đang từng ngày chật vật trong quá trình xây dựng gia đình. Vấn đề của nhiều đàn ông Trung Quốc trong thời kì hiện đại không phải việc họ không đủ điều kiện để xây dựng gia đình, mà chỉ đơn giản là Trung Quốc “thừa quá nhiều đàn ông”. Tình trạng nam giới không thể tìm được vợ đã và đang ảnh hưởng sâu sắc đến nhịp sống của những gia đình Trung Hoa – một đất nước vốn chú trọng vào hôn nhân.

Mặt khác, tại Ấn Độ, việc “thừa nam, thiếu nữ” lại là nguyên nhân chủ yếu cho tỷ lệ các hành vi phạm tội nhắm vào phụ nữ ngày một gia tăng. Tỷ lệ này đã tăng lên con số báo động là 127% trong vòng 10 năm trở lại đây. Trên thực tế, Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm hiếp dâm cao nhất thế giới. Theo nghiên cứu, tại một số vùng dân trí thấp ở phía bắc Ấn Độ, có 7.000 ngôi làng mà trong đó mỗi ngôi làng thừa 150 đến 200 đàn ông. Điều này dẫn đến một hệ lụy nghiêm trọng đó là nam giới thiếu việc làm, thiếu các thú vui cá nhân dẫn đến các hành vi quấy rối, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Cũng chính vì thiếu phụ nữ mà Ấn Độ cũng nằm trong top những quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới.

MAI ANH

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/h%E1%BB%87-l%E1%BB%A5y-c%E1%BB%A7a-m%E1%BA%A5t-c226n-b%E1%BA%B1ng-gi%E1%BB%9Bi-t237nh-t%E1%BA%A1i-2-qu%E1%BB%91c-gia-%C4%91244ng-d226n-nh%E1%BA%A5t