Hé lộ tòa tháp gián điệp khổng lồ hướng vào Nga

Giữa những căng thẳng trong quan hệ Nga và NATO, Đan Mạch công bố kế hoạch xây dựng cơ sở tình báo theo dõi Moscow.

Tờ Newsweek đưa tin, Đan Mạch vừa thông báo kế hoạch xây dựng một cơ sở theo dõi khổng lồ nhằm thu thập các thông tin truyền thông từ phía Nga. Động thái này xảy ra vào đúng thời điểm căng thẳng giữa NATO và Moscow đang không ngừng gia tăng.

Hôm Thứ Bảy (18/11), Lars Findsen, người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc phòng Đan Mạch (FE) cho biết, quốc gia Châu Âu đang lên kế hoạch xây một tòa tháp cao khoảng 85m gần Ostermarie, thuộc hòn đảo Bornholm của Đan Mạch. Với kích cỡ tương đương Tượng Nữ thần Tự do ở New York, công trình này có khả năng can thiệp vào các sóng radio trong khu vực Biển Baltic và một phần của nước Nga.

Các hành động quân sự gần đây của Moscow đã làm dấy lên nhiều lo ngại cho các thành viên NATO tại Châu Âu. “Tôi muốn nói là sáng kiến này sẽ gia tăng khả năng của FE trong việc nắm bắt được các dự định của Nga đối với Đan Mạch, bao gồm cả tham vọng quân sự của Nga tại khu vực láng giềng của Đan Mạch,” ông Findsen chia sẻ với phóng viên của Tập đoàn truyền thông Đan Mạch.

Tàu ngầm hạt nhân của Nga Dmitrij Donskoj xuất hiện gần cầu Great Belt (Vành đai Vĩ đại) giữa Jyutland và Fun trên vùng biển Nhật Bản, gần Korsor ngày 21/7 vừa qua. Đan Mạch từng bày tỏ quan ngại về các động thái quân sự của Nga trong khu vực.

Đan Mạch là một trong những quốc gia sáng lập NATO vào năm 1949 - từng chứng kiến quá trình liên minh quân sự từng bước thiết lập ảnh hưởng toàn cầu, nhằm đối trọng với các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw do Liên Xô dẫn đầu trong Chiến tranh lạnh. Mặc dù sự thù hằn giữa Mỹ và Liên Xô đã kết thúc vào những năm 1990, tuy nhiên, trong những năm gần đây, mối quan hệ của hai cường quốc vẫn còn nhiều “gợn sóng”. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ giữa Nga với NATO nói chung, và Đan Mạch nói riêng. Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình vào năm 2014, NATO đã áp dụng một lập trường quân sự cứng rắn hơn đối với Moscow, và cả hai bên đang có những động thái mang tính chạy đua vũ trang đáng chú ý nhất kể từ Chiến tranh lạnh.

Các quốc gia Baltic là Latvia, Lithuania và Estonia cùng Ba Lan đã nhận được sự hỗ trợ từ NATO thông qua việc gửi tới các quân đoàn binh lính đa quốc tịch; trong đó bao gồm cả 200 lính Đan Mạch sẽ được triển khai vào năm sau. Ngoài ra, hồi tháng Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Claus Hjort Frederiksen từng phát biểu, binh lính NATO sẽ sớm được huấn luyện để không chỉ có đủ năng lực chiến đấu với xe tăng và máy bay, mà còn có thể đối phó được với cả “các tin tức đe dọa và sai lệch.” Chính phủ Nga hiện đang vấp phải nhiều cáo buộc liên quan đến các chiến dịch tin tức giả và can thiệp vào các cuộc bầu cử tại Mỹ và Châu Âu. Cho đến nay, Moscow vẫn kiên quyết phủ nhận điều này.

Tòa tháp “gián điệp” hướng về Nga có một vị trí chiến lược gần Biển Baltic. Nó được cho là sẽ thay thế một cơ sở theo dõi radar được xây dựng vào cuối những năm 1940 và mới chỉ bị đóng cửa 5 năm trước sau khi các căng thẳng Chiến tranh lạnh giảm nhiệt. Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn với tờ báo Đan Mạch Politiken hôm Thứ Bảy, ông Findsen cho biết, giờ đây đã đến lúc “tái ưu tiên” công tác thu thập tình báo của Đan Mạch.

Đảo Bornholm từng bị phát-xit Đức chiếm đóng vào năm 1940. Tháng 5/1945, quân đội Liên Xô đã có mặt tại đây và khiến phát-xít phải đầu hàng. Một năm sau đó, quyền kiểm soát Bornholm được trao trả lại cho Đan Mạch, tuy nhiên, Liên Xô đặt điều kiện rằng, không một lực lượng phương Tây nào được phép đóng quân tại đây.

(Theo Newsweek)

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/he-lo-toa-thap-gian-diep-khong-lo-huong-vao-nga-264653.html