Hé lộ tình tiết đào tẩu sang Hàn Quốc của 13 người Triều Tiên

Đây là cuộc đào tẩu lớn nhất của người Triều Tiên trong nhiều năm trở lại đây...

Logo của nhà hàng Triều Tiên Ryugyong ở Ninh Ba, Trung Quốc, ngày 12/4 - Ảnh: Reuters.

Hai ngày trước khi trốn sang Hàn Quốc xin tị nạn, những nữ nhân viên phục vụ bàn người Triều Tiên trong một nhà hàng ở thành phố biển Ninh Ba của Trung Quốc đã đi mua ba-lô ở một cửa hàng gần đó, và thậm chí không mặc cả.

“Tôi đã hỏi họ ‘Các cô sắp đi đâu à?’ và họ trả lời ‘vâng’”, một nhân viên tại cửa hàng bán ba-lô cho biết. “Họ có vẻ rất vui”, người này nói.

4 nữ nhân viên phục vụ bàn từ Ryugyong Korean Restaurant, nhà hàng Triều Tiên ở Ninh Ba, đã mua 3 chiếc ba-lô vào ngày 5/4, với giá niêm yết 199 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 31 USD mỗi chiếc. Theo nhân viên tại cửa hàng bán ba-lô, trước đây, những người phụ nữ Triều Tiên này mặc cả rất quyết liệt mỗi khi tới mua đồ.

Hai ngày sau, 12 nữ phục vụ bàn của nhà hàng Ryugyong cùng một người quản lý đã đặt chân tới tới Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, trong cuộc đảo tẩu lớn nhất của người Triều Tiên trong nhiều năm trở lại đây.

Tuy nhiên, việc họ đã lên kế hoạch và thực hiện cuộc đào tẩu như thế nào đến nay vẫn là một bí ẩn.

Phía Hàn Quốc chỉ nói đã tiếp nhận trên cơ sở nhân đạo 13 người đào tẩu là nhân viên trong một nhà hàng Triều Tiên tới nước này vào ngày 7/4. Trong khi đó, Triều Tiên gọi đây là một “vụ bắt cóc đáng ghê tởm” của Hàn Quốc đối với người Triều Tiên.

Trung Quốc nói một nhóm 13 người Triều Tiên đã dùng hộ chiếu hợp pháp để rời khỏi nước này một cách bình thường vào ngày 6/4, nhưng không nói họ đi đâu.

Tại Ninh Ba, những người bán hàng xung quanh khu vực nhà hàng Ryugyong rất tò mò về nhà hàng Triều Tiên này và những người phục vụ xinh xắn nhưng khá bí ẩn ở đó.

Sau cuộc đào tẩu, nhà hàng Triều Tiên này giờ đã đóng cửa. Nằm trên một con phố đi bộ dành cho du khách, nhà hàng này mới đi vào hoạt động vào tháng 9 năm ngoái.

Jiang Jiang, nhân viên tại một cửa hàng mỹ phẩm đối diện với Ryugyong, nhớ lại những bài hát yêu nước Triều Tiên mà các nữ nhân viên trong nhà hàng này thường hát. Việc hát những bài hát như vậy là hoạt động thường xuyên tại nhiều trong số 130 nhà hàng Triều Tiên trên khắp thế giới. Hầu hết doanh thu của các nhà hàng này được chuyển về Bình Nhưỡng.

“Đó không phải là loại nhạc tôi thích. Họ hát rất to”, Jiang nói, và cho biết thêm khoảng vào ngày 5-6/4, cô không còn nghe thấy nhạc từ bên Ryugyong nữa.

Theo đánh giá của nhân viên làm việc tại các cửa hiệu xung quanh Ryugyong thì công việc kinh doanh của nhà hàng này có vẻ không được tốt. Nhân viên một công ty vật liệu xây dựng có giao dịch với Ryugyong nói nhân viên nhà hàng này rất bí hiểm, và thường người khác chỉ nhìn thấy họ khi họ tới làm hoặc ra về.

“Họ bị quản lý kiểu quân đội và không được tự do đi lại”, người này nói.

Những người bán hàng xung quanh nói, thi thoảng, những người phụ nữ Triều Tiên này cũng đến mua những vật dụng nhỏ như dây buộc tóc.

Thông thường, những người Triều Tiên được chọn ra nước ngoài làm việc dựa trên lòng trung thành của họ, nhưng cũng chịu nhiều hạn chế. Họ luôn phải sống cùng nhau và được nhân viên an ninh bảo vệ.

Xue Bin, một trong những doanh nhân Trung Quốc đứng sau việc mở nhà hàng Ryugyong ở Ninh Ba, cho biết đã rút khỏi nhà hàng này sau bất đồng với một đối tác cách đây 6 tháng.

Ông Xue xác nhận tất cả nhân viên trong Ryugyong từ Triều Tiên, thông qua các doanh nhân Triều Tiên. Tiền lương được trả trực tiếp cho các nhân viên nhà hàng này 6 tháng một lần. Các nhân viên sống trong một ký túc xá và được cung cấp thức ăn.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/the-gioi/he-lo-tinh-tiet-dao-tau-sang-han-quoc-cua-13-nguoi-trieu-tien-20160414125441559.htm