Hé lộ tiềm lực vũ khí hạt nhân của Mỹ

Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ bao gồm loại chiến lược và phi chiến lược, trong đó mỗi loại lại được chia thành nhiều mảng khác nhau.

Tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân

Nước Mỹ hiện sở hữu 420 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), mỗi tên lửa mang một đầu đạn hạt nhân; 240 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), mỗi tên lửa được trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân. Trong số khoảng 5.000 đầu đạn hạt nhân các loại, số đầu đạn đang trực chiến là 2.150, số đầu đạn dự bị là gần 2.850. Ngoài ra, khoảng 3.500 đầu đạn đang được cất giữ.

Số tên lửa đạn đạo liên lục địa bố trí trên mặt đất được biên chế trong ba binh đoàn: Binh đoàn số 90 tại căn cứ không quân Warren, Wyoming; Binh đoàn số 91 tại căn cứ không quân Minot, Bắc Dakota và Binh đoàn số 341 tại căn cứ không quân Malmstrom, Montana. Mỗi binh đoàn có 150 tên lửa được kiểm soát bởi 5 trung tâm kiểm soát phóng. Số ICBM này được trang bị các loại đầu đạn W78 và W87, sức công phá 300 kiloton để tăng khả năng hủy diệt mục tiêu, còn các đầu đạn W62 với sức công phá 170 kiloton đã được tháo dỡ từ năm 2010.

Bộ Tư lệnh Không quân tấn công toàn cầu (AFGSC) chỉ huy tất cả các tên lửa ICBM và các loại máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ (trước đây do Bộ Tư lệnh Không gian và Không quân đảm nhiệm). Việc tập trung các loại vũ khí hạt nhân không quân chiến lược dưới một bộ tư lệnh là để triệt để khắc phục sai sót đáng tiếc có thể xảy ra. Như năm 2007, tại căn cứ không quân Minot, 6 tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân đã vô tình bị đưa lên một máy bay ném bom B-52 và được chở đến căn cứ không quân Barksdale, Louisiana.

Lực lượng máy bay ném bom chiến lược

Không quân Mỹ đang sở hữu 20 máy bay ném bom B-2 và 93 máy bay ném bom B-52H, trong đó 18 chiếc B-2 và 76 chiếc B-52H có khả năng hạt nhân, 16 chiếc B-2 và 44 chiếc B-52H có khả năng hạt nhân đầy đủ.

Các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ được tổ chức thành 6 phi đội trong 3 không đoàn tại 3 căn cứ: Phi đội ném bom số 20 và 96 thuộc Không đoàn số 2 ở căn cứ không quân Barksdale; Phi đội số 23 và 69 thuộc Không đoàn số 5 ở căn cứ không quân Minot; Phi đội số 13 và 393 thuộc Không đoàn số 509 ở căn cứ không quân Whiteman.

Khoảng 300 đầu đạn hạt nhân được triển khai trên các máy bay ném bom tại 3 căn cứ trên, gồm các loại bom trọng lực B61-7, B61-11 (chỉ dành cho máy bay B-2) và B83-1; đầu đạn W80-1 được trang bị trên các tên lửa hành trình phóng từ máy bay (ALCM) chỉ dành cho máy bay B-52H.

Mỹ dự kiến sử dụng các máy bay B-52H cho cả nhiệm vụ hạt nhân và thông thường, ít nhất là đến năm 2035. Không quân Mỹ cũng dự định thay thế các tên lửa ALCM - đang trang bị cho B-52H, bằng các tên lửa hành trình tầm xa tiên tiến mang đầu đạn hạt nhân vào năm 2030. Ngoài ra, Mỹ cũng đã tiến hành một chương trình hiện đại hóa trị giá 1 tỷ USD nhằm lắp đặt các hệ thống radah có ăng-ten quét mạng điện tử tiên tiến trên các máy bay B-2.

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN)

Hải quân Mỹ hiện duy trì 12 trên tổng số 14 chiếc SSBN lớp Ohio. Mỗi chiếc SSBN có thể mang 24 tên lửa đạn đạo Trident II D5; mỗi tên lửa Trident II D5 có thể mang 4 đầu đạn. Hiện hơn 60% hoạt động tuần tra của tàu ngầm SSBN là tại Thái Bình Dương, cho thấy việc lập kế hoạch chiến tranh hạt nhân của Mỹ nhằm hướng tới các đối thủ tiềm năng ở khu vực này.

Hải quân Mỹ đang có kế hoạch thay thế các SSBN lớp Ohio bằng 12 tàu ngầm mới, trị giá 60 - 80 tỷ USD. Dự kiến, chiếc tàu ngầm mới đầu tiên sẽ được hạ thủy trong năm 2026 và đưa vào biên chế năm 2029, để thay thế tàu ngầm lớp Ohio đã hết hạn sử dụng.

Theo thiết kế, mỗi tàu ngầm mới sẽ mang 16 tên lửa D5LE-một phiên bản kéo dài thời hạn sử dụng của D5; tùy thuộc vào hiệu quả sử dụng, có thể đóng mới nhiều tàu ngầm hơn để trang bị cho các lực lượng hạt nhân Mỹ. Tên lửa D5 cải tiến sẽ tiếp tục được trang bị cho các tàu ngầm lớp Ohio cho đến khi chúng bị thải hồi vào năm 2042. Loại đầu đạn W76-1/Mk-4A (phiên bản cải tiến của W76/Mk-4) tiếp tục được trang bị cho tên lửa D-5.

Vũ khí hạt nhân phi chiến lược

Vũ khí hạt nhân phi chiến lược đã giảm 90%, từ khoảng 7.600 xuống còn 760 đơn vị, trong đó tập trung cắt giảm các đầu đạn W84, một số loại bom được triển khai ở châu Âu, cắt giảm vũ khí được cất giữ ở Mỹ và loại bỏ dần các tên lửa hạt nhân tấn công mặt đất Tomahawk (TLAM/N). Nguyên nhân là do vũ khí hạt nhân phi chiến lược không còn đóng vai trò cơ bản trong an ninh quốc gia của Mỹ và để thực hiện các cam kết ngăn chặn phát triển.

Theo các chuyên gia quân sự, Mỹ đang duy trì khoảng 200 vũ khí hạt nhân phi chiến lược B61-3/4. Trong đó, 150 - 200 quả bom B61-3/4 đang được triển khai tại 6 căn cứ không quân thuộc 5 nước thành viên NATO tại châu Âu, gồm: Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Không quân Bỉ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ (với các máy bay F-16), Italia và Đức (với các máy bay PA-200 Tornado) được giao nhiệm vụ tấn công hạt nhân sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ có khoảng 500 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược đang lưu trữ ở các kho trong nước và trang bị trên các tên lửa Tomahawk.

Hiện Mỹ vẫn là cường quốc về vũ khí hạt nhân. Để duy trì ưu thế này, Mỹ vẫn đang tiếp tục đầu tư nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí hạt nhân tiên tiến có độ an toàn cao, dễ dàng bảo quản và sử dụng; tập trung vào vũ khí hạt nhân chiến lược biên chế trên tàu ngầm, máy bay và tên lửa đạn đạo.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/he-lo-tiem-luc-vu-khi-hat-nhan-cua-my-714442.html