Hé lộ tên lửa đạn đạo mới nhất khiến Trung Quốc tiến gần tới việc sở hữu 'bộ ba hạt nhân'

Trong số mới nhất của tạp chí Trung Quốc Modern Ships, nổi bật trên trang bìa là bản vẽ máy bay ném bom H6-N của nước này mang theo tên lửa đạn đạo phía dưới bụng.

Hình ảnh trên trang bìa tap chí Modern Ships. Ảnh: AMN

Hình ảnh trên trang bìa tap chí Modern Ships. Ảnh: AMN

Mặc dù tạp chí quân sự Trung Quốc chỉ nói rằng dưới bụng chiếc máy bay chiến đấu có gắn “một vật thể lớn”. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định tên lửa xuất hiện trong bức ảnh rất giống với mẫu tên lửa đạn đạo Dong Feng-15 (DF-15), từng được sử dụng bởi Lực lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLARF).

Trước đó, hồi tháng 5, tờ Sputnik của Nga đã có bài viết về viêc Trung Quốc đang theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ máy bay (ALBM) sau khi Lầu Năm Góc đưa ra cảnh báo về loại vũ khí này, lo ngại Bắc Kinh sẽ tiến gần tới việc hoàn thành “bộ ba hạt nhân”.

“Bộ ba hạt nhân” là khái niệm chỉ bộ ba vũ khí hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển của một quốc gia. Từ trước đến nay Trung Quốc mới chỉ được nói là có năng lực hạt nhân trên bộ và trên biển là chính. Cho đến nay chỉ có một số ít quốc gia có năng lực đáp trả hạt nhân từ trên bộ, trên không hoặc trên biển. bao gồm Mỹ, Nga và Ấn Độ.

DF-15 là mẫu tên lửa đã được đưa vào biên chế Lực lượng Tên lửa Chiến lược Trung Quốc. Tên lửa có thể mang theo đầu đạn nặng 600kg hoặc đầu đạn hạt nhân, tầm bắn 700km. Khi được trang bị trên chiến đấu cơ, mẫu tên lửa này có thể sẽ phải giảm trọng lượng và cả kích thước đầu đạn.

Loại ALBM duy nhất hiện đang được sử dụng là tên lửa siêu âm Kinzhal của Nga, trình làng vào năm 2017 và được thả từ máy bay đánh chặn MiG-31.

Mỹ và Anh đã đã cố gắng phát triển ALBM trong dự án Bold Orion và tên lửa GAM-87 Skybolt. Tuy nhiên, sau đó, Washington đã từ bỏ chương trình ALBM vì cho rằng phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) khả thi hơn.

Khi phiên bản sửa đổi của máy bay ném bom H6-N xuất hiện vào tháng 9, các nhà quan sát nhanh chóng ghi nhận khoang bom của nó dường như được gỡ bỏ để trang bị thêm các giá đỡ bên ngoài.

Máy bay ném bom H6-N. Ảnh: Getty

Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc chưa bao giờ tiếp cận con số mà Moscow và Washington sở hữu: Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ ước tính Bắc Kinh chỉ có tổng cộng 290 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ sở hữu tổng cộng 6.185 vũ khí hạt nhân, mặc dù hơn một nửa trong số chúng chưa sẵn sàng để sử dụng.

Các quan chức Hải quân và Không quân Mỹ gần đây nhấn mạnh ưu tiên phát triển vũ khí chống tên lửa, đặc biệt là dưới dạng laser. Các chương trình như HELIOS nhằm phát triển các tia laser phòng thủ đủ mạnh để đốt cháy các bộ phận quan trọng của tên lửa đang tới, hủy diệt nó trước khi nó có thể tấn công các mục tiêu.

Khi Mỹ sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa chống đạn đạo, sự phát triển tên lửa hành trình siêu âm của Trung Quốc và Nga sẽ cần định hướng lại trọng tâm.

Mộc Miên (The AMN)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/he-lo-ten-lua-dan-dao-moi-nhat-khien-trung-quoc-tien-gan-toi-viec-so-huu-bo-ba-hat-nhan-a299620.html