Hé lộ số lỗ nghìn tỷ tại đại dự án Đạm Ninh Bình

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy đại dự án thua lỗ nghìn tỷ Đạm Ninh Bình đến 31.12.2016 số lỗ lũy kế 3.197 tỷ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 lỗ 386,94 tỷ đồng. Còn Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc đến hết tháng 6.2017, số lỗ lũy kế của đơn vị 2.035 tỷ đồng.

Tăng thu ngân sách hơn 4.500 tỷ sau kiểm toán Sabeco, Habeco

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2016 gửi đến Quốc hội.

Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc đến hết tháng 6.2017, số lỗ lũy kế của đơn vị 2.035 tỷ đồng (Ảnh: I.T)

Theo đó, tình trạng người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế TNDN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến. Kết quả kiểm toán, KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 19.109 tỷ đồng, trong đó một số đơn vị có kiến nghị nộp NSNN lớn như: Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) 2.668 tỷ đồng; Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) 1.852 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam 1.753 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 255 tỷ đồng…

Đặc biệt, qua đối chiếu thuế 2.497 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 47 địa phương, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.351 tỷ đồng tại 2.344 doanh nghiệp và kiến nghị cơ quan Thuế kiểm tra, làm rõ để truy thu 446 tỷ đồng.

Nỗi lo tiềm ẩn mang tên TKV

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều sai sót ở hàng loạt dự án lớn do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn làm chủ đầu tư.

Điển hình trong số này là dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng của Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV). Cụ thể, đây là dự án được Kiểm toán Nhà nước xác định không đúng quy hoạch ngành khi TKV phê duyệt điều chỉnh với công suất từ 600.000 tấn/năm lên 650.000 tấn/năm. Điều này cũng “không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".

Dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng của Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) được Kiểm toán Nhà nước xác định có nhiều sai sót (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, Tập đoàn TKV áp dụng lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký kết hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư; ký kết hợp đồng không đúng quy định, khi chưa có bảo lãnh của Chính phủ; tiến độ hoàn thành dự án còn chậm so với kế hoạch...

Theo Kiểm toán Nhà nước, hợp đồng EPC nhà máy Alumin 466 triệu USD nhưng tổng mức đầu tư dự án chưa được điều chỉnh tại thời điểm đó là 6.220 tỉ đồng, tương đương 387,5 triệu USD.

Chưa hết, dự án này cũng được kết luận là ký kết hợp đồng không đúng quy định khi hợp đồng EPC vượt giá gói thầu làm tăng chi phí đầu tư 113 triệu USD. Ngoài ra, theo cơ quan kiểm toán, dự án này cũng không thực hiện đúng cam kết với Thủ tướng Chính phủ về tiến độ khi xin chỉ định thầu. Cụ thể là gói thầu EPC cam kết sẽ hoàn thành có sản phẩm Alumin vào năm 2012 nhưng thực tế đến ngày 5.6.2016 mới cho ra sản phẩm.

Thêm vào đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của TKV tại các công ty, dự án như Công ty liên doanh khoáng sản Steung Treng (Campuchia), dự án khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Phu Nhoun (Bản Nato, Lào), dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại khu vực bản Đông Doc Mai; Dự án khảo sát thăm dò khoáng sản Crom - Antimon (tỉnh Pousat, Campuchia) được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao.

Điểm tên Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng nhắc đến một số đại dự án thua lỗ nghìn tỷ từng như Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình đến 31.12.2016 số lỗ lũy kế 3.197 tỷ đồng, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 lỗ 386,94 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2017, Đạm Ninh Bình lỗ 386,94 tỷ đồng (Ảnh: I.T)

Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc đến hết tháng 6.2017, số lỗ lũy kế của đơn vị 2.035 tỷ đồng. Trong khi đó, dự án Nhà máy DAP Hải Phòng đến năm 2016 lỗ 469,45 tỷ đồng. Còn dự án Nhà máy DAP số 02 đến hết tháng 6.2017 có số lỗ lũy kế 1.447 tỷ đồng;

Trong khi đó, dự án Khu liên hợp Gang thép Cao Bằng sản lượng năm 2016 chỉ đạt khoảng 37%, đến 31.12.2016 lỗ lũy kế 248,1 tỷ đồng.

Từ kết quả kiểm toán có được, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ ngân sách 2016 là hơn 91.300 tỷ đồng.

Số tiền này bao gồm các khoản tăng thu 19.100 tỷ đồng; giảm chi ngân sách 18.400 tỷ đồng; tăng giá trị doanh nghiệp, giá trị vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa 9.639 tỷ đồng…

Nguyên Phương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/he-lo-so-lo-nghin-ty-tai-dai-du-an-dam-ninh-binh-877905.html