Hé lộ mối tình đồng tính đầy lãng mạn của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ

Ngay từ cuối thế kỷ 19, Mỹ đã có một Đệ nhất phu nhân là người đồng tính và không ngần ngại theo đuổi tình yêu của mình với một phụ nữ khác.

Evangeline Simpson Whipple (trái) và Rose Cleveland - Nguồn: Washington Post

Evangeline Simpson Whipple (trái) và Rose Cleveland - Nguồn: Washington Post

Nhiều sử gia cho rằng cựu Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt (1884-1964) từng có mối quan hệ tình cảm với nhà báo Lorena Hickok dựa trên thư từ qua lại giữa hai người cũng như sự liên kết của bà với nhiều nhân vật đồng tính nữ đình đám thời bấy giờ. Trong tương lai, nếu Pete Buttigieg chiến thắng cuộc bầu cử 2020 thì ông sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên là người đồng tính công khai.

Tuy nhiên, nhiều tư liệu vừa được tiết lộ trong thời gian gần đây đã cho thấy Rose Cleveland – một cựu Đệ nhất phu nhân vào cuối thế kỷ 19 – là người đồng tính và không ngần ngại sống thật với chính mình.

Glover Cleveland - Tổng thống thứ 22 và 24 của Mỹ

Năm 1885, Glover Cleveland – đại diện đảng Dân chủ - đắc cử Tổng thống. Khi ấy, ông còn độc thân cho nên vai trò bà chủ Nhà trắng được giao cho em gái Rose Cleveland. Đây được xem là một lựa chọn đúng đắn do bà sở hữu đầy đủ tố chất của một người phụ nữ xuất chúng.

Sinh ra trong một gia đình có tới 9 người con, Rose có cha là một mục sư nhưng ông qua đời khi bà vừa tròn 7 tuổi. Rose đã thay thế cha và các anh chị lớn chăm sóc cho người mẹ góa bụa. Lớn lên, bà theo học tại chủng viện Houghton (về sau là trường cao đẳng Houghton) và trở thành giáo viên để trang trải chi phí gia đình.

Rose đã giảng dạy tại nhiều trường nữ sinh trên cả nước và được đồng nghiệp ngưỡng mộ do có tính cách mạnh mẽ, thông minh và độc lập. Bà cũng hứng thú với công tác thiện nguyện bởi đã thấm nhuần giáo lý về sự vị tha. Sau khi mẹ mất và phải sống một mình, Rose tiếp tục dạy tại trường đạo và thường xuyên đọc những bài diễn văn khuyến khích mỗi cá nhân nên đối xử tử tế với nhau bởi đó là cách giúp nhân loại trở nên tốt hơn.

Rose đảm nhận vai trò Đệ nhất phu nhân trong 14 tháng trước khi Glover Cleveland cưới Frances Folsom. Bà đã đứng bên cạnh anh trai trong lễ nhậm chức và phụ trách tổ chức nhiều hoạt động của Nhà trắng một cách hiệu quả.

Báo chí liên tục đưa tin về Rose, không phải chỉ vì nền tảng giáo dục và đạo đức tốt của bà mà còn ở gu thời trang giản dị nhưng không kém phần tinh tế. Thế nhưng, Rose dường như không hoàn toàn thuộc về tầng lớp quý tộc tại Washington. Bà đam mê và theo đuổi các nỗ lực học thuật nhiều hơn là cố gắng ăn diện sao cho giống các bà vợ của quan chức nội các.

Sau khi rời khỏi Nhà trắng, Rose trở thành hiệu trưởng của đại học Lafayette kiêm nhà văn, giảng viên và biên tập viên của tạp chí Lifestyle có trụ sở đặt tại thành phố Chicago.

Ở tuổi 44, Rose bắt đầu qua lại với Evangeline Marrs Simpson (33 tuổi) – một góa phụ nổi tiếng bởi những hoạt động với Hội chữ thập đỏ cũng như gia tài kếch xù thừa hưởng từ người chồng quá cố lớn hơn bà gần 50 tuổi.

Chi tiết về mối quan hệ này đã được miêu tả trong cuốn sách Precious and Adored: The Love Letters of Rose Cleveland and Evangeline Simpson Whipple, 1890-1918 xuất bản tháng 5 năm nay do Lizzie Ehrenhalt và Tilly Laskey biên soạn. Nó gồm nhiều lá thư của Rose được lưu trữ tại nhà riêng của Evangeline và chỉ được công bố gần đây.

Rose và Evangeline gặp nhau lần đầu vào mùa đông năm 1889 tại bang Florida – nơi các gia đình giàu có thường nghỉ mát. Lá thư đầu tiên được gửi vào tháng 4.1890 với nội dung như sau: “Eve của tôi ơi, tôi rất yêu em! Và điều ấy khiến tôi tê liệt. Em không biết em có ý nghĩa to lớn thế nào với tôi đâu dù đó là việc em phải làm. Phải, bây giờ tôi đã không còn sợ để nói ra điều này nữa: Em là của tôi, dù là trên thiên đàng hay địa ngục, từ tinh thần, linh hồn cho đến thể xác. Em sẽ mãi mãi thuộc về tôi!”.

Một tháng sau, Rose tiếp tục gửi thêm một lá thư: “Em là của tôi, và tôi là của em, định mệnh gắn kết ta lại làm một. Chỉ có Chúa mới có thể chia rẻ đôi ta. Liệu tôi có đang quá liều lĩnh không, Eve? - hãy nói cho tôi biết đi... Giờ đây tôi sẽ chìm vào giấc mộng, với những dòng thư của em dưới gối”.

Các lá thư được lưu giữ hầu hết là của Rose cho nên không rõ Evangeline đã hồi đáp như thế nào. Tuy nhiên, Rose từng trích dẫn một câu nói của người tình rằng: “Cục cưng ơi, hãy đến với em đêm nay. Clevy của em, Viking của em, tất cả mọi thứ của em! Hãy đến đây!” và bà đã đáp lại cũng mùi mẫn không kém: “Viking của em yêu em!”.

Thời đó, khái niệm tình bạn thân thiết giữa những phụ nữ da trắng giàu có khá phổ biến. Thế nhưng rõ ràng Rose và Evangeline đã vượt qua mức bạn bè thông thường, thậm chí là có đụng chạm về mặt thể xác – theo như những lá thư miêu tả. Do đó, chính cựu đệ nhất phu nhân cũng không thể định danh cho mối quan hệ của mình bởi khái niệm “xu hướng tính dục” chưa xuất hiện còn “đồng tính nữ” chỉ được nhắc đến trong các bài thơ Hy lạp cổ.

Tấm ảnh duy nhất có mặt cả Rose và Evangeline còn được lưu trữ đến hiện tại. Nó được chụp vào năm 1893 tại bang Massachusetts - Nguồn: Massachusetts Historical Society

Rose và Evangeline đã tự đặt cho mình những biệt danh như “Clevy” và “Wingie” hay “Granny” và “Granchild” khi viết thư cho nhau. Họ cùng đi nghỉ đến châu Âu và Trung Đông cũng như mua bất động sản chung ở Florida. Điều thú vị là cả hai không hề che giấu mối quan hệ này với gia đình và dường như nó đã được chấp nhận. Rose thậm chí đã viết cho mẹ Evangeline về tình yêu dành cho con gái bà.

Cứ thế, mối tình lãng mạn này kéo dài được 6 năm thì xuất hiện sự phản bội. Năm 1896, Evangeline gây sốc cho bạn bè và gia đình khi tuyên bố đã đính hôn với giám mục Henry Whoop - một nhà truyền giáo nổi tiếng đến từ bang Minnesota và lớn hơn cô 34 tuổi.

Có bằng chứng cho thấy Evangeline thực sự yêu chồng mới. Cô từng viết về tình cảm của mình với ông trong nhật ký. Trên thực tế, Evangeline không cần tiền mà cuộc hôn nhân sẽ mang lại, và ở tuổi 40, cô có lẽ cũng đã qua tuổi sinh đẻ.

Rose và người chồng thứ 2 - Ảnh chụp năm 1896

Rose rất tức giận và viết thư năn nỉ Evangeline suy xét lại: “Có lẽ vào lúc này em không cần tôi cạnh bên. Nhưng tôi cầu xin em, hãy cân nhắc những lời tôi nói sáng hôm nay. Tôi nguyện dành tất cả vì em nếu em cho tôi thêm một cơ hội. Em có thể nào dành ra sáu tháng để mình làm lại từ đầu không? Khoảng thời gian này sẽ chỉ dành riêng cho đôi mình”.

Evangeline kết hôn vào ngày 22 tháng 10 năm 1896. Ba tuần sau, Rose đi thuyền đến châu Âu với một người bạn nữ khác dù mức độ quan hệ của họ không rõ ràng. Bà tiếp tục viết thư cho Evangeline, nhưng sự thân mật đã nhạt nhòa và giờ đây chỉ là những trao đổi thông thường giữa hai người bạn.

Henry Whoop qua đời tại nhà riêng ở bang Minnesota vào ngày 16 tháng 9 năm 1901. Gần như ngay lập tức, những lá thư của Rose đã được gửi đến cho Evangeline.

9 năm tiếp theo, Rose và Evangeline duy trì mối quan hệ ổn định như trước. Họ thường xuyên qua lại giữa hai căn nhà ở Minnesota và New York. Thế nhưng, khi Rose bước sang tuổi 60 thì đã hết kiên nhẫn, không thể chịu được những chuyến hành trình xa và đưa ra lời yêu cầu tha thiết với người tình: “Tôi cần em và cuộc sống quá ngắn ngủi để mãi chờ đợi”.

Năm 1910, Rose và Evangeline sang Ý để chăm sóc cho người anh đang bệnh nặng. Sau đám tang, cả hai vẫn quyết định ở lại ngôi làng thanh bình Tuscan thuộc vùng Bagni di Lucca. Họ dành những năm tháng cuối đời sống hạnh phúc bên nhau.

Khi Thế chiến thứ nhất bắt đầu vào năm 1914, Rose và Evangeline không chỉ ở lại Bagni di Lucca, mà họ còn tổ chức và tài trợ cho các nỗ lực cứu trợ, đặc biệt là cho những người tị nạn tràn vào Tuscany vào năm 1917.

Rồi đại dịch cúm Tây Ban Nha ập đến. Trong khi chăm sóc một người bạn bị bệnh, Rose bị nhiễm virus. Bà mất vào ngày 22 tháng 11 năm 1918, hưởng thọ 72 tuổi.

Evangeline đã viết cho con gái của chồng cũ rằng: “Ánh sáng đời tôi đã tắt... Sự mất mát của linh hồn cao cả và vĩ đại này là một vết thương mà tôi sẽ không hồi phục”.

Evangeline sống thêm 12 năm nữa. Bà đã viết một cuốn sách về Tuscany và dành tặng nó cho Rose. Bà qua đời vì viêm phổi và suy thận ở London vào năm 1930. Bia mộ của cả hai được đặt cạnh nhau tại nghĩa trang Bagni di Lucca.

Ngôi mộ của Rose và Evangeline tại Bagni di Lucca, Ý - Nguồn: Queer Places

Năm 1969, một hậu duệ của Henry Whoop đã tặng một bộ sưu tập gồm nhiều thư từ và giấy tờ gia đình cho Hội lịch sử Minnesota. Các sử gia nghi ngờ rằng người này hiểu rõ sức ảnh hưởng và thông tin từ những lá thư này cho nên muốn tất cả mọi người đều đọc được.

Chính vì vậy mà chúng ta mới biết được rằng ngay từ cuối thế kỷ 19, nước Mỹ đã có một Đệ nhất phu nhân là người đồng tính và đã dành nửa cuộc đời để yêu thương, trân trọng người tình của mình.

Mai Thảo

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/lgbt-c-131/he-lo-moi-tinh-dong-tinh-day-lang-man-cua-cuu-de-nhat-phu-nhan-my-116916.html