Hé lộ lý do ông Biden từng đến Liên Xô hai lần

Năm 1979, Tổng thống đương nhiệm của Mỹ Joe Biden đã đến Liên Xô, khi đó ông đứng đầu một nhóm thượng nghị sĩ.

Mục đích chính của chuyến thăm là thuyết phục các đồng nghiệp Thượng viện ủng hộ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START-2) giữa Mỹ và Liên Xô. Ông Biden đã gặp Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev, Thủ tướng Liên Xô Aleksey Kosygin và Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Andrei Gromyko.

Sau đó, chính trị gia người Mỹ nói rằng ông nhớ những lời của Thủ tướng Kosygin trước khi bắt đầu cuộc đàm phán: “Chúng tôi không tin tưởng bạn và bạn cũng không tin tưởng chúng tôi. Và mọi người đều có lý do chính đáng cho điều đó”.

Vào ngày 26/8/1979, TASS báo cáo rằng, ông Biden và các thượng nghị sĩ khác đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Tổ quốc để vinh danh những cư dân của Leningrad đã hy sinh trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. “Nhân loại biết ơn người dân Leningrad vì chiến công tuyệt vời”, ông Biden nói.

Ông Biden đến thăm Liên Xô đàm phán về kiểm soát vũ khí. (Ảnh: YouTube)

Ông Biden đến thăm Liên Xô đàm phán về kiểm soát vũ khí. (Ảnh: YouTube)

Ngày 15/1/1988, ông Biden với tư cách là thành viên Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ có chuyến đi thứ hai đến Liên Xô theo lời mời của Xô-viết Tối cao Liên Xô, tại Moscow ông gặp lại Ngoại trưởng Gromyko khi đó là Chủ tịch Xô-viết Tối cao. Vốn là một nhà ngoại giao lão luyện, ông Gromyko bày tỏ hi vọng các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ đạt kết quả như mong muốn.

Chủ đề của cuộc họp một lần nữa lại đề cập đến vấn đề giải trừ quân bị. Vào thời điểm đó, Liên Xô và Mỹ đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về việc cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược. Ngoài ra, với tư cách là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Biden đã thảo luận với giới lãnh đạo Liên Xô về việc sắp tới phê chuẩn hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Trong cuộc trò chuyện với ông Gromyko, ông Biden đã trích dẫn ý kiến của các chính trị gia phương Tây rằng thế giới không thể được bảo tồn nếu có vũ khí hạt nhân. Đáp lại, nhà lãnh đạo Liên Xô nói rằng sẽ không cần bom nguyên tử và tên lửa nếu thế giới có một “hệ thống an ninh toàn diện” dựa trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc của nhau.

Không biết ông Biden có đồng ý với những dự án táo bạo như vậy không, nhưng ông kết thúc cuộc trò chuyện bằng những lời: “Bây giờ chúng ta có một cửa sổ mở và chúng ta phải làm mọi thứ để nó không đóng lại đó là phê chuẩn hiệp ước Liên Xô - Mỹ”.

Ông Biden gần như công khai có thiện cảm với Nga cho đến đầu những năm 2000. Cùng với Thượng nghị sĩ Richard Lugar, ông đưa ra ý tưởng tái cơ cấu một phần khoản nợ của Liên Xô do Nga trả.

Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Putin, thái độ của ông Biden đối với Nga đã thay đổi. Thượng nghị sĩ nằm trong số 115 chính trị gia phương Tây, sau những sự kiện bi thảm ở Beslan đã ký một thông điệp chung gửi chính quyền Nga.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, khi đó ông Biden trở thành Phó tổng thống, Mỹ đã theo đuổi chính sách “thiết lập lại quan hệ”. Thuật ngữ này được ông Biden sử dụng lần đầu tiên vào tháng 2/2009.

Đồng thời, Washington tiếp tục tìm cách chống lại sự trỗi dậy của Nga trong không gian hậu Xô Viết. Vào tháng 7/2009, ông Biden đã có chuyến thăm tới Gruzia và Ukraine, sau đó ông đã trả lời phỏng vấn của The Wall Street Journal. Phó tổng thống dự đoán về sự suy yếu kinh tế của Nga và bày tỏ quan điểm rằng, cuối cùng thì Moscow sẽ phải tuân theo chính sách của Mỹ.

Giới chuyên gia cho rằng, cựu thượng nghị sĩ sẽ không đi chệch khỏi ranh giới giải trừ quân bị nhất quán. Từ khi nắm quyền Nhà Trắng vào tháng 1/2021, Tổng thống đắc cử Joe Biden là người ủng hộ tích cực cho việc ký kết hiệp ước START tiếp theo.

Cựu Thượng nghị sĩ Bill Bradley, người từng thăm Moscow năm 1979 chia sẻ: “Ông Biden hiểu về Liên Xô, Nga và có kinh nghiệm đối với Tổng thống Vladimir Putin. Ông ấy hiểu điều gì là có thể và điều gì là không”.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/he-lo-ly-do-ong-biden-tung-den-lien-xo-hai-lan-285885.html