Hé lộ lý do Nga là nước duy nhất Mỹ 'buông tay' trong việc ép rời khỏi Syria

Nga đã có căn cứ quân sự ở Syria trước khi cuộc nội chiến nổ ra ở quốc gia Trung Đông hồi năm 2011. Đây là một phần lý do khiến Mỹ không ép Nga phải rút quân khỏi Syria.

Theo Sputnik, trong chia sẻ với các phóng viên mới đây, đặc phái viên của Mỹ về Syria James Franklin Jeffrey nhận định khi Iran rút hết quân ra khỏi Syria và tìm được giải pháp chính trị cho quốc gia Trung Đông này, tất cả các lực lượng nước ngoài phải rời khỏi Syria.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng riêng nước Nga không cần phải rời khỏi Syria bởi lẽ Moscow có căn cứ quân sự đặt ở đây từ trước khi quốc gia Trung Đông này nổ ra chiến tranh, hồi năm 2011.

Quân đội Mỹ cho biết sẽ lập các trạm quan sát dọc theo đường biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm thiểu căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh người Kurd

Quân đội Mỹ cho biết sẽ lập các trạm quan sát dọc theo đường biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm thiểu căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh người Kurd

Ông Jeffrey giải thích rằng đây là lý do Mỹ đã không đưa lực lượng Nga vào danh sách những nước cần phải rút quân khỏi Syria.

Trước đó, Đại sứ Mỹ ở Syria đã gọi thực trang 5 lực lượng nước ngoài đang hoạt động ở Syria là Nga, Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là “nguy hiểm”.

“Nga đã ở đây từ trước nên không cần phải rút lui nhưng 4 nước có lực lượng quân sự ở Syria…Đó là một thực tế nguy hiểm”, Đại sứ Mỹ cho hay.

Nhà ngoại giao Mỹ cũng khẳng định rằng mục tiêu của Mỹ ở Syria không chỉ là tiêu diệt khủng bố mà còn để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc xung đột của Syria và đảm bảo việc các lực lượng nước ngoài rút khỏi quốc gia Trung Đông này, ngoại trừ Nga.

Và dù khẳng định ông Assad “tương lai không thể nắm quyền” nhưng ông Jeffrey cũng nói thêm rằng việc lật đổ quyền lực của nhà lãnh đạo Syria không phải là công việc của Mỹ.

Trong khi đó, Iran khẳng định nước này chỉ gửi cố vấn quân sự tới Syria theo đề nghị của Damascus nên nhấn mạnh rằng Tehran sẽ ở lại đây chừng nào quốc gia Trung Đông này còn cần.

Việc Washington hiện diện quân sự tại Syria không được Liên Hợp Quốc cũng như chính phủ Syria thừa nhận và Damascus đã nhiều lần yêu cầu Mỹ cuốn gói khỏi Syria.

Mỹ lập trạm quan sát

Trong một diễn biến mới đây, quân đội Mỹ cho biết sẽ lập các trạm quan sát dọc theo đường biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm thiểu căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh người Kurd của Washington trong cuộc chiến chống lại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS).

"Mục tiêu của việc lập các trạm quan sát là nhằm đảm bảo cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ các thông tin tình báo về việc các thành phần khủng bố từ Syria đang chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết trong một cuộc họp ở Lầu Năm Góc.

Quyết định lập các trạm quan sát được đưa ra sau các tham vấn giữa Washington và Ankara.

Lực lượng dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn để chiến đấu chống IS tại Syria. Tuy nhiên, lực lượng này bị Ankara liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.

Nga đã cứu nguy cho chế độ của Tổng thống Assad, giúp quân đội Syria chặn đà tiến của IS, lấy lại dần lãnh thổ.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng phản đối hoạt động tuần tra chung giữa Mỹ và SDF gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, khẳng định động thái là không thể chấp nhận, đồng thời hy vọng Mỹ sẽ chấm dứt hoạt động này. Hoạt động tuần tra được khởi động tuần trước ở miền Bắc Syria, nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh người Kurd của Washington, song Ankara vẫn tiếp tục đe dọa tiến hành cuộc tấn công mới nhằm đập tan lực lượng người Kurd.

Vị thế của Nga ở Syria

Đầu tháng 10/2015, Nga bất ngờ can thiệp quân sự vào tình hình Syria, oanh kích các mục tiêu IS. Sự việc là điều bất ngờ đối với thế giới nói chung và phương Tây - nhất là Mỹ, nói riêng.

Hoạt động của Nga đã cứu nguy cho chế độ của Tổng thống Assad, giúp quân đội Syria chặn đà tiến của IS, lấy lại dần lãnh thổ.

Sau 3 tháng, hiệu quả và tác động từ chiến dịch không kích đều đặn và chính xác của không quân Nga ở Syria đã chứng tỏ rõ ý nghĩa bước ngoặt của hành động can thiệp này. Tuy có không ít sự phản đối, nhìn chung Nga nhận được sự đồng tình của công luận thế giới, kể cả trong nội bộ phương Tây.

Các cuộc không kích IS do Nga tiến hành tỏ ra hiệu quả hơn chiến dịch của Mỹ và liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu

Qua các hoạt động ở Syria, Nga đã gây dựng một hình ảnh tích cực, mạnh mẽ về Tổng thống Putin và nước Nga, tạo cảm giác Nga chứ không phải Mỹ đang ở tuyến đầu chống IS.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/he-lo-ly-do-nga-la-nuoc-duy-nhat-khong-bi-my-ep-roi-khoi-syria-a411908.html