Hé lộ lý do khiến Qatar quyết tâm rời OPEC

Việc Qatar quyết tâm rời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể là phản ứng trước vai trò chi phối của Nga và Arab Saudi trong các thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác nhằm 'kiểm soát' giá dầu.

Trong một tuyên bố bất ngờ, Iran ngày 3-12 cho rằng việc Qatar quyết định rời OPEC cho thấy sự thất vọng của những nhà sản xuất nhỏ đối với vai trò chi phối của Arab Saudi và Nga trong việc quyết định cắt giảm sản lượng nhằm giúp “kiểm soát” giá dầu, theo Bloomberg.

Việc Qatar rời OPEC được cho là vì bất mãn với chính sách khai thác của Nga và Arab Saudi. Ảnh: ITN

"Đây là điều đáng buồn và chúng tôi thấu hiểu sự thất vọng của họ", đại diện của Iran tại OPEC, ông Hossein Kazempour Ardebili nói với truyền thông.

Ông Ardebili cũng lý giải thêm rằng quyết định của Qatar phản ánh sự giận dữ đang gia tăng của các nhà sản xuất dầu trước điều mà ông mô tả là cách tiếp cận đơn phương của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC (JMMC) vốn do Arab Saudi và Nga dẫn dắt trong việc ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu.

"Rõ ràng có nhiều thành viên OPEC đã bày tỏ thất vọng rằng quyết định của JMMC về sản lượng dầu có thiên hướng một chiều và chưa nhận được sự đồng thuận trước của OPEC", đại diện Iran nhấn mạnh.

Bình luận của Iran được đưa ra sau khi Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi cùng ngày tuyên bố quốc gia vùng Vịnh này sẽ rút khỏi OPEC vào tháng 1-2019 để tập trung vào sản xuất khí đốt.

Qatar, một thành viên của OPEC trong suốt 57 năm qua, đã đưa ra quyết định trên trong bối cảnh giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trong những ngày qua đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 14 tháng qua. Doha nhấn mạnh quyết định này hoàn toàn không dính dáng đến chính trị.

Hồi tháng 11, Iran từng kêu gọi Arab Saudi và Nga cắt giảm sản lượng dầu thô xuất khẩu, bởi việc Moscow và Riyadh đẩy mạnh sản lượng khai thác đang làm giá dầu bị giảm sút.

Nga và Arab Saudi đã nhận được đề nghị từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc gia tăng sản lượng dầu thô khai thác và xuất khẩu, nhằm bù đắp vào phần thiếu hụt từ Iran, sau khi Washington tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran để ép nước này ngừng hẳn việc khai thác dầu mỏ.

Tuy nhiên, Iran lập luận rằng việc gia tăng sản lượng của Arab Saudi và Nga theo đó đã làm giá dầu giảm và vì thế không mang lại lợi ích cho bất cứ ai ngoài ông Trump, và lại còn gây thiệt hại nặng nề cho các thành viên khác của OPEC.

Thiện Minh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/he-lo-ly-do-khien-qatar-quyet-tam-roi-opec-523049/