Hé lộ lý do bất ngờ việc Tổng thống Trump ra lệnh không kích Syria

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định tấn công Syria hồi tuần trước chỉ là cách để ông chứng tỏ độ tin cậy trong những phát ngôn của mình, báo Mỹ cho hay.

Theo tạp chí NYmag, tuần trước, liên quân do Mỹ đứng đầu đã phóng hàng loạt tên lửa vào Syria nhằm chứng tỏ độ tin cậy trong phát ngôn của Tổng thống Donald Trump trên mạng xã hội Twitter.

Thứ Ba tuần trước, giữa lúc có thông tin về việc Mỹ cân nhắc dùng biện pháp quân sự nhằm vào Syria để phản ứng với cáo buộc Chính phủ quốc gia Trung Đông này dùng vũ khí hóa học tấn công dân thường ở thành phố Douma, Đại sứ Nga tại Lebanon Alexander Zasypkin cảnh báo Nga sẽ bắn hạ mọi tên lửa và phương tiện phóng nếu Mỹ tấn công Syria.

Tuần trước, liên quân do Mỹ đứng đầu đã phóng hàng loạt tên lửa vào Syria.

Ê kíp thực hiện chương trình truyền hình buổi sáng Fox & Friends của Mỹ ngay sau đó phản ứng gay gắt với tuyên bố này của Đại sứ Zasypkin. "Chúng ta nên nói với Nga rằng mọi căn cứ quân sự Syria là mục tiêu, nếu quân đội Nga có ở đó thì đó là vấn đề của họ", một người dẫn chương trình của Fox & Friends tuyên bố.

Chỉ vài phút sau, ông Donald Trump đưa ra thông điệp mang đầy tính đe dọa trên Twitter. "Nga thề sẽ bắn hạ mọi tên lửa nhằm vào Syria. Nga hãy sẵn sàng bởi tên lửa sẽ tới, đẹp, mới và 'thông minh'", dòng tweet của Tổng thống Trump có đoạn.

Vào thời điểm đó, Nhà Trắng chưa quyết định tấn công Syria hay không, chưa nói tới khả năng nhắm vào khí tài và lực lượng Nga tại quốc gia này, theo các quan chức Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis những ngày sau đó đã liên tục hối thúc Tổng thống Trump hoãn quyết định tấn công, cho đến khi xác định được phe chịu trách nhiệm trong vụ tấn công hóa học ở Douma, cũng như chờ quốc hội Mỹ thông qua việc phát động chiến tranh.

Nhưng Tổng thống Mỹ không muốn trì hoãn. Người đứng đầu Nhà Trắng tin rằng tấn công Syria khi chưa có chiến lược rõ ràng hoặc chờ quốc hội thông qua sẽ tốt hơn việc để dư luận hoài nghi về uy tín của ông, cũng như các tuyên bố đe dọa được đưa lên mạng xã hội.

Trong khi đó, chỉ vài ngày trước khi xảy ra nghi vấn tấn công hóa học ở Douma, ông Trump đã đề nghị rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Syria.

Trên thực tế, tình hình chẳng có gì khác biệt giữa khi ông Trump muốn rút hết quân Mỹ khỏi Syria và khi ông quyết định gia tăng sự can thiệp chống lại chế độ ông Assad.

Các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump muốn chứng tỏ hành động đi đôi với lời nói trong những dòng tweet, nhưng ông cũng được cảnh báo phản ứng quá hiếu chiến có nguy cơ gây chiến tranh với Nga.

Lời đe dọa có phản ứng với cáo buộc tấn công hóa học ở Douma khiến dư luận tin rằng Mỹ chắc chắn sẽ tấn công quân sự nhằm vào Syria. Tổng thống Mỹ khi đó vẫn tìm cách tránh xung đột với Nga, nhưng cũng muốn hành động một cách cứng rắn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Mattis.

Nhờ sự can ngăn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis, vụ không kích được hạn chế ở mức đủ để gửi đi thông điệp cứng rắn, tránh khơi mào cuộc chiến quy mô lớn. Tuy nhiên, ông Trump vẫn bị các thành viên bảo thủ của đảng Cộng hòa chỉ trích là nhượng bộ lợi thế chiến lược cho Nga và Iran ở Syria.

Theo giới phân tích, cuộc không kích của Mỹ đã làm hài lòng những nghị sĩ ủng hộ chính sách đối ngoại tự do, dù họ thừa nhận chiến dịch này thiếu cơ sở pháp lý và không dựa trên chiến lược nhất quán.

Giới quan sát cho rằng, mục đích của cuộc tấn công không phải nhằm lật đổ ông Assad, càng không phải để gây thiệt hại cho lực lượng Nga, Iran có mặt ở Syria và cũng chẳng phải để bảo vệ dân thường khỏi tình trạng bạo lực. Trên thực tế, cuộc không kích được lên kế hoạch và thực hiện thận trọng để tránh không làm thay đổi bản chất và tổng thể của cuộc xung đột.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/tiet-lo-ly-do-bat-ngo-sau-viec-tt-trump-ra-lenh-khong-kich-syria-a367392.html