Hé lộ kỹ thuật xây dựng phức tạp ở thành nhà Hồ

Qua 5 tháng khai quật, các nhà khoa học đã phần nào lý giải được kỹ thuật xây dựng giúp thành đá tồn tại trên 600 năm của vương triều Hồ.

Thành nhà Hồ (ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được Hồ Quý Ly xây dựng chỉ vọn vẹn trong vòng ba tháng (từ tháng 1/1397 đến tháng 3/1397), tồn tại đến nay đã hơn 600 năm. Ảnh: Geoff Steven.

Thành nhà Hồ (ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được Hồ Quý Ly xây dựng chỉ vọn vẹn trong vòng ba tháng (từ tháng 1/1397 đến tháng 3/1397), tồn tại đến nay đã hơn 600 năm. Ảnh: Geoff Steven.

Thời ấy chưa có công nghệ vận chuyển hay ghép đá gắn xi măng, vậy làm sao để những bức tường thành được xếp vuông vắn, thẳng đứng và tồn tại đến ngày nay? Đó là câu hỏi mà các nhà khoa học trong và ngoài nước vẫn miệt mài đi tìm lời giải suốt hàng chục năm qua.

Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện khai quật cắt tường thành phía đông bắc (Thành nhà Hồ) với tổng diện tích khoảng 400 m2. Việc này nhằm mục đích tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật gia cố lớp đất đắp trên tường thành, lớp móng gia cố và nền gia cố chân thành khu vực tường thành phía đông bắc.

Theo báo cáo sơ bộ, sau 5 tháng tiến hành khai quật (từ tháng 9/2018 đến 1/2019), các nhà khảo cổ học kết luận tường thành có kết cấu được đắp bằng đất ở thân và mặt trong, mặt ngoài tường ốp bằng những tảng đá kích thước lớn nhỏ khác nhau, có những tảng nặng hàng chục tấn.

Đáng chú ý, quá trình khai quật đã phát hiện thành được đắp bằng 11 lớp đất, sỏi cuội rất tỉ mỉ, kiên cố và vững chắc. Tính từ trên xuống, lớp bề mặt trên của tường thành rộng từ 8,5-9 m, là lớp vật liệu bằng sỏi cuội, đá, đất sét được đầm, lèn kiên cố giúp tường thành không bị nắng, mưa hủy hoại. Lớp thứ 2 là đất sét màu đỏ, vàng, xanh lẫn cát dày từ 0,5-0,55 m được đầm, lèn theo triền dốc đổ xuống phía trong thành.

Lớp thứ 3 là đất sét màu vàng nhạt lẫn nhiều sạn cát có độ dày khoảng 1 m. Lớp thứ 4 là đất sét màu đỏ lẫn nhiều cụm sét xám dày từ 0,5-0,6 m; lớp thứ 5 là đất sét vàng nhạt lẫn nhiều sạn cát nhỏ và sỏi laterit, có độ dày khoảng 0,8 m. Lớp thứ 6 là đất sét màu xám đen có độ dày 0,18-0,2 m; lớp thứ 7 là đất sét vàng lẫn cát vàng đầm lèn chặt, có độ dày 0,06-0,08 m.

Tiếp đến là lớp thứ 8, đất xám đen được đầm chạy từ bề mặt tường thành xuống đến chân thành, có độ dày 0,18-0,2 m; lớp thứ 9 là đất sét vàng lẫn ít cát, dày 0,08-0,1 m; lớp thứ 10 là đất xám đen đầm chặt chạy từ mặt tường thành xuống nền chân thành, dày 0,5-0,6 m; lớp cuối cùng sát với chân tường thành là lớp đất sét đỏ sẫm được đầm lèn chặt, chắc chắn và ngăn cách rất rõ với lớn trên và dưới, có độ dày trung bình 1,7-1,8 m.

Về phần móng tường thành, các nhà khoa học phát hiện móng cũng được gia cố bằng lớp đất sét màu xám xanh và khá đều. Tiếp đến là lớp sỏi cuội, đá dăm (kích thước đá dăm 1,2x5 cm) và lớp đất sét màu vàng. Tổng cộng, riêng phần móng thành có 7 lớp gia cố bằng sỏi cuội và lớp gia cố bằng đất sét màu đỏ (có độ dày 1,7-1,8 m).

Từ kết quả nghiên cứu về kết cấu tường và chân tường thành, các nhà khảo cổ học đưa ra kết luận thành và chân tường thành của di sản Thành nhà Hồ có kết cấu từ sỏi cuội, đất sét vàng, đỏ, xám xanh và sạn cát hạt thô. Về đất đắp thành, ban đầu các nhà nghiên cứu nhận định đất được lấy từ quá trình mở rộng lớp lòng hào thành phía ngoài.

Ngoài ra, trong quá trình khai quật, nhiều di vật được phát hiện như gạch, ngói, bát gốm men trắng, hoa lam, men nâu, men ngọc, gạch vồ… có niên đại từ thời Trần - Hồ và Lê. Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, cho biết kết quả cuộc khai quật đã mang lại nhiều cứ liệu quan trọng, giúp làm rõ được kỹ thuật xây dựng thành đá. "Qua đó giúp ích rất lớn cho việc trùng tu lại di sản thế giới đang bị xuống cấp này", ông nói.

Vị trí Thành nhà Hồ. Ảnh: Google Maps.

Nguyễn Dương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/he-lo-ky-thuat-xay-dung-phuc-tap-o-thanh-nha-ho-post913167.html