Hé lộ kế sách khó ngờ của Mỹ nhằm 'hất cẳng' Iran khỏi Syria

Chiến lược mới của chính quyền Tổng thống Trump triển khai cho cuộc chiến ở Syria có việc tập trung nhắm vào Iran. Mỹ sẽ tập trung vào các nỗ lực chính trị và ngoại giao để buộc Iran ra khỏi Syria.

Theo Nbc, chính quyền Tổng thống Trump đang triển khai chiến lược mới cho cuộc chiến ở Syria. Theo đó, Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đẩy quân đội Iran và lực lượng ủy nhiệm ra khỏi nước này, năm nguồn tin am hiểu về kế hoạch cho hay.

Theo chiến lược mới, quân đội Mỹ sẽ không trực tiếp nhắm vào mục tiêu Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của Iran vì điều đó sẽ vi phạm quyền hạn hiện tại của Mỹ về việc sử dụng vũ lực ở Syria. Thay vì đó, Mỹ sẽ tập trung vào các nỗ lực chính trị và ngoại giao để buộc Iran ra khỏi Syria bằng cách gây sức ép về tài chính.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo 3 nguồn tin thân cận, Washington sẽ vẫn viện trợ tái thiết cho các khu vực có lực lượng Iran và Nga. Mỹ cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Nga và Iran đang tiến hành tái thiết ở Syria.

"Có một cơ hội thực sự cho Mỹ và các đồng minh để khiến chính quyền Iran trả tiền cho việc tiếp tục hiện diện tại Syria", Mark Dubowitz, người đứng đầu Quỹ Quốc phòng Dân chủ cho biết.

Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao tăng cường tập trung vào việc chống lại Iran bằng cách gây sức ép kinh tế và ngoại giao, một quan chức quốc phòng Mỹ bàn luận về kế hoạch mới.

Hồi tháng 4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông muốn đưa quân đội Mỹ rút khỏi Syria. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và đồng minh quốc tế đã thuyết phục người đứng đầu Nhà Trắng giữ quân đội Mỹ tại Syria với lý do việc rời đi là mâu thuẫn với những nỗ lực của ông trong việc cứng rắn với Iran.

Nội các của Tổng thống, các tướng lĩnh của ông, và các đồng minh ở Trung Đông, đều phản đối việc rút quân. Điều này đã thuyết phục được Tổng thống rằng việc Mỹ rời đi sẽ tạo ra một khoảng trống mà Iran và IS sẽ lấp đầy. Điều đó đã nhận được sự chú ý của ông Trump, theo năm nguồn tin thân cận.

Chính quyền Trump cũng tin rằng các biện pháp trừng phạt mới của họ đang có tác động, và với áp lực kinh tế, Iran sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán cho các lực lượng của mình tại Syria.

Trong khi chiến lược Syria mới không bao gồm nhiệm vụ buộc ông Assad phải ra đi, nội dung văn bản này đề cập rằng, chính phủ Syria mới không thể có quan hệ chặt chẽ với Iran và phải sẵn sàng truy tố những người đã phạm tội chống nhân loại, cũng theo năm nguồn tin trên.

Iran có bị khuất phục?

Hôm 14/10, trong cuộc nói chuyện với sinh viên và giảng viên tại Đại học Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Iran không bị ảnh hưởng và không bị khuất phục bởi lệnh cấm vận xuất khẩu dầu lửa do Mỹ đưa ra.

Tổng thống Rouhani cho rằng, lệnh trừng phạt mới của Mỹ cấm Iran xuất khẩu dầu lửa ra nước ngoài có hiệu lực vào ngày 4/11 tới là nhằm làm suy yếu nền kinh tế của Iran, cố tình tạo ra một cuộc chiến tranh kinh tế và gây ra bất ổn. Đây là một hành động thù địch chưa từng có trong lịch sử, cùng với âm mưu lật đổ chính quyền hiện nay của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Hồi tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, cùng với đó là gia tăng sức ép và trừng phạt Tehran. Trong đó, vòng trừng phạt đầu tiên bao gồm cấm bán USD và các loại trang sức, kim loại quý cho Iran đã có hiệu lưc từ tháng 8 vừa qua. Đến tháng 11 tới, vòng trừng phạt thứ hai sẽ nhắm tới xuất khẩu dầu lửa của quốc gia Trung Đông này ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani khẳng định, Iran đã có những biện pháp đề phòng và sẵn sàng đương đầu với thử thách, cũng như sẽ chống trả đối với mọi hành động thù địch.

Hồi tháng 8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết ý định cắt giảm kim ngạch dầu mỏ xuất khẩu của Iran xuống còn không từ phía Mỹ sẽ không bao giờ thành công.

Trước đó, các quan chức Mỹ đã phát biểu rằng họ có kế hoạch gây sức ép đối với các nước trên thế giới để buộc họ ngừng mua dầu mỏ từ Iran, nhằm buộc nước này ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa của mình và ngừng can thiệp vào tình hình chiến sự ở Syria và Iraq.

“Nếu người Mỹ đang có suy nghĩ đơn giản nhưng bất khả thi này thì họ cũng cần phải biết hậu quả của nó”, ông Zarif trả lời báo giới. “Việc họ tin rằng họ sẽ có phương án thay thế tối ưu nếu Iran không thể xuất khẩu dầu mỏ là không tưởng”.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/he-lo-ke-sach-kho-ngo-cua-my-nham-hat-cang-iran-khoi-syria-a407813.html