Hé lộ 'đồng thuận' Mỹ-Trung nhưng tại sao gặp gỡ Hawaii không đạt tới kỳ vọng?

Theo giới quan sát, cả Mỹ và Trung Quốc không muốn mối quan hệ song phương bị tuột dốc, đặc biệt trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Tờ SCMP đưa tin, những bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ về Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương đã lộ rõ trong cuộc họp giữa các nhà ngoại giao hàng đầu hai nước tại Hawaii hôm thứ 4 (17/6), bất chấp tuyên bố của Bắc Kinh rằng quá trình đối thoại diễn ra "tích cực" và cả hai bên đồng ý cải thiện quan hệ song phương.

Tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì nói với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng, Bắc Kinh kiên quyết thực hiện đạo luật an ninh đối với Hong Kong. Cùng tới Hawaii với ông Pompeo còn có Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh: SCMP)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh: SCMP)

Theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian, ông Dương cũng thông báo với Ngoại trưởng Pompeo về cam kết của Bắc Kinh xây dựng một mối quan hệ không đối đầu và tôn trọng lẫn nhau với Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lãnh thổ, an ninh và các lợi ích phát triển của mình.

"Ông Dương bày tỏ hy vọng Trung và Mỹ sẽ hỗ trợ lẫn nhau… và đưa mối quan hệ song phương quay trở lại hợp tác và ổn định", phát ngôn viên cho biết. Bên cạnh đó, người đại diện phái đoàn Trung Quốc còn nhấn mạnh về lập trường của Bắc Kinh trong các vấn đề Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương, đồng thời khẳng định đạo luật an ninh quốc gia tại Hong Kong hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

"Quyết tâm của Trung Quốc thúc đẩy một đạo luật an ninh quốc gia tại Hong Kong là không thay đổi. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong cũng như việc các ngoại trưởng G7 đưa ra thông cáo về Hong Kong", ông Zhao nói.

Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì cũng nhắc lại chính sách Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và thể hiện thái độ phản đối trước một đạo luật mới liên quan tới Tân Cương mà Tổng thống Donald Trump vừa ký kết cùng ngày.

Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Pompeo tại một cuộc gặp tháng 11/2018 ở Honolulu (ảnh: getty)

Trong một bài viết được Tân Hoa Xã đăng tải, hai ông Dương và Pompeo được cho là đã có "các cuộc thảo luận sâu" về quan hệ Mỹ-Trung và các vấn đề quốc tế - khu vực mà cả hai bên quan tâm. "Đại diện hai nước đều bày tỏ lập trường của mình và tin tưởng, đây là một cuộc đối thoại tích cực", Tân Hoa Xã viết. "Cả hai bên đồng ý có hành động để thực hiện những thỏa thuận đã đạt được giữa các nhà lãnh đạo hai nước và tiếp tục liên lạc với nhau".

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra một thông báo cho hay, Mỹ "nhấn mạnh tầm quan trọng của các lợi ích của nước Mỹ và sự cần thiết cần phải có những thỏa thuận có đi có lại đầy đủ giữa hai quốc gia trong các quan hệ thương mại, an ninh và ngoại giao".

Ngoại trưởng Mỹ cũng đề cập tới yêu cầu "phải có sự minh bạch và chia sẻ thông tin để đối phó với đại dịch COVID-19 đang diễn ra cũng như phòng ngừa các bùng phát dịch bệnh trong tương lai", thông cáo của Bộ Ngoại giao nêu rõ.

Hai nhà ngoại giao đã ăn tối cùng nhau vào tối ngày 16/6. Cuộc họp kéo dài tầm 7 tiếng trong bối cảnh hai nước đang không ngừng đưa ra các cáo buộc lần nhau trong nhiều lĩnh vực.

Cùng ngày cuộc họp diễn ra, Tổng thống Trump đã kí một đạo luật trừng phạt quan chức Trung Quốc liên quan tới các động thái của Bắc Kinh đối với cộng đồng người Hồi giáo tại Tân Cương.

Chỉ vài giờ sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ và gọi động thái của Washington là "đòn tấn công thù địch" lên chính sách của chính phủ Trung Quốc ở Tân Cương. Bắc Kinh cũng đe dọa sẽ đưa ra một loạt các biện pháp trả đũa đối với Mỹ nếu tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Theo giới quan sát, cuộc gặp tại Hawaii cho thấy, cả Mỹ và Trung Quốc không muốn mối quan hệ song phương bị tuột dốc, đặc biệt trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Tuy nhiên, kỳ vọng không hề cao.

Những vấn đề xung đột giữa Bắc Kinh và Washington trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ Đài Loan, Hong Kong, chạy đua vũ trang, công nghệ cao, cách xử lý COVID-19 cho tới sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, ý thức hệ cũng như quyền lực mềm.

"Gần như chắc chắc sẽ không có bên nào chấp nhận nhượng bộ đáng kể về một hoặc hai vấn đề trên", ông Shi Yinhong, một giáo sư quan hệ quốc tế từ Đại học Nhân dân Bắc Kinh, đồng thời là một cố vấn của chính phủ Trung Quốc nhận định.

"Duy trì quan hệ ngoại giao không thể đảm bảo bất kì cải thiện nào trong quan hệ song phương", ông Shi nói.

Tháng 8 năm ngoái, ông Dương Khiết Trì bất ngờ có chuyến công du tới New York để gặp gỡ Ngoại trưởng Pompeo. Tuy nhiên, cuộc gặp dường như không có nhiều tác dụng làm giảm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoại trừ thỏa thuận thương mại giai đoạn một do Tổng thống Trump và Phó Thủ tướng Lưu Hạc kí kết vào hồi tháng 1, quan hệ song phương Mỹ-Trung liên tục xói mòn, đặc biệt dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Pompeo bắt đầu gọi virus corona mới là "virus Vũ Hán". Ông cũng chỉ trích Bắc Kinh che giấu mức độ nghiêm trọng của virus khi nó bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc từ cuối năm ngoái. Chính phủ Trung Quốc kiên quyết phủ nhận những cáo buộc này và gọi đó "một chiến dịch bêu xấu chống lại Trung Quốc".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/he-lo-dong-thuan-my-trung-nhung-tai-sao-gap-go-hawaii-khong-dat-toi-ky-vong-20200618155347021.htm